Thảm kịch tại Itaewon: Làm gì để sống sót trong dòng người? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thảm kịch tại Itaewon: Làm gì để sống sót trong dòng người?

Vụ việc tại Itaewon khiến người dân trên toàn thế giới đau lòng, nhưng cũng để lại những bài học sống còn.
Thảm kịch tại Itaewon: Làm gì để sống sót trong dòng người?

Nguồn: AP

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tối ngày 29/10, nhiều người Hàn Quốc và khách du lịch đã tới khu Itaewon - con phố ăn chơi nổi tiếng ở Seoul để tham dự các buổi tiệc Halloween. Họ mang theo kỳ vọng về một đêm tiệc tùng vui vẻ sau giai đoạn giãn cách.

Thế nhưng, những người tham dự nhanh chóng nhận ra họ đang ở trong một cơn ác mộng, khi dòng người quá đông dẫn tới một thảm kịch giẫm đạp khủng khiếp chưa từng có tại Hàn Quốc.

31oct202246091667190443jpg
Thời điểm xảy ra vụ giẫm đạp. | Nguồn: Yonhap

Ít nhất 154 người đã thiệt mạng do bị lèn chặt trong dòng người, và con số thương vong có thể sẽ tăng lên do vẫn có những nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. 26 người nước ngoài đã tử vong, trong đó có một công dân Việt Nam.

Nỗi sợ và tiếng kêu khóc bao trùm Itaewon khi các đơn vị cấp cứu và người dân xung quanh cố gắng níu kéo những nạn nhân đã tắt thở. Con phố vui chơi giải trí sầm uất nay la liệt những xác người xếp thành hàng. Kể từ vụ chìm phà Sewol vào năm 2014, chưa có một sự kiện nào cướp đi nhiều sinh mạng và gây chấn động như thảm kịch Itaewon.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến thảm kịch?

Địa hình hẹp, dốc, và quanh co kết hợp với đám đông vượt quá dự kiến của cảnh sát là hai nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc. Theo ước tính, khoảng 100 ngàn người đã đổ về đây trong đêm 29/10. Khu vực tập trung nhiều nạn nhân nhất là một con hẻm bên cạnh khách sạn Hamilton - lối đi nối giữa phố ẩm thực vào đường chính tới ga tàu điện ngầm.

31oct202298361667119492jpg
Nguồn: VnExpress/Washington Post

Con hẻm dài khoảng 45m và rộng gần 4m vốn chỉ đủ chỗ cho khoảng 5 tới 6 người trưởng thành đi thành hàng ngang cùng một lúc. Trong đêm 29/10, sự chen lấn mất kiểm soát vừa khiến nhiều người bị ngạt thở do bị ép chặt vào nhau, vừa khiến một số người ngã đè lên nhau “như domino” và bị giẫm đạp.

Các nhân chứng cho biết, tiếng la hét và kêu cứu của những người gặp nạn bị nuốt chửng bởi tiếng nhạc từ các quán bar xung quanh. Những quán bar hay các nhà hàng trong khu vực còn từ chối nhận thêm khách, buộc những người bị kẹt phải chịu chôn chân trong dòng người không lối thoát.

Sự vắng mặt của cảnh sát cũng là một nguyên nhân khiến thảm kịch sớm trở nên trầm trọng. Theo các nhân chứng, họ không thể xác định cảnh sát ở đâu để tìm kiếm trợ giúp. Kể cả khi đã nhận tin báo, cảnh sát và đội cứu hỏa cũng mất rất lâu để tiếp cận hiện trường do lưu lượng người đi lại quá đông, dù cho đồn cứu hỏa cách nơi xảy ra vụ việc không xa.

31oct2022gettyimages124432081663440d4f7c5333a727e768843ccc65d5f4bb425fs1200c85jpg
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường. | Nguồn: Getty Images

3. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của các nạn nhân?

Lý do chính gây ra cái chết của hầu hết nạn nhân là ngạt thở, mặc dù có nhiều người bị thương do xô đẩy và giẫm đạp. Theo G. Keith Still - Giáo sư ngành Khoa học Đám đông, việc dòng người bị lèn chặt khiến tay và chân của các nạn nhân đan lẫn vào nhau khi họ cố cử động, di chuyển, và đứng lên trước sức ép lớn. Điều này làm cho lượng máu lưu thông lên não giảm dần và việc hít thở trở nên khó khăn.

Những người ngã xuống lại bị những người khác ngã đè lên khiến họ không thở được. Ngay cả những người có thể đứng cũng bất tỉnh và thiệt mạng vì thiếu không khí. Giáo sư G. Keith Still chỉ ra rằng các nạn nhân có thể bất tỉnh chỉ trong 30 giây, và bị ngạt cục bộ sau khoảng 6 phút.

4. Phải làm gì để sống sót trong đám đông?

31oct202212621667190443jpg
Cảnh sát phong tỏa hiện trường sau khi xảy ra vụ việc. | Nguồn: Reuters

Nếu bạn chuẩn bị tham gia một sự kiện đông người hoặc thường xuyên phải di chuyển trong những dòng người đông đúc, hãy luôn ghi nhớ những điều sau để bảo vệ bản thân trong trường hợp xấu:

  • Xác định lối thoát hiểm. Hãy tìm và ghi nhớ những lối thoát, bởi khi xảy ra giẫm đạp, lối đi chính thường không phải là lối thoát tối ưu.
  • Học cách đánh giá đám đông. Hãy theo dõi lưu lượng người xung quanh bạn và tìm cách thoát ra nếu bắt đầu có quá nhiều người. Hãy đi về sớm nếu có thể để tránh dòng người đông đúc.
  • Đứng thẳng người, và đừng ngã. Khả năng sống sót của bạn sẽ giảm xuống rất thấp nếu bạn không thể đứng vững.
  • Khi đứng, đan chéo tay hoặc khoanh tay trước ngực. Điều này vừa tạo một chút khoảng trống cho bạn, vừa bảo vệ vùng ngực, phổi, và xương sườn.
  • Nếu bạn ngã và không thể đứng dậy, cố gắng nằm nghiêng và che đầu. Tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp bởi tư thế này có thể khiến phổi bị tổn thương trực tiếp do giẫm đạp.
  • Tiết kiệm sức lực. Trong những vụ việc này, thở đã khó lắm rồi. Đừng la hét trừ khi thực sự cần thiết.
  • Đừng hoảng loạn, và cố gắng thuận theo dòng người. Việc xô đẩy hay chống lại nó sẽ chỉ khiến bạn mất sức mà thôi.
  • Cố gắng tránh bị ép vào tường hay rào chắn. Khi nhiều người cùng đẩy, lực đẩy có thể bẻ cong kim loại và xô đổ tường, và cơ thể người thì không thể chịu được lực lớn như vậy.
  • Giúp đỡ nhau nếu có thể. Một đám đông bình tĩnh và đoàn kết sẽ có khả năng sống sót cao hơn một đám đông hoảng loạn.

5. Các vụ giẫm đạp có thường xuyên xảy ra?

Vụ việc tại Itaewon không phải là thảm kịch giẫm đạp đầu tiên của thế kỷ 21. Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều quốc gia và trên thực tế, khả năng và tần suất xảy ra của nó cao hơn chúng ta tưởng.

Gần như năm nào cũng có người chết vì giẫm đạp tại các lễ hội, các buổi biểu diễn, các sự kiện thể thao, hay các sự kiện tôn giáo. Từ thánh địa Mecca của các tín đồ Hồi giáo tới các sân vận động bóng đá tại châu Âu và Nam Mỹ, tất cả đều đã có người thiệt mạng trong những vụ việc tương tự Itaewon.

31oct2022thumb660ea7acd766f9541c48ba9afef706dcf17jpeg
Dòng người đón năm mới 2019 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. | Nguồn: Báo Công an Nhân dân

Địa hình của khu phố Itaewon cũng không khác nhiều với phố Tạ Hiện tại Hà Nội, hay Bùi Viện ở Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam cũng thường xuyên có những sự kiện tập trung đông người tại các địa điểm du lịch như sự kiện đón giao thừa, các lễ hội tôn giáo, hay thậm chí là... đi "bão" sau khi thắng bóng đá.