Cuối tuần qua, tôi nhận được tấm thiệp mời có lẽ là lạ lùng nhất trong suốt hơn 3 năm đi-dự-công-chiếu-phim của mình: lời mời đi xem một bộ phim bí ẩn, được gửi từ nhà rạp BHD.
Thông thường, thư mời dự công chiếu phim là những phiên bản được thiết kế lại từ poster của bộ phim đó. Trên thư luôn bao gồm các thông tin cơ bản như tiêu đề, tên tuổi đạo diễn và diễn viên, hình ảnh của bộ phim,...
Nhưng với chiếc thiệp kỳ lạ kia, mọi thông tin và hình ảnh có giá trị giới thiệu hay bảo chứng cho tác phẩm đều được giấu kín. Tất cả những gì được ghi trên thiệp mời là dòng chữ “Bộ Phim Bí Ẩn” đầy bí hiểm, cùng một dấu hỏi chấm ở đằng sau. Và dĩ nhiên, tôi đã lập tức cảm thấy tò mò.
Tò mò là bởi, những buổi chiếu phim “mù”, hay còn gọi là mystery/secret film screening - là một hình thức đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nơi sở hữu lượng rạp chiếu phim và phim ra rạp lớn hơn Việt Nam. Hình thức chiếu phim “mù” thường được sử dụng bởi các rạp chiếu phim độc lập (những nhà rạp này có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với những bộ phim họ chọn lọc trình chiếu), và thường diễn ra trong một dịp đặc biệt nào đó.
Cá nhân tôi trước đây đã từng được trải nghiệm một buổi chiếu phim “mù”. Tác phẩm bí ẩn ngày hôm đó, sau cùng, là Close Encounters of the Third Kind của Steven Spielberg, trong tuần lễ chiếu phim tri ân vị đạo diễn người Pháp François Truffaut.
Và dù không phải là thông lệ, song các liên hoan phim lớn trên thế giới cũng từng tổ chức những buổi chiếu phim “mù”. LHP Cannes vốn luôn công bố trước danh sách phim, nhưng vào năm 2021, có lẽ một phần trong nỗ lực thúc đẩy khán giả trở lại rạp chiếu phim và vực dậy nền điện ảnh hậu Covid-19, Cannes đã thông báo trình chiếu một bộ phim bí ẩn - sau đó được tiết lộ là Fast and Furious 9.
LHP Sundance, sân khấu “debut” của nhiều bộ phim inde, cũng từng thử nghiệm với hình thức chiếu phim này. Một vài bộ phim nổi tiếng từng được công chiếu “mù” tại Sundance bao gồm Get Out, Fighting With My Family, Tully, Eddie the Eagle,...
Chưa kể tới những lý do đã khiến túi mù trở thành cơn sốt dạo gần đây, điều thú vị của hình thức công chiếu phim “mù” là khi không biết trước bất kỳ thông tin gì về tác phẩm, khán giả sẽ được trải nghiệm bộ phim một cách tươi mới và thuần túy nhất. Họ sẽ có thể tập trung để thưởng thức bộ phim chỉ dựa trên nội dung và yếu tố nghệ thuật, mà không bị kìm hãm bởi các định kiến hay đánh giá sẵn có từ những thông tin đã được biết về tác phẩm.
Dù đã xuất hiện ở nước ngoài, song Bộ Phim Bí Ẩn có lẽ là lần đầu tiên hình thức chiếu phim “mù” được áp dụng bởi một nhà rạp lớn tại Việt Nam. Đây sẽ là lần đầu tiên công chúng Việt Nam được tiếp cận một bộ phim theo cách mới mẻ và độc đáo thế này.
Đứng trong buổi công chiếu của bộ phim, tôi có thể cảm nhận được sự tò mò, và có lẽ đôi chút mông lung của mọi người xung quanh. Như tôi, dường như không ai thực sự biết điều gì đang đợi chờ họ bên kia cánh cửa của rạp chiếu.
Vậy chính xác điều gì đã đợi chờ chúng tôi trong rạp? Nếu nói ra thì đâu còn là Bộ Phim Bí Ẩn nữa. Không tiết lộ quá nhiều, thì đây là một tác phẩm thuộc thể loại tâm lý - gia đình - xã hội pha trộn với yếu tố hiện thực kỳ ảo, và được xoay quanh một tiền đề khá độc đáo. Trong bộ phim, tôi có thể nhìn thấy nguồn cảm hứng từ Everything Everywhere All At Once, song có lẽ tác phẩm mà tôi liên tưởng tới nhất lại là tiểu thuyết ngắn A Christmas Carol của Charles Dickens.
Bộ Phim Bí Ẩn sẽ được chiếu “mù” trong ba ngày 08, 09, 10/11/2024 tại các cụm rạp BHD trên toàn quốc. Bộ phim cũng sẽ được trình chiếu giới thiệu đại diện trong Chương trình Phim Việt Nam Đương đại tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ Bảy (HANIFF VII), trước khi được phát hành chính thức (với tiêu đề, poster, danh tính nghệ sĩ, tóm tắt nội dung,... được công bố) kể từ ngày 15/11.