Tóm Lại Là: Việt Nam sắp phải nhập khẩu cô dâu? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Việt Nam sắp phải nhập khẩu cô dâu?

Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở ngưỡng mất cân bằng trầm trọng. Những nam thanh niên FA có thể sẽ phải tiếp tục FA trong khoảng thời gian dài.

Tóm Lại Là: Việt Nam sắp phải nhập khẩu cô dâu?

Nguồn: Shutterstock

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?

1. Mất cân bằng giới tính, có thật không?

Trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh (Sexual Ratio Birth) ở Việt Nam đang ở ngưỡng mất cân bằng trầm trọng: 111,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số lượng nam giới được chào đời trên 100 bé gái. Con số lý tưởng trong việc sinh nở là 103 đến 107 bé trai trên 100 bé gái. 

Chỉ với 10 tháng đầu năm 2020, cán cân tỷ số tiếp tục nghiêng hẳn về hướng nam giới. Trung bình, cứ 100 bé gái là sẽ có đến 124 bé trai. Nếu bạn nghĩ "chỉ thừa 24 em trai thôi mà", nếu tỷ số chênh lệch tiếp tục là 124/100, thì số lượng nam giới sẽ là 55,35% so với 44,65% của nữ giới. Với 96 triệu dân, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 10 triệu đàn ông 'bị thừa'.

2 . Tại sao mất cân bằng giới tính diễn ra?

Các nguyên nhân chủ yếu của việc “trọng nam” thường do những quan niệm rằng con trai: 

  • Có khả năng nối dõi tông đường;
  • Có khả năng kiếm nhiều tiền hơn (ở các nước nông nghiệp);
  • Có khả năng làm được nhiều việc hơn;
  • Có địa vị xã hội cao hơn.

3. Chính phủ đã và sẽ làm gì để ngăn chặn điều này?

Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”. Trong đó, các cách được đề ra gồm:

  • Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giới tính;
  • Cụ thể hóa luật bình đẳng giới;
  • Thực hiện nghiêm khắc các điều luật xử phạt những cơ sở y tế tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi;
  • Nâng cao chất lượng hệ thống đăng ký dân số quốc gia vì đăng ký dân số không đầy đủ, thống kê không chính xác cũng làm mất cân đối giới tính một cách giả tạo.

4. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở các nước khác đang như thế nào?

Phần lớn, việc mất cân đối về giới tính khi sinh diễn ra chủ yếu ở các nước Đông Nam Á và khu vực Trung Đông (chủ yếu ở Bắc Nam Phi). Triều Tiên là nước đầu tiên chứng kiến tình trạng tỷ lệ nam - nữ khi sinh không đồng đều vì tình trạng nạo phá thai khi biết giới tính em bé từ trong bụng mẹ là nữ ở cấp độ báo động. Tại Trung Quốc, từ 1995 đến 2005, tỷ số sinh nam tăng vọt, từ 115 đến 119. 

Quan niệm “địa vị xã hội của nam cao hơn nữ” không phải là không có cơ sở. Thậm chí tại Mỹ, một trong những quốc gia tân tiến không chịu ảnh hưởng của các tư tưởng Nho giáo, số lượng nữ CEO vẫn chỉ là 22%. Trong khi đó, phần trăm nam giới là CEO tại đất nước này là 78.

5. Vì sao cân bằng giới tính là một vấn đề bạn nên để tâm?

Tại Trung Quốc, có 94% những người chưa lập gia đình ở độ tuổi 28-49 là nam. Trong đó, 97% số ấy là những người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Các nghiên cứu từ năm 1980 đến 1982 tại Ấn Độ cũng cho thấy có sự liên quan mật thiết giữa việc thừa nam giới với sự gia tăng của các hành vi bạo lực, chống đối xã hội.

Trước mắt, sẽ có một số khó khăn mà những bạn nam có thể phải đối mặt nếu tình trạng thừa nam giới vẫn tiếp tục phát triển như hiện nay:

  • Những nam thanh niên FA có thể sẽ phải tiếp tục FA trong khoảng thời gian dài;
  • Việc có những chương trình như Người Ấy Là Ai không phải “để cho vui” nữa, mà sẽ là bắt buộc;
  • Thay vì gặp mặt là đổ hay quẹt phải Tinder, có lẽ phái nam sẽ phải đăng ký những cuộc thi tìm người yêu. Không phải vì không tìm được nửa kia thích hợp, mà vì… không có cơ hội thấy được họ.

6. Các nước khác đã giải quyết tỷ lệ chênh lệch khi sinh như thế nào?

Từ năm 1988, Hàn Quốc đã ban hành luật nghiêm cấm các sản phụ xác định giới tính trước khi sinh. Năm 1991, 8 bác sĩ đã bị đình chỉ giấy phép hành nghề vì can thiệp vào việc này. Một năm sau đó, tỷ số giới tính của Seoul đã giảm từ 117 bé trai xuống còn 113.

Sau khi luật một con khiến tình trạng thừa nam giới gia tăng, Trung Quốc đã ban hành chính sách mỗi gia đình có thể có 2 con. Gánh nặng trong việc “đứa con duy nhất phải là con trai” được gỡ khỏi vai, nhờ đó, tỷ lệ nạo phá thai cũng giảm xuống.

7. Một thế giới không có phụ nữ...

Thời tiền sử, xã hội được vận hành bằng chế độ mẫu hệ. Sau đó, vì không đủ sức khỏe để săn bắt, người phụ nữ chấp nhận đứng sau, để người đàn ông đứng đầu gia đình. Chế độ phụ hệ ra đời, nhiều quan niệm được sinh ra, có lẽ để giữ vững cán cân quyền lực cho nam giới.

Nhưng chúng ta không còn ở thời tiền sử, nơi săn bắt là chiếc chìa khóa để sống sót. Khi phụ nữ vẫn điều hành các công ty một cách điêu luyện, vẫn gõ code một cách phi thường và vẫn ngày ngày lao động miệt mài bằng trí óc, thì việc cán cân được ngang bằng là điều phải có.

Vẫn còn chặng đường dài để đấu tranh cho quyền phụ nữ, để xóa nhòa những quan niệm lạc hậu về vai trò của nữ giới và nam giới. Có một điều chúng ta biết chắc rằng, cả hai giới tính sinh ra đều có tầm quan trọng như nhau. Vì nếu không có một trong hai, chúng ta đã chẳng thể sinh ra trên đời.

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?