Tôi thấy một phần nhân cách mình trong cuộc đời của bố | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 06, 2022
ThươngThế ____ Hệ

Tôi thấy một phần nhân cách mình trong cuộc đời của bố

Những lời kinh của bố cho tôi hiểu hơn về một phần con người tôi hiện tại. Sự lo lắng, nếp suy nghĩ thấu đáo, thói quen chăm lo mọi thứ, tất cả đều là di sản của bố tôi. 
Tôi thấy một phần nhân cách mình trong cuộc đời của bố

Nguồn ảnh: N.N.B

Vào một buổi tối nọ trước khi đi ngủ, hồi tôi mới bốn, năm tuổi, bỗng bố kêu tôi lại ngồi xuống cạnh ông. Ông bảo tôi làm dấu Thánh Giá, rồi đọc theo những gì ông đọc. Khi đó, dù không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi cũng mau mắn làm theo: "Con xin Đức Bà... Chuyển lời cầu bầu của con đến Chúa Giêsu..."

Về sau tôi mới biết đó là cầu nguyện. Khi tôi nhớ lại những lời xưa, trong cơn khủng hoảng vì không biết mình là ai trên cõi đời này, tôi dần hiểu ra được những gì đã tạo nên tôi ngày hôm nay.

Tôi là Bình, con trai của một người con cả, tức cháu đích tôn của dòng họ. Tôi có cái vẻ chững chạc, biết lo lắng, suy nghĩ thấu đáo từ sớm. Bố tôi luôn căn dặn những điều như hãy biết thương và nhường nhịn em, hãy biết lo học hành, biết ngoan ngoãn vì cha mẹ đã vất vả kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học.

Gia đình tôi theo đạo Công giáo. Bố tôi là một con chiên ngoan đạo. Ông hay cầu nguyện nhiều lần trong ngày: lúc sớm thức dậy, lúc chuẩn bị đi làm, trước khi đi ngủ, lúc gặp khó khăn,… Ông cũng thường xuyên hướng dẫn anh em tôi cầu nguyện cùng với ông trước khi đi ngủ. Tôi vẫn còn thuộc những lời đó đến giờ:

“Con xin Đức Bà

Chuyển lời cầu bầu của con với Chúa Giêsu

Xin cho ông bà con, cha mẹ con, hai anh em con được dồi dào sức khoẻ

Cất bệnh tật cho ông bà con, cha mẹ con, hai anh em chúng con

Ban cho cha mẹ con có nhiều việc để làm để nuôi hai anh em chúng con

Hai anh em chúng con đang đi học

Xin Chúa soi sáng cho hai anh em chúng con trong việc học

Ban cho anh em chúng con biết thương yêu nhau, biết nhường nhịn nhau

Xin Chúa ban cho gia đình chúng con đêm nay được mọi sự bằng an

…”

Ông “bắt” chúng tôi tối nào cũng đọc những lời này trước khi đi ngủ. Qua lời kinh của bố, từ nhỏ, tôi đã sớm có cảm giác phải lo lắng nhiều cho người khác. Quan tâm tới ai, tôi sẽ cầu nguyện cho họ. Và trong tôi cũng hình thành sự tự giác, cũng biết tự đọc nếu hôm đó bố không đọc cùng. Tôi nghĩ rằng đó là ngoan, là giỏi, là biết suy nghĩ, là biết tự lo cho bản thân mình, và đó là điều tôi nghĩ bố sẽ hài lòng nếu biết tôi làm thế.

Nhớ về những lời kinh của bố giúp tôi hiểu hơn về một phần con người mình hiện tại. Sự lo lắng, nếp suy nghĩ thấu đáo, thói quen chăm lo mọi thứ, tất cả đều là di sản của bố tôi.

Tuy nhiên, tuổi thơ tôi không chỉ được lắp đầy bởi những điều tốt đẹp như vậy, mà còn có cả những sự kiện khác của gia đình. Tính bố tôi hay chăm sóc, để ý đến người xung quanh. Ông lo cho bố mẹ, các anh em ông từng chút một, nhưng họ lại phụ lòng ông. Tôi nghiệm ra điều này qua những lần bố phải trả nợ cho xã hội đen vì chú tôi vỡ nợ cờ bạc hết lần này đến lần khác...

Tôi bị ám ảnh bởi việc đó. Như một sự phản kháng, một phần trong tôi sinh ra ích kỷ.

Tôi ghét việc phải nghĩ cho người khác, chịu đựng ai đó. Vì tôi nghĩ có thể vì thế mà họ lại sinh thói ỉ lại, lười biếng, nhếch nhác. Tôi sẽ có những hành vi như gây khó khăn, hoạnh hoẹ khi người ta nhờ vả gì. Không ai dễ lấy được gì từ tôi nếu không đem lại lợi ích ngược lại. Tôi không muốn trở thành người chịu thiệt như bố.

Lớn lên khi đi học cấp 2, cấp 3, tôi thấy mình kém hơn người khác về khoản kết nối xã hội. Tôi không hài lòng với những mối quan hệ của mình. Tôi thấy tôi không được người khác chú ý và quan tâm.

Tôi thấy mặt trái của con người bố (có thể đã ảnh hưởng lên tôi) như thế nào: bố là người đàn ông của gia đình nên ông không ngầu, chơi không giỏi, không có những người anh em chí cốt. Bố chỉ đi làm rồi về, quanh quẩn trong nhà. Người mà bố nói chuyện nhiều nhất chắc chỉ là mẹ tôi. Tôi từng thấy bố mình thật nhàm chán và đã cố thay đổi bản thân mình khác đi với ông.

Tôi nhận ra những ảnh hưởng xung quanh đến hình mẫu bố có thể lý giải cho việc vì sao tôi có những cảm giác trống rỗng, không chắc chắn.

Tôi không biết mình phải tin tưởng theo điều gì nữa. Sống đúng với những gì đã “tạo thành” nên mình rồi lại có cuộc sống nhàm chán, quanh quẩn bên những người sẽ dựa dẫm, làm phiền mình, hay là từ chối những tính cách tốt đẹp của bố ảnh hưởng lên tôi và chọn sống theo cách mình nghĩ là tốt hơn cho bản thân?

Điều tôi thừa nhận là, một phần nhân cách của mình, tôi đã xây dựng từ việc biết về cuộc đời bố.

(Chia sẻ từ bạn N.N.B)