Thẻ xanh - Tấm vé để sống chung với đại dịch? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thẻ xanh - Tấm vé để sống chung với đại dịch?

Thẻ xanh là từ khóa quen thuộc xuất hiện trên báo đài trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên những lợi ích và hạn chế của hệ thống này là gì?
Thẻ xanh - Tấm vé để sống chung với đại dịch?

Nguồn: JC Gellidon/Unsplash

1. Thẻ xanh là gì?

Thẻ xanh COVID là một loại giấy chứng nhận dạng điện tử hoặc bản cứng, giúp chủ sở hữu chứng minh bản thân đã được tiêm vaccine COVID-19 hoặc là bệnh nhân đã bình phục.

Cả 2 phiên bản đều tích hợp mã thẻ QR bao gồm thông tin của lịch sử xét nghiệm và tiêm chủng. Đây cũng là công cụ giúp quản lý dân cư trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại thẻ là thẻ xanh và vàng:

  • Thẻ xanh được cấp cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã bình phục và có kháng thể;
  • Thẻ vàng dành cho những người chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính định kỳ (3 ngày/lần).
titleToacutem Lại Lagrave Thẻ xanh  Tấm veacute để sống chung với đại dịch Toacutem Lại Lagrave Thẻ xanh  Tấm veacute để sống chung với đại dịch
Giấy chứng nhận tiêm COVID trên ứng dụng Sổ sức khỏe | Nguồn: antoanyte.vn

Thẻ xanh/vàng hoạt động như một loại giấy phép giúp người sở hữu tham gia các hoạt động sinh hoạt xã hội và lao động cũng như khuyến khích người dân tiêm chủng. Dựa trên những cấp độ chỉ thị áp dụng giãn cách xã hội mà quyền lợi đi kèm với thẻ xanh/vàng cũng khác nhau.

2. Khi nào thẻ xanh được đưa vào sử dụng?

Theo Phó Chủ Tịch Dương Anh Đức thì phải chờ thêm một thời gian nữa để áp dụng thẻ xanh trên toàn thành phố Hồ Chí Minh. Việc nới lỏng và phục hồi kinh tế đều phụ thuộc vào tiêu chí “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó".

Tuy nhiên hiện tại thành phố đang dự thảo thí điểm áp dụng thẻ xanh COVID trong 2 tuần tại các vùng đã kiểm soát được dịch như quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Người sử dụng thẻ xanh chỉ được di chuyển trong quận mình sinh sống.

3. Những vấn đề của hệ thống thẻ xanh hiện tại là gì?

Có nhiều vấn đề còn tồn đọng ở hệ thống thẻ xanh COVID, dẫn đến việc chỉ thị này chưa được áp dụng rộng rãi như dự tính ban đầu.

Đầu tiên là sự thiếu thống nhất trong cơ sở dữ liệu. Hiện nay có quá nhiều ứng dụng khai báo thông tin y tế dẫn tới sự mất đồng bộ về nguồn thông tin dữ liệu, gây nhiều sai sót trong việc phát hành thẻ xanh.

Bên cạnh đó, hệ thống khai báo chính là Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 và Sổ Sức khỏe điện tử vẫn còn nhiều lỗi gây mất dữ liệu của người dùng. Ngoài ra, hệ thống này cũng chưa cập nhật chức năng khai báo cho những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc cấp thể xanh cho F0 tự điều trị tại nhà, người tái nhiễm cũng gặp nhiều khó khăn khi đối tượng này không được tiếp cận với hệ thống y tế, dẫn tới khó xác minh hồ sơ điều trị và khỏi bệnh.

4. Có mô hình nào tương tự thẻ xanh trên thế giới?

Israel là đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới vậy nên hệ thống này cũng đã sớm được đưa vào hoạt động. Người dân Israel khi muốn đi tới một địa điểm công cộng đều phải cung cấp mã thẻ xanh để ra vào. (theo vnexpress.net)

Những người tham gia hòa nhạc mang theo thẻ xanh được in ra tại Isarel | Nguồn: Amir Cohen/Reuters

Tháng 7 vừa qua Liên minh châu Âu cũng đã tiến hành triển khai hệ thống thẻ xanh. Trung Quốc ban đầu sử dụng hệ thống phân loại màu sắc để quản lý lịch trình đi lại của người dân. Tuy nhiên từ tháng 3, nước này đã triển khai hệ thống thẻ xanh tích hợp nhiều thông tin. Tại Mỹ thì vẫn có nhiều mâu thuẫn giữa các bang về việc cấp và sử dụng thẻ xanh.

5. Tại sao có sự phản đối về thẻ xanh?

Tại Pháp, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khi nước này siết chặt các điều luật, giới hạn quyền lợi những người chưa tiêm vaccine, trong đó có việc đi làm tại công sở.

Nước Anh sau khi lên kế hoạch áp dụng thẻ xanh cũng đã quyết định hủy. Nhiều ý kiến cho rằng lý do của thay đổi này tới từ sự phản đối của nhiều người dân.

titleToacutem Lại Lagrave Thẻ xanh  Tấm veacute để sống chung với đại dịch Toacutem Lại Lagrave Thẻ xanh  Tấm veacute để sống chung với đại dịch
Người Pháp xuống đường đòi tự do trước những lệnh giới hạn của chính phủ | Nguồn: AP News

Những người phản đối hệ thống này vì họ không đồng tình với việc tiêm chủng bắt buộc và cảm thấy bị tước đi quyền công dân cơ bản với thẻ xanh.

Tại Ý, các tranh cãi nổ ra về việc người lao động phải trả phí xét nghiệm và tiêm chủng chỉ để nhận được tấm giấy thông hành tới cơ sở làm việc. (Theo reuters.com)

Cơ bản, không ai muốn phải tự trả tiền để được quyền đi làm. Những điều lệ bắt buộc này khiến nhiều người cảm thấy họ đang bị tước đi những quyền tự do cơ bản trong sinh hoạt thường ngày như đi siêu thị hay tham dự sự kiện

6. Thẻ xanh và hộ chiếu vaccine có giống nhau?

Hộ chiếu vaccine và thẻ xanh có nhiều điểm tương đồng với nhau. Về tính chất đây đều là loại tài liệu có đính kèm mã QR chứa thông tin nhằm chứng nhận người sở hữu đã được tiêm phòng vaccine COVID hoặc đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên về chức năng thì hộ chiếu vaccine phục vụ cho việc đi lại xuyên biên giới. Vậy nên cần có sự công nhận cả ở điểm đi và điểm đến. Còn thẻ xanh vaccine mục đích hướng tới các hoạt động kinh tế - xã hội nội địa.

Các nước trong khối EU cũng đã tích hợp cả 2 loại chức năng này lại với nhau dưới dạng một “Chứng chỉ COVID kỹ thuật số".

Chứng chỉ COVID của EU | Nguồn: ScandAsia

WHO cũng đã cho ra mắt một bản hướng dẫn cách “số hóa” thông tin tiêm chủng thay vì sử dụng bản in bằng giấy như thẻ vàng vaccine sốt vàng trong quá khứ. Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh rằng họ không khuyến khích sử dụng loại giấy chứng nhận số này như một loại hộ chiếu để di chuyển quốc tế.

7. Chúng ta cần thẻ xanh tới bao giờ?

Nhiều quốc gia cho rằng hệ thống thẻ xanh là không cần thiết nếu tỷ lệ tiêm chủng cao. Khi một xã hội đã đạt miễn dịch cộng đồng thì việc bảo vệ những người chưa tiêm với thẻ xanh là không còn cần thiết.

Tuy nhiên, cho tới hiện tại chúng ta vẫn đang chứng kiến sự ra đời của nhiều biến chủng mới tạo ra sự thay đổi trong định nghĩa miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó vẫn có nhiều trường hợp tái nhiễm sau khi khỏi bệnh và dương tính sau khi tiêm vaccine.

Vậy nên, cho tới hiện tại thẻ xanh dù cho không hoàn hảo vẫn là tấm vé duy nhất khiến chúng ta tạm thời quay lại được cuộc sống như những ngày trước đại dịch.