Tóm Lại Là: Tại sao Naomi Osaka bỏ giải? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Tại sao Naomi Osaka bỏ giải?

Lần đầu tiên trong lịch sử Pháp Mở rộng, có một tay vợt rời giải vì vấn đề tâm lý.
Tóm Lại Là: Tại sao Naomi Osaka bỏ giải?

Vận động viên quần vợt Naomi Osaka bỏ giải vì vấn đề sức khỏe tâm lý | Nguồn: Reuters

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 01/06 vừa qua, Naomi Osaka, một trong những ngôi sao lớn nhất của làng quần vợt thế giới đã tự nguyện rút lui khỏi giải Pháp Mở rộng (Roland Garros) danh giá.

Trước đó, sau khi thông báo từ chối tham dự họp báo vì vấn đề sức khỏe tâm lý, Osaka đã bị phạt 15.000 USD. Ban tổ chức Roland Garros cũng đe dọa sẽ loại cô ra khỏi giải đấu. 

Osaka cuối cùng quyết định tự nguyện rời giải, sau khi không tìm được tiếng nói chung với ban tổ chức.

2. Naomi Osaka là ai?

Naomi Osaka là một vận động viên quần vợt nổi tiếng người Nhật Bản. Cô hiện xếp hạng 2 thế giới trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ WTA. Có cha là người Haiti và mẹ là người Nhật Bản, Osaka lớn lên ở Mỹ và giành Grand Slam đầu tiên - US Open - ở tuổi 20.

Naomi Osaka từng giữ vị trí số 1 thế giới trong năm 2019. Cô hiện đã giành được tổng cộng 4 danh hiệu Grand Slam. 

Osaka được biết đến là người nhút nhát và nhẹ nhàng, tuy nhiên cô thường xuyên vượt qua bản thân để tham gia vào các hoạt động xã hội. Năm 2020, Osaka từng rút khỏi giải đấu Cincinnati Open để phản đối sự kiện cảnh sát Mỹ bắn trọng thương thanh niên da màu Jacob Blake.

floyd
Naomi Osaka tích cực ủng hộ phong trào Black Lives Matter | Nguồn: Reuters

Tại giải đấu Mỹ Mở rộng năm 2020, Osaka cũng trở nên nổi tiếng khi đeo khẩu trang thể hiện sự ủng hộ cho phong trào Black Lives Matters.

3. Tại sao Naomi Osaka lại quyết định bỏ giải?

Ngày 27/05, Naomi Osaka đã đăng trên mạng xã hội Twitter rằng cô sẽ không tham dự các cuộc họp báo của giải Pháp Mở rộng để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.

Phản hồi lại bài đăng của Osaka, ban tổ chức Roland Garros đã đăng một tuyên bố trên trang web của mình, đồng thời đưa ra mức phạt 15.000 USD cho tay vợt. Trong tuyên bố, ban tổ chức bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của Osaka và đề nghị giúp đỡ trong khả năng của họ. (Theo tờ time.com)

Tuy nhiên, ban tổ chức cũng cho rằng họ không thể bỏ qua cho hành động làm ảnh hưởng đến tính công bằng của giải đấu. Theo ban tổ chức Roland Garros, việc tham dự các buổi họp báo là quy định được áp dụng cho tất cả các vận động viên.

Đáp lại án phạt và lời đe dọa sẽ loại khỏi Roland Garros, Osaka đã tự nguyện rút lui khỏi giải đấu.

4. Ban tổ chức giải Pháp Mở rộng phản ứng như thế nào?

Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Pháp, ông Gilles Moretton bày tỏ tiếc nuối về việc Naomi Osaka quyết định rời giải đấu, đồng thời chúc tay vợt người Nhật hồi phục chấn thương nhanh chóng. Ông Moretton cũng bày tỏ mong muốn chào đón Osaka trong giải Pháp Mở rộng năm sau.

tennis
Ông Moretton cho rằng mọi vận đông viên phải tuân thủ luật lệ | Nguồn: Reuters

Tuy nhiên, ông cũng bảo vệ cho hành động của ban tổ chức Roland Garros. “Phải có quy tắc. Phải có luật lệ. Chúng tôi sẽ tuân thủ mọi quy định và quy tắc về hình phạt và tiền phạt”, ông Moretton nói trong cuộc phỏng vấn với tờ L’Équipe. “Đây là quyết định gây tổn hại cho thể thao, cho quần vợt, và cho chính cô ấy.”

5. Dư luận phản ứng như thế nào về sự kiện?

Sau khi Osaka rút lui khỏi Pháp Mở rộng, nhiều đồng nghiệp của cô đã bày tỏ sự ủng hộ.

Serena Williams, người mà Osaka đã đánh bại để giành Grand Slam đầu tiên tỏ ra đồng cảm với quyết định của tay vợt người Nhật. “Tôi ước mình có thể ôm cô ấy vì tôi biết cảm giác đó như thế nào”, Serena nói trong cuộc họp báo sau đó của giải đấu.

tennis
Tay vợt huyền thoại Serena Williams đồng cảm với quyết định của Osaka | Nguồn: Reuters

Các huyền thoại quần vợt như Billie Jean King và Martina Navratilova cũng bày tỏ sự ủng hộ cho Osaka trên Twitter. Hai tay vợt huyền thoại cho rằng Osaka cần sự riêng tư vào thời điểm này để chữa lành vết thương tâm lý.

Các thương hiệu lớn cũng ủng hộ tuyên bố của Osaka. Nike, công ty có hợp đồng tài trợ với Osaka đã đưa ra tuyên bố ngay sau khi Osaka quyết định rời giải. “Chúng tôi nghĩ về Naomi. Chúng tôi ủng hộ Naomi và ghi nhận sự dũng cảm của cô ấy trong việc chia sẻ tình trạng sức khỏe tinh thần của chính mình.”

6. Đã có sự kiện tương tự nào xảy ra trong quá khứ chưa?

Sự việc của Naomi Osaka là lần đầu tiên làng quần vợt thế giới ghi nhận trường hợp vận động viên rút lui khỏi giải vì lý do tinh thần. Tuy nhiên, đã từng có trường hợp vận động viên từ bỏ quần vợt chuyên nghiệp vì trầm cảm trước đó.

Vào tháng 9 năm 2014, tay vợt nữ xếp hạng 1 thế giới Ashleigh Barty khi đó 18 tuổi. Sau khi gặt hái một số thành công ở các giải trẻ, cô cảm thấy kiệt sức và chán nản. Barty sau đó quyết định từ bỏ quần vợt trong vòng 18 tháng.

tennis
Tay vợt nữ số 1 thế giới cũng từng trải qua chứng trầm cảm | Nguồn: Reuters

"Tôi nhớ lại các buổi trị liệu kết thúc trong nước mắt. Nhưng sau những buổi trị liệu đó, tôi bước ra ngoài với cảm giác tuyệt vời hơn gấp triệu lần", Barty nhớ lại.

Cha của cô, ông Robert tiết lộ rằng Ashleigh đã phải trải qua những buổi trị liệu tâm lý và phải dùng thuốc điều trị trầm cảm trong gần hai năm.

7. Đã từng có vận động viên thể thao nào chiến đấu với bệnh trầm cảm chưa?

Lật lại quá khứ, việc các vận động viên thể thao chiến đấu với bệnh trầm cảm không phải là chuyện hiếm.

Ngay tại Việt Nam, cô gái vàng của làng bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên cũng từng vật lộn với khủng hoảng tâm lý.

Huấn luyện viên của Ánh Viên, ông Đặng Anh Tuấn cho biết khi trở lại Mỹ tập huấn sau SEA Games 29, Ánh Viên đã tập luyện trong tình trạng áp lực tâm lý đè nặng. Các bác sĩ tâm lý đã phải can thiệp, giúp đỡ Ánh Viên trong suốt 3 tháng để cân bằng tâm lý, tìm lại trạng thái tự tin.

ánh viên
Kình ngư Ánh Viên từng vật lộn với khủng hoảng tâm lý

Chỉ 6 tháng trước thềm vòng chung kết World Cup 2010, thủ môn của đội tuyển bóng đá Đức Robert Enke đã tự lái xe lao vào một con tàu cao tốc. Cái chết của Enke đến từ việc anh đã phải đấu tranh với bệnh trầm cảm suốt 3 năm, kể từ khi cô con gái 2 tuổi Lara qua đời vì bệnh tim. (Theo The Guardian)

Kình ngư nổi tiếng người Mỹ Michael Phelps cũng từng trải qua quãng thời gian vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm cùng ý nghĩ tự sát. Tháng 01/2018, Phelps tiết lộ rằng anh đã từng tự giam mình trong phòng ngủ nhiều ngày, không ăn, ngủ rất ít và nghĩ đến việc tự tử.

Bảo đảm sức khỏe tinh thần cho các vận động viên thể thao luôn là vấn đề được đặt ra trong môi trường thể thao chuyên nghiệp. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều những vận động viên lên tiếng về tình trạng sức khỏe tâm lý, giới chức đứng đầu các liên đoàn cần có các giải pháp nhằm tạo một môi trường thể thao chuyên nghiệp tích cực hơn.