1. Chuyện gì đang diễn ra?
Mới đây, một nữ YouTuber nổi tiếng đã đăng một đoạn clip TikTok dài gần 1 phút, “xin vía” học giỏi cho các em học sinh. Trong đoạn clip này, chị tự xưng “mẹ” với một con búp bê, cho uống coca và nói những câu “bùa chú”, như thể đang nuôi Kumanthong. Dư luận phẫn nộ vì cho rằng chị truyền bá mê tín dị đoan.
Nữ YouTuber sau đó lên tiếng đính chính rằng clip này chỉ là diễn vui. Tuy nhiên, lời giải thích này không còn giá trị nhiều khi nhiều em nhỏ đã xem và tin là thật.
Ngay ngày hôm nay, TikTok và YouTube được cơ quan chức năng yêu cầu chặn, gỡ các clip có dấu hiệu vi phạm.
2. Đây không phải là lần đầu tiên?
Trong quá khứ, YouTuber này cũng từng vướng vào làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng, vì hướng dẫn trẻ “bày trò” như đổ thạch vào bồn tắm, hay bỏ đá khô vào chai kín, gây nổ.
May mắn các clip này chưa gây ra trường hợp thương vong nào. Nhưng không ai là chưa từng nghe tin các em nhỏ vì làm theo một video hướng dẫn mà dẫn đến tự sát. Hầu hết đều là các trẻ dưới 7 tuổi, còn khó phân biệt được thực tế và thế giới tưởng tượng.
3. Nội dung số dành cho trẻ em đang được quy định thế nào?
Hiện TikTok vẫn chưa có quy định hạn chế về loại nội dung được đăng tải. Đây trở thành địa điểm lý tưởng thay thế cho YouTube, nơi đang áp dụng nghiêm túc luật về quyền trẻ em sau khi nhận án phạt 170 triệu USD.
Cụ thể, YouTube yêu cầu người sáng tạo phân loại nội dung thành: “dành cho trẻ em” và “không dành cho trẻ em”. Các quảng cáo, đề xuất video độc hại nhắm vào đối tượng nhỏ tuổi sẽ bị hạn chế hiển thị. Những video này cũng sẽ bị vô hiệu hóa phần nhận xét và một số tính năng cộng đồng khác.
Tuy nhiên, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu các bố mẹ “bất hợp tác”, cho các em nhỏ tự sử dụng điện thoại tự do bằng tài khoản của người lớn.
4. Để nền tảng số an toàn?
YouTube Kids được sinh ra dành cho trẻ em nhưng vẫn chứa những video có nội dung nhạy cảm. Bằng cách cài cắm tinh vi vào phần giữa, hoặc cuối video với thời lượng vài giây, các loại nội dung độc hại dễ dàng lọt qua vòng kiểm duyệt tự động của hệ thống.
Để bị gỡ hoàn toàn, cần phải nhờ đến lớp kiểm duyệt thứ 2, thực hiện bởi nhân viên YouTube và các phụ huynh kiên nhẫn ngồi xem video cùng con. Quy trình từ lúc phát hiện đến lúc gỡ ít nhất mất một tuần.
5. Có những thứ đáng sợ nhưng không gây hại?
Bên cạnh những video hướng dẫn bạo lực rõ ràng gây nguy hiểm, có những thứ đơn giản chỉ là đáng sợ, không gây hại. Chẳng hạn như “ông kẹ”. Tuy nhiên khi bị lạm dụng (để trẻ ăn cơm), “ông” cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh. Chúng ăn sâu vào tiềm thức, gây nên đặc tính dễ bị kích động và thao túng bởi hình ảnh tương tự.
Nguyên nhân gây hại của “Thử thách Momo”, từng làm rúng động toàn cầu năm 2019, được các nhà nghiên cứu xác định là do nỗi sợ bị thổi phồng bởi truyền thông. Trong khi Momo nguyên bản chỉ là một sản phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc Nhật Keisuke Aiso.
6. Mối nguy là cần thiết?
Sự phát triển của công nghệ truyền thông, và sự phức tạp của mối quan hệ gia đình khiến việc ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với những rủi ro tiềm ẩn ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với rủi ro là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Trẻ em sẽ không thể thực sự biết “cây kim” làm chúng đau thế nào cho tới khi chạm vào. Điều này không có nghĩa là trẻ em nên “chơi dại” nhiều hơn, mà quan trọng là các em được biết cách đối phó, biết mình sẽ bị đau với mức độ va chạm như thế nào.
David Mikkelson, nhà sáng lập chuyên trang kiểm chứng Snopes.com, khuyến khích các bậc cha mẹ làm quen với những gì con cái sử dụng trên mạng xã hội. Đồng thời phải đảm bảo rằng các con nên báo cho cha mẹ biết nếu gặp bất kỳ điều gì có vẻ có hại hoặc đe dọa trên nền tảng trực tuyến.
7. Điều có thể làm ngay lúc này?
Nhiều nền tảng xã hội đã bắt đầu hỗ trợ tính năng Family Pairing, các gia đình nên sử dụng để theo dõi và bảo vệ con mình. Người dùng có thể điều chỉnh linh hoạt các cài đặt phù hợp cho mục đích cá nhân.
- Quản lý thời gian truy cập mạng xã hội của con mỗi ngày.
- "Chế độ hạn chế" làm giảm thiểu sự xuất hiện của các nội dung không lành mạnh đối với trẻ.
- Giới hạn tin nhắn trực tiếp giúp người dùng không nhận được tin nhắn có nguy cơ tiềm ẩn, hoặc giới hạn số lượng người gửi tin nhắn đến tài khoản.
Và cuối cùng là ngưng "phóng khoáng" để con sử dụng điện thoại một mình khi chưa tự tin mình đã hướng dẫn cho con cách nhận biết nguy hiểm.