Tình huống khó xử của loài nhím: Khi khoảng cách khiến chúng ta gần nhau hơn | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 10, 2020
Cuộc SốngThương

Tình huống khó xử của loài nhím: Khi khoảng cách khiến chúng ta gần nhau hơn

Hiệu ứng con nhím cho rằng trong tình yêu, việc giữ khoảng cách thực chất có thể khiến chúng ta gần gũi hơn. Khoan đã, vậy nguyên tắc này hoạt động như thế nào?

Tình huống khó xử của loài nhím: Khi khoảng cách khiến chúng ta gần nhau hơn

Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Khi nhắc tới tình yêu, người ta luôn nghĩ tới hình ảnh khắng khít không rời. Thế nhưng, việc quá gần gũi đôi khi lại gây ra "phản ứng ngược" khiến cả hai bị tổn thương. Người ta gọi đây là "Tình huống khó xử của loài nhím" (Hedgehog's Dilemma).

Tình huống khó xử của loài nhím là gì?

Trái với vẻ ngoài những tưởng gai góc và an toàn của mình, hình tượng con nhím dưới góc nhìn tâm lý học lại ẩn dụ cho sự "tiến thoái lưỡng nan" trong tình yêu: quá xa nhau thì tình dễ phai nhạt, song quá gần lại chóng gây “sát thương”.

Các chú nhím đã học được cách giữ khoảng cách vừa đủ
Các chú nhím đã học được cách giữ khoảng cách vừa đủ

Nhờ việc quan sát những đặc tính tự nhiên của loài nhím, các nhà tâm lý học và triết gia từ thế kỷ 18 đã nhìn ra mối tương quan với tâm lý con người. Cụ thể, khi đến mùa đông đến, những chú nhím nép sát vào nhau để san sẻ hơi ấm. Thế nhưng lớp gai nhọn lại khiến chúng vô tình làm đau nhau và phải tách ra. Để rồi sự giá buốt buộc chúng quay lại cạnh nhau và điều tương tự lặp lại. Cuối cùng chúng đã học được rằng, tốt nhất là nên giữ khoảng cách vừa đủ với đối phương.

Hình ảnh ẩn dụ này thậm chí được các nhà tâm lý học sử dụng trong các giáo trình phân tích và giảng dạy tâm lý về sự thân mật giữa người với người.

Vì sao chúng ta trải qua "tình huống khó xử của loài nhím"

Theo nhà tư vấn Karen Grierson, trong mối quan hệ thân mật luôn tồn tại việc "kéo-đẩy". Bởi vì, con người luôn khao khát được kết nối với người khác, nhưng càng trở nên gần gũi, chúng ta càng dễ bị tổn thương. Lúc này, bản năng tự vệ khiến ta đẩy họ ra xa.

Sự thân mật đòi hỏi chúng ta phải bộc lộ bản thân nhiều hơn. Tuy nhiên, họ càng biết về chúng ta bao nhiêu, thì ta càng sợ họ sẽ "nhìn thấu" những điểm không mấy tốt đẹp ở ta. Chúng ta khao khát được thấu hiểu và trân trọng nhưng đồng thời cũng sợ bị phản bội và tổn thương. Mâu thuẫn ấy tạo nên "sự khó xử của loài nhím" đã đề cập ở trên.

Bên cạnh đó, khi yêu chúng ta còn trải qua cuộc xung đột nội tâm giữa mong muốn được thuộc về và mong muốn trở nên độc lập. Giữa việc trở thành một nửa của ai đó, cùng lúc lại không muốn đánh mất bản sắc của mình.

Mối quan hệ "kéo-đẩy" này cứ như thế tiếp diễn, cho tới khi chúng ta nhận ra rằng đâu là khoảng cách "vừa đủ" để có thể nhận được sự ấm áp và bảo vệ trái tim của mình.

Học cách giữ khoảng cách khi yêu như những chú nhím

Nhà tâm lý học Sigmund Freud cho rằng, để tránh sự tổn thương đôi bên, việc thiết lập một khoảng cách vừa đủ sẽ giúp mối quan hệ bền vững và gắn kết hơn. Để quyết định đâu là khoảng cách phù hợp, thời gian và sự nỗ lực của cả hai sẽ là điều kiện cần. Bạn có thể từng bước học được điều này bằng cách:

Một chút khoảng cách sẽ khiến cả hai gần nhau hơn
Một chút khoảng cách sẽ khiến cả hai gần nhau hơn
  • Thấu cảm với người bạn yêu. Lúc này bạn sẽ nhìn mọi thứ qua con mắt của người bạn quan tâm. Từ đó, hiểu được cảm giác của họ.
  • Học về "Ngôn ngữ tình yêu" của bản thân, cũng như đối phương để hiểu cả hai muốn yêu và được yêu theo cách nào.
  • Lắng nghe nửa kia và chính mình, để biết khi nào bạn cần cho cả hai không gian "tiêu hóa" cảm xúc của bản thân.
  • Chấp nhận rằng không ai là mảnh ghép vừa khít với ai. Cả hai cần cố gắng để trở nên vừa vặn với nửa kia. Điều này không chỉ dựa vào tình yêu, mà còn là sự trưởng thành trong cảm xúc. Khi ta biết chấp nhận khiếm khuyết của bản thân và nửa kia như một phần của mối quan hệ.

Như "những chú nhím" chúng ta cần phải linh hoạt trong việc "tiến và lùi" để có thể tìm ra đâu là khoảng cách phù hợp nhất cho cả hai.