Năm 2020+2: Điều gì đang xảy ra đối với thế giới? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Năm 2020+2: Điều gì đang xảy ra đối với thế giới?

Có điều gì đó không ổn khi ta nhận ra năm 2022 đọc là “Twenty Twenty Too.”
Năm 2020+2: Điều gì đang xảy ra đối với thế giới?

Dòng người di cư Ukraine đổ vào châu Âu. | Nguồn: Getty Images

Năm 2020 tồi tệ khởi đầu với vụ cháy rừng ở Australia, sau đó nhân loại chìm trong đại dịch COVID-19. Vụ việc George Floyd và làn sóng Black Lives Matter giúp cộng đồng da màu lên tiếng, nhưng cũng gây ra nhiều thiệt hại về của cải và bất ổn trong xã hội.

Năm 2021 cũng chẳng khá hơn gì khi cơn đại dịch tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta cũng từng trải qua nhiều lần giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống.

Ta hy vọng rằng tới 2022, đại dịch sẽ trôi vào dĩ vãng, mọi thứ sẽ ổn hơn. Song những tháng ngày hậu đại dịch không nuông chiều loài người.

Xả súng, xung đột vũ trang vẫn diễn ra, đẩy người dân vào các luồng di cư, tị nạn xuyên quốc gia và châu lục. Năm 2022, đọc là “twenty twenty too,” liệu có mang hàm nghĩa rằng chúng ta chưa từng thoát khỏi cái bóng thảm hoạ của 2020?

Trong bài viết sau, Vietcetera sẽ cùng các bạn điểm qua những sự kiện định hình thế giới nửa đầu 2022, sau đó tự an ủi: trải qua từng ấy sự việc mà vẫn trụ được là tốt lắm rồi.

1. Xả súng, xả súng và xả súng

Các tai nạn và án mạng vì súng đạn đang dần trở nên quen thuộc trong những năm gần đây. Trong năm 2022, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn với mật độ thường xuyên của những cuộc xả súng, cũng như nơi chúng diễn ra.

Mỹ tiếp tục “chễm chệ” dẫn đầu bảng xếp hạng về tỉ lệ người dân sở hữu súng, và đi kèm với đó là danh hiệu đất nước có nhiều vụ xả súng nhất. Người dân trên toàn thế giới vẫn bày tỏ sự thương tiếc và chia sẻ nỗi đau mất mát trước mỗi bi kịch, song đã quen thuộc với những tin tức đẫm máu ấy.

Bên ngoài nước Mỹ, một số nước châu Âu cũng ghi nhận số lượng các vụ xả súng cao. Mới đây nhất ở Đan Mạch, một nam thanh niên 22 tuổi đã hạ sát 3 người bằng súng trường. Việc xuất hiện xả súng tại châu Âu là một hiện tượng đáng lo ngại, bởi khu vực này vốn gắn liền với niềm tin về an ninh và sự liên kết.

05jul202229651250web12022070313071662c1cf42c73af26b62212047jpegjpg
Một buổi chiều kinh hoàng tại Copenhagen. | Nguồn: AP News

2. Xung đột Nga-Ukraine

Cái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là chiến dịch quân sự “đặc biệt” và “chớp nhoáng” tới nay đã kéo dài hơn năm tháng. Trong khoảng thời gian đó, ít nhất 47 ngàn người đã thiệt mạng và khoảng 15 triệu người dân Ukraine trở thành người tị nạn.

Với tình hình giao tranh hiện tại, cuộc chiến này rõ ràng vẫn còn xa hồi kết.

Xung đột Nga-Ukraine gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện và toàn cầu, nhất là trong khía cạnh an ninh kinh tế và an ninh lương thực. Giá các loại nhiên liệu khí đột tăng cao kỷ lục, khiến giá xăng ở nhiều nước tăng vượt bậc. Tại Việt Nam, mức xăng đã vượt mức 32 ngàn đồng.

Xung đột cũng làm gián đoạn việc vận chuyển lúa mì và các loại lương thực khác, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Nga là một trong những tác nhân gây ra các biến động kinh tế tiêu cực về giá cả và lạm phát trong thời gian gần đây.

05jul2022bacevichukraineopenergettyimgjpg
Xung đột không hồi kết tại Ukraine. | Nguồn: AFP via Getty Images

Bao trùm lên các vấn đề đó là một không khí chính trị căng thẳng mà xung đột Nga-Ukraine góp phần gây ra. Bên dưới phần nổi Nga-Ukraine là tảng băng chìm của xung đột vũ trang và bạo lực sắc tộc tại Afghanistan và nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ.

3. Dịch bệnh, cả cũ lẫn mới

Sau hai năm đương đầu với Covid, nhân loại dường như đã tìm ra biện pháp để sống chung với dịch bệnh. Chính sách vaccine kết hợp với các biện pháp ngăn chặn và chữa trị đã thành công trong việc kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, an ninh y tế vẫn là một vấn đề lớn của nhân loại bởi sự xuất hiện của các bệnh dịch tiềm năng khác. Sự xuất hiện gần đây của bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) đã khiến WHO phải kêu gọi hành động khẩn cấp trước nguy cơ căn bệnh này phát triển thành đại dịch.

Khởi nguồn từ châu Phi, đậu mùa khỉ đã vươn tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc băng tan ở hai cực đã giải phóng một số virus và hồi sinh một số loại bệnh tưởng như đã tuyệt chủng.

Trên hết, Covid vẫn đang tồn tại và luôn chực chờ tấn công. Các nghiên cứu gần đây đã xác định một biến thể mới của biến chủng Omicron mang tên BA.5. Biến thể này có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, và đã có ba người tại Hà Nội mắc phải biến thể này.

Khi mà các chính sách phòng dịch và vaccine đang dần trở thành câu chuyện của hôm qua, Covid-19 vẫn tiếp tục tiến hóa và đòi hỏi con người phải cảnh giác cao độ. Nếu mất cảnh giác, chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào một đợt bùng phát mới khi buông lỏng chống dịch và vaccine dần mất hiệu lực.

05jul20221000x1jpg
Mong rằng chúng ta không bao giờ phải quay lại giãn cách. | Nguồn: Bloomberg

4. Thảm họa khí hậu

Chào mừng đến với thời kỳ đồ nhựa!

Vi nhựa xuất hiện trong phổi người - phát hiện mới nhưng ai cũng có thể đoán được, nếu suy xét về hoạt động sinh hoạt và xả thải hàng ngày của mỗi người. Trước đó, người ta đã tìm thấy vi nhựa trong nhau thai, trong gan, lá lách, và cả trong máu người.

Điều này cho thấy sự xâm lấn của rác thải nhựa trong môi trường, làm ô nhiễm thiên nhiên và là xúc tác của các thảm họa khí hậu. Nhưng nhựa không phải yếu tố duy nhất đóng góp vào những thảm hoạ môi trường ta đang phải đối mặt.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên của các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy môi trường đang phản ứng ngày càng mạnh mẽ, và chúng ta thì không sẵn sàng cho những phản ứng đó. Sự kiện một chiếc tàu ở Hong Kong gãy đôi trước bão nhiệt đới khiến 26 người mất tích cho thấy sự bé nhỏ của con người trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

05jul202200032dr3ytjpg
Phần còn lại của con tàu trong cơn bão Chaba trên Biển Đông. | Nguồn: AFP

Biểu hiện rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu nằm ở hiện tượng loạn nhiệt. Còn nhớ những ngày cuối tháng 4 năm nay, Ấn Độ và Pakistan ghi nhận mức nhiệt không tưởng 49 độ C.

Trong cùng khoảng thời gian đó, Australia ghi nhận đợt lạnh đầu tiên sau 4 tháng nóng kỷ lục, và người Việt tại miền Bắc thì đón gió lạnh trong giai đoạn chớm hè.

Chỉ sợ hãi thôi là chưa đủ để chống lại thảm hoạ thiên nhiên. Chúng ta cần nhớ, bản thân mình cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

5. Di cư

27 người Mexico, 14 người Honduras, 7 người từ Guatemala, và 2 tới từ Salvador - đó là những con số thương vong trong vụ việc người di cư từ Mexico vượt biên qua Mỹ tại thành phố San Antonio, bang Texas. Giới chức Mỹ gọi đây là thảm họa buôn người tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và reo hồi chuông báo động về thực trạng buôn người và di cư bất hợp pháp tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Có nhiều nguyên nhân đẩy một người trở thành người di cư. Đối với những nạn nhân trong vụ việc trên, có lẽ họ đã ra đi để tìm cơ hội việc làm, thoát khỏi tình trạng kinh tế ngặt nghèo tại nơi sống cũ.

Nhưng đối với người Ukraine, người Burkina Faso, người Syria và nhiều cộng đồng người khác, lý do di cư của họ là chiến tranh và xung đột sắc tộc

05jul2022202112menasyriawrjpg
Cuộc nội chiến dai dẳng phá hủy Syria. | Nguồn: Human Rights Watch

Thực trạng buôn người và các thảm họa di trú trên toàn thế giới cho chúng ta thấy rằng, bất chấp những nỗ lực nâng cao chất lượng sống và nhận thức, thế giới vẫn chưa an toàn đối với rất nhiều người. Khủng hoảng di cư có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề an ninh trên toàn cầu. Vì thế, sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này cũng đại diện cho sự bất ổn trên toàn thế giới.

Kết luận

Bất chấp những biến động trên, thế giới vẫn quay đều, và cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp diễn. Đối với nhiều người Việt, dường như những vấn đề trên hơi xa vời, chỉ xuất hiện trên bàn ăn, tại quán trà đá, hay phảng phất trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ các vấn đề này, ta sẽ thấy chúng có sức ảnh hưởng không những tới cuộc sống của bản thân, mà còn tới từng bữa ăn của mọi người. Khi một cuộc xung đột ở xa ảnh hưởng trực tiếp tới bình xăng và cốc cafe của mỗi người, thì chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ với những biến động tưởng như xa xăm ấy.

Đối với một bộ phận người Việt khác, có một cảm giác bất lực nho nhỏ đang lớn dần, bởi chúng ta không thể làm gì trước những vấn đề này. Ngăn chặn xung đột là việc của các nguyên thủ quốc gia. Ngăn chặn nạn buôn người là việc của cơ quan an ninh và pháp luật. Ngăn chặn biến đổi khí hậu là việc của nhân loại.

Trong số những đầu việc ấy, một cá nhân khó xác định vị trí của mình trên tiến trình phát triển. Những gì ta có thể làm là giữ một tâm thế đa chiều và rộng mở trước tin tức và tri thức. Và quan trọng nhất là yêu thương những người xung quanh thật nhiều, bởi ai mà biết được tương lai còn có thử thách gì cho loài người.