Theo nhà biên kịch, đạo diễn Kay Nguyễn, các đạo diễn trẻ trên thế giới thường dùng thể loại phim kinh dị làm nơi thực tập vì kinh phí sản xuất thấp. Đây cũng là nhánh bị đánh giá ở mức cuối cùng trong các dòng phim thuộc thể loại kỳ ảo (fantasy).
Nói vậy nghĩa là phim kinh dị “kém sang” hơn các thực đơn điện ảnh khác? Không hẳn. Khi nhà làm phim biết đầu tư những nguyên liệu đắt giá, tác phẩm kinh dị vẫn đặc sắc và sang trọng như thường.
Một nguyên liệu phổ biến thường xuyên được đưa vào các “món ăn” kinh dị thành công nhất chính là chất liệu dân gian. Đó cũng chính là điểm đặc sắc trong Tết ở làng Địa Ngục - series phim kinh dị Việt đang làm mưa làm gió trên Netflix những ngày qua.
Chất liệu dân gian trong Tết ở làng Địa Ngục
Tết ở làng Địa Ngục có chất liệu dân gian rõ nét ngay từ tác phẩm gốc. Khi viết sách, tác giả Thảo Trang đã tìm hiểu kỹ lưỡng về nhiều khung cảnh làng quê, thôn bản giàu đặc trưng truyền thống.
Cô tái hiện trong Tết ở làng địa ngục cuộc sống của những con người miền núi chất phác và thật thà, cùng với việc miêu tả ngày lễ tết truyền thống của dân tộc ta với phong bao lì xì đỏ, hoa đào hồng thắm, quang cảnh chợ ngày tết nhộn nhịp và ấm cúng.
Nhưng lẩn khuất bên trong bầu không khí đó là sự u ám, tịch mịch của núi rừng, tiếng già trẻ khóc thê lương khi mỗi người dân làng vong mạng. Dần dần, ta thấy không còn sự sống mơn mởn của mùa xuân ngày tết mà thay vào đó là sự chết chóc, tang thương của mùi máu tanh nồng quẩn vào làn gió, ám ảnh cả một vùng quê nhỏ.
Nữ nhà văn cũng trực tiếp tham gia quá trình sản xuất tác phẩm trên màn ảnh, nhằm mang đến câu chuyện gần gũi và nguyên bản nhất.
Xuyên suốt hành trình dõi theo làng Địa Ngục, ta thấy hiện lên các hình ảnh dân dã quen thuộc với đom đóm câu hồn, con đò chở vong, rượu sọ người, tập tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo, các bài đồng dao ma mị, v.v.
Câu vè "Nghe vẻ nghe ve nghe vè cái Tết, cả làng chết hết, chúng tao cả mừng" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi những người bị quỷ bắt mất hồn hay cảnh trẻ con trong làng bị lửa địa ngục thiêu rụi ngay giữa ban ngày sau khi xếp hình chữ thập, đọc bài vè chết chóc mang đến cảm giác sợ hãi.
Nhân vật Thập Nương (Lan Phương thủ vai) thường giấu mặt trong hình nhân thế mạng, luyện rượu sọ người từ 5 bộ phận của con người để đạt được mục đích trả thù cho gia tộc cũng tạo được sự bí ẩn, khơi gợi quá vãng về một ký ức đáng sợ từ thời xa xưa cho người xem.
Ngoài ra, những tập tục sinh hoạt văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, tâm linh, quan niệm và lòng tin của người Việt góp phần khiến bộ phim mang màu sắc dân gian đậm nét, phù hợp với nhiều khán giả ở nhiều độ tuổi.
Chất liệu dân gian trong phim kinh dị Việt và quốc tế
Trước Tết ở làng Địa Ngục, bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng từng thực hiện một số dự án phim kinh dị gây tiếng vang khác là Bắc Kim Thang (2019) và Chuyện ma gần nhà (2022).
Bắc Kim Thang kể câu chuyện về sự tha hóa của một gia đình nặng nề hủ tục. Tác phẩm đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng, đứng thứ 11 trong danh sách phim Việt ăn khách nhất năm 2019 và được trình chiếu ở LHP Busan.
Ngay từ khi quảng bá phim, nhân vật con bù nhìn đã là một yếu tố quan trọng khiến khán giả nhắc nhớ về tác phẩm. Theo quan niệm dân gian, đốt vàng mã hình nhân giấy tượng trưng cho việc gửi người xuống bầu bạn cùng những người thân đã khuất, để họ bớt buồn tủi cô đơn.
Hay khi một đứa trẻ bị bệnh, người lớn sẽ lấy hình nhân rơm hay vải làm vật tượng trưng cho chúng vì tin rằng điều này sẽ làm thần chết nhầm lẫn và đem đứa trẻ kia đi, bỏ qua con của mình.
Trong phim, hồn ma nhân vật Hai Lầm được ẩn dụ như một con bù nhìn rơm đứng giữa cánh đồng heo hút, cho thấy cô là người thế mạng, phải chết thay cho anh họ của mình.
Trong khi đó, Chuyện ma gần nhà lấy cảm hứng từ những truyền thuyết đô thị và chuyện ma được đồn thổi trong dân gian. Tại thời điểm ra mắt, phim thu về gần 59 tỉ đồng và được bàn luận nhiều trên mạng xã hội.
Phim tái hiện những không gian đặc trưng của Sài Gòn xưa thông qua các cảnh đặc tả trong bối cảnh biệt thự cổ, khu chung cư ám bụi, v.v. Tất cả những câu chuyện kỳ bí trong phim đều xuất phát từ những điều quen thuộc, gắn bó với người Việt: hình ảnh cô Mía, chú Hề và phong tục gọi hồn, nhấn nhá bằng những điểm sáng, điểm tối, mang đến cảm giác lưng chừng, bí ẩn.
Cùng năm 2019, bộ phim kinh dị khác là Bóng đè cũng có những điểm sáng tích cực khi tận dụng chất liệu dân gian. Phim xoay quanh câu chuyện người cha và hai con gái chuyển về quê sống để tìm lại bình yên sau cái chết của người mẹ.
Nỗi sợ được đan xen trong khung cảnh quen thuộc ở Hội An, tận dụng các hình ảnh thuần Việt như chiếc võng, căn nhà cổ, sào phơi đồ… để “dọa” người xem.
Nhìn sang Hong Kong, năm 2023, nền điện ảnh này có tác phẩm Quỷ Môn Quan: Gọi Hồn xoay quanh câu chuyện về một chàng trai đối mặt nhiều tình huống tâm linh trên đường về thăm mẹ mình. Đạo diễn tận dụng tối đa thế mạnh văn hóa, với nguồn cảm hứng từ kịch kịch Trung Quốc, quà tang lễ bằng giấy, ma thuật đen... tạo nên không khí đậm chất tâm linh Á Đông.
Mới đây nhất, Cầu hồn - phim kinh dị đến từ Đài Loan, lấy bối cảnh trong một trường đại học ở Đài Bắc, gây ấn tượng với khán giả Việt nhờ cảm hứng từ truyền thuyết đô thị và những nghi thức tâm linh.
Dù phim diễn ra ở thời hiện đại nhưng những hình ảnh được sử dụng để gây ám ảnh lại đậm màu sắc dân gian như sợi chỉ đỏ kết nối hai thế giới âm - dương, đèn dầu soi đường vào cõi chết…
Tại sao chất liệu dân gian lại hiệu quả trong phim kinh dị?
Theo đạo diễn, nhà sản xuất Trần Trọng Dần (phim Kẻ ẩn danh, Ngôi nhà trong hẻm), chất liệu văn hoá dân gian sẽ giúp các bộ phim kinh dị thêm phần mới mẻ, tạo ra đặc tính phong cách cho dòng phim này. Còn Kay Nguyễn nhận xét: "Yếu tố văn hóa mang đến tính visual độc đáo cho tác phẩm, giúp dòng phim này trở nên "sang" hơn, nhìn có gu và tạo được sự tò mò hơn."
Độ “sang” này nằm ở việc tác phẩm kinh dị được nâng tầm, để lại giá trị và in dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ khán giả bằng chất liệu văn hoá có một không hai, thay vì chỉ mang tính chất hù dọa, giải trí đơn thuần.
Ngoài ra, chất liệu hình ảnh, giá trị thẩm mỹ của phim cũng “sang” hơn, nghĩa là lung linh hơn, có điểm nhấn đậm nét, trông hoài cổ nhưng không cũ kỹ.
Nhưng bên cạnh đó, để chinh phục được khán giả đại chúng, nhất là khán giả nước ngoài, những người đã quá quen với đa dạng các câu chuyện kinh dị, ngoài những yếu tố ma quỷ dân gian mang tính bản địa, các nhà làm phim cũng cần kết hợp cùng một câu chuyện hợp thời, với thông điệp dễ hiểu, dễ “chạm” tới mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong thời đại này, việc nỗ lực đưa chất liệu dân gian vào phim không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để các nhà làm phim dễ bề đưa “đứa con tinh thần” của mình đi ra quốc tế.