Tóm Lại Là: 8/3 nói chuyện vai trò đàn bà và đàn ông | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: 8/3 nói chuyện vai trò đàn bà và đàn ông

Liệu vai trò về giới tính có xuất phát từ bộ não hay là thứ được hình thành bởi xã hội?
Tóm Lại Là: 8/3 nói chuyện vai trò đàn bà và đàn ông

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. 8/3 mọi người bàn luận gì?

Gần ngày Quốc tế phụ nữ, chị Trác Thúy Miêu đã có vài dòng status bàn luận về vai trò của phụ nữ, điều này đã gây lên nhiều tranh cãi.

status
Status của chị Trác Thúy Miêu | Nguồn: Facebook nhân vật

Trong status của mình, chị bày tỏ niềm yêu thích và sự hạnh phúc khi được ở trong căn bếp. Tuy nhiên chị lại xếp sở thích cá nhân của mình vào “đặc ân của đàn bà”. Trước câu nói này, PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã chia sẻ: “Nó là đặc quyền của kẻ này, nhưng cũng là xích xiềng của kẻ khác.”

via GIPHY

2. Định kiến ngầm còn tồn tại như thế nào?

Các định kiến ngầm trong ngày 8/3 vẫn còn tồn tại, điển hình qua câu khẩu hiệu muôn đời “Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Câu nói này tồn tại trường kỳ tới nỗi ta quên bóc tách cái sự vô lý và tiêu chuẩn kép gói gọn trong 6 chữ.

Xã hội đặt kỳ vọng phụ nữ phải kiếm được tiền, lo nhà sạch, chăm con ngoan để đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Các bài báo thì ngập những tiêu đề: Làm sao để giữ chồng? Phụ nữ làm gì để giữ lửa cho hôn nhân. Tương tự, người ta không phỏng vấn đàn ông thành đạt là: Anh làm sao để vừa đi làm kiếm tiền, vừa chăm sóc cho gia đình?

3. Phụ nữ Việt trong quá khứ có gì khác?

Theo sách Văn minh Việt Nam trong lịch sử thiết chế gia đình “chuẩn" có một khái niệm được gọi là “Uy quyền của người cha”, nhấn mạnh quyền lực tuyệt đối của người cha trong gia đình. Trong gia đình “kiểu chuẩn” này vai trò của người phụ nữ là phải “chịu sự khuất phục của sự gia trưởng và quyền uy tuyệt đối của chồng”.

Theo thời gian những quan niệm này đã thay đổi, vị thế của phụ nữ đã cao hơn xưa. Tuy nhiên sự kìm hãm và hạn chế của phụ nữ cũng tiến hóa với những định kiến ngầm với sự rập khuôn của tính nữ.

4. Sự rập khuôn của tính nữ là gì?

Sự tồn tại của tư tưởng gia trưởng tạo ra tiêu chuẩn của phụ nữ truyền thống hay nói cách khác là những khuôn mẫu mà người ta kỳ vọng mọi phụ nữ sẽ noi theo.

Quan điểm này đề cao những phụ nữ có vẻ ngoài thùy mị, tính tình nết na và vô tình hạ thấp giá trị của những phụ nữ không theo chuẩn này. Điều này “thu hẹp" lại khái niệm về phụ nữ, trói buộc họ trong những tiêu chuẩn về sự nữ tính. Giá trị của người phụ nữ bị đánh giá dựa trên khả năng việc nhà và thu nhỏ lại chỉ trong một căn bếp.

5. Bộ não có quyết định vai trò giới?

Ngoài cơ quan sinh dục, liệu bộ não có phân chia ra não đàn ông và não đàn bà? Khái niệm neurosexism (phân biệt giới tính dựa trên khoa học thần kinh) ra đời để gọi “niềm tin" về sự khác nhau về giới tính của não bộ. Từ đó nói đến sự ưu việt của đàn ông trong một số vai trò cố định. Tiêu biểu cho nhận định này chúng ta có cuốn sách Đàn ông sao hỏa, đàn bà sao kim. Cuốn sách đã bị chỉ trích vì tiếp tay cho việc hình thành những “khuôn mẫu giới”.

Trong những năm gần đây, tuy còn nhiều tranh cãi nhưng khái niệm “mosaic brain" đã ra đời bởi nhà sinh lý học thần kinh Tom Curran. Ông đã sử dụng thuật ngữ mosaic để mô tả sự đa dạng trên diện rộng của bộ não con người, thay vì một dải khác biệt dựa trên giới tính. Có thể thấy sự xuất hiện của tính nam và tính nữ trong bộ não chụp cắt lớp của từng giới tính, xuất hiện đan xen với nhau.

6. Vai trò giới có tới từ xã hội?

Bộ não có khả năng thu nhận và học tập từ thế giới bên ngoài để từ đó xây dựng những quy tắc của nó, bao gồm cả vai trò giới tính. Khái niệm này gọi là brain plastically. Nói cách khác bộ não luôn phát triển và thay đổi dựa trên những gì nó tiếp xúc.

TS Nguyễn Phương Mai cũng đã nói rằng “Thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não.”

7. Nếu ta thử hoán đổi vai trò cho nhau?

Mỗi giới tính đều phải đối mặt với những vai trò và trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống. Thay vì chỉ trích nhau, đặt ra những tiêu chuẩn “làm đàn ông", “làm đàn bà" sao ta không chọn làm con người để cùng san sẻ cái khó của nhau.

Điều quan trọng là tìm được sự thấu cảm, nói như chị Nguyễn Phương Mai là phải đặt nhau vào hoàn cảnh của người khác để không chỉ hiểu, mà còn cảm được những cái khó của giới tính còn lại.