Tóm Lại Là: Ai xứng đáng được đặc cách vào Đại học? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Ai xứng đáng được đặc cách vào Đại học?

Tóm lại là, chuyện gì đã xảy ra với Ngô Văn Hiếu? Bạn mong muốn có một kỳ tuyển sinh Đại học như thế nào?

Tóm Lại Là: Ai xứng đáng được đặc cách vào Đại học?

Nguồn: Viettimes.vn

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?

1. Ngô Văn Hiếu là ai?

Ngô Văn Hiếu là học sinh trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa. Hiếu có một người bạn bị tật ở chân là Nguyễn Tất Minh. Hiếu đã cõng Minh đến trường trong suốt 10 năm đi học chung, đến tận lúc chuẩn bị thi Đại học. Hiếu có nguyện vọng được vào ngành Y Đa Khoa của Đại học Y Hà Nội.

Điểm chuẩn đầu vào ngành Y Đa Khoa của Đại học Y Hà Nội lấy 28,9 điểm. Nếu cộng cả điểm ưu tiên là 0,5, Hiếu vẫn thiếu 0,25. Mới đây, Hiếu đã được Đại học Y Thái Bình miễn toàn bộ học phí.

2. Chuyện gì đang xảy ra với Hiếu?

Các tranh cãi xoay quanh vụ việc của Hiếu đều xoay quanh giá trị của giáo dục. Với nhiều người, vì Y học là ngành liên quan đến mạng sống, giáo dục cần xem xét đến những khía cạnh khác của sinh viên khi thi tuyển sinh ngoài điểm số. Lòng tốt của Hiếu, vì thế, xứng đáng có cơ hội để học một trong những trường Y tốt nhất Việt Nam. 

Dù nhận được sự ủng hộ lớn, Hiếu cho biết vẫn sẽ từ chối đặc cách tuyển sinh, nếu có, vì điều đó là không công bằng với các bạn khác.

Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết Hiếu không thuộc trường hợp được đặc cách tuyển thẳng, nên em sẽ không thể học Y Hà Nội trong giai đoạn này.

3. Ai đang được đặc cách tuyển thẳng vào Đại học? 

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh có thể được xét tuyển thẳng sẽ phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

  • Được giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia;
  • Từng đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế;
  • Có giấy chứng nhận đoạt giải quốc tế về thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật;
  • Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhìn chung, đa phần các thí sinh muốn được tuyển thẳng cần chứng minh khả năng học thuật qua các kỳ thi quốc gia, quốc tế. 

4. Ai không được đặc cách tuyển thẳng Đại học?

Năm 2002, Hoa hậu Mai Phương cũng từng được sở giáo dục Hải Phòng yêu cầu được đặc cách xét tuyển thẳng vào Đại học nhưng bị Bộ giáo dục từ chối.

Không phải ai đạt giải quốc gia cũng được tuyển thẳng Đại học. Năm nay, Đại học Y Hà Nội chỉ xét tuyển thẳng cho học sinh đạt giải Nhất, Nhì các môn trong tổ hợp khối B. 

Năm 2015, vì lượng hồ sơ đạt giải quốc gia nộp vào trường đông đảo, Đại học Y Dược TP.HCM chỉ chấp nhận thí sinh có giải Nhất.

5. Việc tuyển sinh đầu vào của các nước khác đang thế nào?

Hầu hết các trường Đại học quốc gia ở Nhật Bản sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sau kỳ tuyển sinh cả nước. Kỳ tuyển sinh riêng này có thể là bài kiểm tra, phỏng vấn hoặc yêu cầu học sinh gửi luận văn.

National University of Singapore hay Nanyang Technology University ở Singapore yêu cầu học sinh gửi IELTS/TOEFL và SAT (nếu có) đầu vào. Sau đó, học sinh cần thi bài thi riêng của trường (hoặc gửi điểm của kỳ thi A level) và thêm phần phỏng vấn.

Tại Mỹ, hồ sơ ứng tuyển Đại học bao gồm bảng điểm cấp Ba, điểm SAT, thư giới thiệu, luận văn, danh sách hoạt động ngoại khóa và bất kỳ tài liệu đính kèm nào thể hiện năng lực. Hồ sơ này sẽ được gửi cho từ 15-20 trường bạn muốn vào. Hệ thống chọn lọc học sinh của Mỹ không hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ một yếu tố. Nếu điểm SAT không tốt nhưng luận văn và tài năng nằm ở mức thượng thừa, học sinh vẫn có thể đậu.

6. Chỉ một kỳ thi có đánh giá đúng năng lực học sinh?

Dễ thấy, quy chế thi cử chia thành nhiều đợt trong việc tuyển sinh ở các nước là để nhằm mục đích giúp đánh giá trọn vẹn về một thí sinh. 

Trong khi đó, riêng các Đại học trực thuộc Đại học quốc gia Việt Nam đã tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào trường, như một cách tăng cơ hội cho các thí sinh. Các trường tư cũng đã thực hiện việc xét học bạ qua nhiều năm. Tuy nhiên, đa phần những người đi thi vẫn chỉ có một cơ hội, chính là kỳ thi tuyển sinh. 

Khi bạn chỉ có một cơ hội duy nhất, giống như việc chỉ có một viên đạn để ngắm bắn, thật khó để một phát trúng đích!

7. Bạn mong có một kỳ tuyển sinh Đại học như thế nào?

Điểm số vẫn chiếm vị trí độc tôn trong kỳ thi tuyển sinh Đại học ở Việt Nam. Thêm vào đó, thí sinh chỉ có một cơ hội quyết định để thể hiện năng lực của mình. Những thí sinh được đặc cách vào Đại học đa phần cũng chỉ nhờ vào khả năng học thuật. Theo ghi nhận của Vietcetera, một kỳ tuyển sinh “trong mơ” sẽ là:

  • Toàn diện hơn;
  • Giúp thí sinh có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn;
  • Khiến học sinh chứng minh những năng lực khác liên quan đến ngành học của mình, mà không chỉ về điểm số chung chung.

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?