Tóm Lại Là: Kiki là trợ lý giọng nói đầu tiên của người Việt! | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Kiki là trợ lý giọng nói đầu tiên của người Việt!

Chúng ta sẽ được gì và mất gì từ trợ lý giọng nói Kiki?
Tóm Lại Là: Kiki là trợ lý giọng nói đầu tiên của người Việt!

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Kiki là gì?

“Kiki ơi” là từ khóa để kích hoạt trợ lý giọng nói đầu tiên của Việt Nam. Vừa được ra mắt tại Zalo AI Summit 4, mang cái tên như một chú cún, Kiki thực ra đã ra đời từ cách đây 2 năm.

alt
Trợ lý ảo Kiki dùng trên loa thông minh | Nguồn: Báo Thanh Niên

Dưới sự phát triển của đội ngũ Zalo AI, Kiki đã có giọng nói riêng và được đem thử nghiệm trên loa thông minh, dòng xe cao cấp Maserati Levante và cả hệ điều hành điện thoại.

2. Tại sao lại là trợ lý giọng nói?

Ông Vương Quang Khải - Chủ tịch của Zalo - khẳng định rằng phương tiện giao tiếp hiệu quả dành cho con người và máy tính chính là giọng nói tự nhiên. Chính điều này cũng sẽ đưa người Việt tới gần hơn với công nghệ của thế giới.

Ocircng Vương Quang Khải phaacutet biểu tại Zalo AI Summit Nguồn Zing
Ông Vương Quang Khải tại Zalo AI Summit | Nguồn: Zing

Sự ra đời của Kiki có khả năng sẽ đơn giản hoá cuộc sống “online” của người Việt. Nếu muốn nghe nhạc hay đọc tin tức khi đang dở tay bận rộn, bạn chỉ cần gọi “Kiki ơi”.

3. Điểm mạnh của Kiki là gì?

Đa số người dùng tham gia Zalo AI Summit đều ấn tượng với khả năng phản hồi và phát âm tiếng Việt của Kiki. Tiếng Việt chính là điểm mạnh khi đem so sánh Kiki với các trợ lý giọng nói khác trên thế giới.

Đội ngũ phát triển của Kiki cũng chia sẻ rằng, việc để Kiki hiểu và học được phát âm của người Việt là điều khó nhất. Chưa kể sự đa dạng trong ngôn từ và phát âm khác nhau của từng vùng miền cũng được đội ngũ cân nhắc kỹ càng khi thiết kế.

Để Kiki trở nên “thân thiện” hơn với người dùng Việt Nam, nền tảng dữ liệu của Kiki cũng được cập nhật thường xuyên để bắt kịp với mọi “trend” của giới trẻ.

4. Câu hỏi nào người dùng cần đặt ra khi sử dụng Kiki?

Vì chỉ vừa mới được ra mắt nên những thông tin xung quanh vấn đề bảo mật của Kiki vẫn chưa có nhiều. Vậy thì: “Ai là người sẽ sở hữu và lưu trữ thông tin từ Kiki?”

Người Việt đã trở nên khắt khe hơn trong vấn đề bảo mật thông tin. Tuy nhiên theo khảo sát của Appota, 32,3% người dùng không biết cách tự bảo vệ quyền riêng tư trên mạng; 82% sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân để nhận quà khuyến mãi.

Người Việt vẫn rất “dễ dãi” khi nhấp vào ô “tôi đồng ý” khi tải ứng dụng mà không cần quan tâm đến các điều khoản. Chính sự dễ dãi này đã dẫn đến lùm xùm cách lây không lâu liên quan tới FaceApp.

5. Trợ lý giọng nói sử dụng thông tin của bạn làm gì?

Đa số các trợ lý giọng nói như Alexa, Siri và Google đều lưu trữ lại dữ liệu giọng nói của người dùng. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chủ động kiểm soát và xóa đi các bản ghi âm. Một số người dùng Alexa đã ngạc nhiên khi nhận ra các trợ lý này vẫn tự ý ghi âm khi không được bật.

Lý do chung các công ty này đưa ra là để đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Với dữ liệu, AI sẽ được phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, việc các trợ lý này luôn “dỏng tai nghe” dù không được kích hoạt, là để có thể luôn luôn phản hồi nhanh nhất khi được gọi tên.

6. Có phải công ty nào cũng dùng thông tin để phát triển AI?

Nghe có vẻ yên tâm khi mà các ông lớn đều “hứa hẹn” rằng thông tin của bạn được an toàn. Đó là do bạn chưa nghe tới iFlytek, một công ty Công nghệ lớn của Trung Quốc, đồng thời cũng là đơn vị phát triển trợ lý giọng nói cùng tên.

Trụ sở iFlytek Nguồn Shwangtianyuan
Trụ sở iFlytek | Nguồn: Shwangtianyuan

Khác với các công ty công nghệ Mỹ, trong điều khoản sử dụng, iFlytek “thật thà” thừa nhận rằng sẽ cung cấp và lưu trữ thông tin người dùng với lý do “an ninh bảo mật quốc gia”. Nói cách khác không cần quan tâm bạn có đồng ý hay không, thông tin của bạn vẫn sẽ bị “rò rỉ" cho một bên thứ ba nếu cần.

7. Tại sao thà lo về bảo mật còn hơn sợ AI thống trị thế giới?

Như đã biết thì nền tảng phát triển trợ lý giọng nói là AI. Hiện nay có 3 loại AI được chia ra theo 3 cấp độ “thông minh” khác nhau: Narrow AI, General AI và Superintelligent AI.

Hiện tại đa số AI đang được phát triển, bao gồm trợ lý giọng nói đang ở cấp độ Narrow AI. Còn Superintelligent AI có thể hiểu chính là cỗ máy siêu khủng trong The Matrix. Vậy nên hiện tại ta có thể “tạm” yên tâm là tương lai Elon Musk dự đoán vẫn chưa tới. Thậm chí con AI GPT-3 đã viết hẳn một bài tiểu luận với lời khẳng định rằng: “Tiêu diệt loài người dường như là một nỗ lực khá vô ích đối với tôi”.