Được chuyển ngữ từ bài viết “H.G. Wells, Maslow, and the Peak Experience” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài viết gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).
“Biết làm gì đây khi đến tuổi ba mươi, rẽ lối trên đường về nhà, bạn chợt bị choáng ngợp bởi một niềm hạnh phúc tột cùng, như thể bạn vừa nuốt trọn mảng nắng chiều muộn rực rỡ?" - Katherine Mansfield, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất New Zealand, đã hỏi như vậy trong tiểu thuyết Bliss của bà.
Vào năm 1918 khi viết những dòng trên, Katherine Mansfield mới 30 tuổi. Dù qua đời chỉ 4 năm sau đó, quãng đời ngắn ngủi của bà luôn ngập tràn cảm xúc mãnh liệt và trải nghiệm đáng nhớ. Nếu còn sống, hẳn bà cũng đồng tình với nghiên cứu của Abraham Maslow về giá trị những phút giây hạnh phúc tột cùng ấy với sức khỏe tinh thần và thể chất chúng ta.
Mối liên hệ giữa Maslow và truyện khoa học viễn tưởng
Là người viết tiểu sử của Maslow, tôi không tìm ra bằng chứng nào cho thấy các nghiên cứu nền móng về tâm lý học nhân văn của ông chịu ảnh hưởng bởi những tác phẩm của Mansfield. Tuy nhiên chúng có thể đã chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của H.G. Wells - một trong những người được coi là “cha đẻ” của dòng văn học giả tưởng (sci-fi).
Bản thân tôi từng nhiều lần đề cập đến niềm đam mê sci-fi của Maslow trong một số bài viết trước đây. Nhật ký của ông cho thấy lòng ngưỡng mộ sâu sắc dành cho Isaac Asimov, Arthur C. Clarke và Robert Heinlein. Maslow thậm chí còn cho rằng, khoa học viễn tưởng là thể loại duy nhất khám phá những tiềm năng vô hạn của con người trong tương lai.
Cũng vì vậy mà Maslow đồng sáng lập tạp chí Journal of Humanistic Psychology năm 1961, khi Thời đại Không gian (Spage Age) mở đầu thời kỳ khai phá vũ trụ của loài người. Bởi tầm nhìn mới mẻ về tiềm năng con người của tạp chí hoàn toàn phù hợp với tinh thần khám phá và chinh phục của thời đại ấy.
Nguồn cảm hứng của “trải nghiệm đỉnh cao”
Lý thuyết “trải nghiệm đỉnh cao” (peak experience) đóng vai trò quan trọng và nổi bật làm nên tên tuổi Maslow, trở thành nền tảng cho cả học thuyết về tâm lý học nhân văn sau này của ông. Vậy lý thuyết này đã đến từ đâu?
Maslow đã quan sát nhà nhân chủng học Ruth Benedict và nhà tâm lý học Max Wertheimer. Đây là hai người ông nhận định đã đạt tới nhu cầu thể hiện bản thân - tầng cao nhất trong tháp Maslow. Thông qua những lần quan sát họ trải qua “trải nghiệm đỉnh cao”, Maslow tin rằng nó đóng vai trò quan trọng đối với hạnh phúc và sự sáng tạo của con người.
Bên cạnh đó, Maslow còn đọc tiểu sử và hồi ký của rất nhiều người nổi tiếng. Qua đó ông nhận thấy rằng, nếu không có những trải nghiệm đỉnh cao trong đời, con người sẽ bắt đầu cảm thấy "thiếu thốn", mệt mỏi, chán nản. Thậm chí không ít người tìm đến rượu bia hay chất kích thích để lấp đầy những hương vị còn thiếu trong cuộc sống.
Ảnh hưởng của H.G. Wells lên nghiên cứu của Maslow
Một nhân tố khác ảnh hưởng đáng kể đến Maslow là H.G. Wells - tác giả sci-fi lỗi lạc, tiểu thuyết gia châm biếm bậc thầy và nhà tương lai học tiên phong. Các tác phẩm của Wells có nhiều chi tiết mô tả trải nghiệm đỉnh cao - yếu tố chủ chốt trong các sách Toward a Psychology of Being và Farther Reaches of Human Nature của Maslow. Hai ví dụ sau đây sẽ chứng minh điều này:
The Door in the Wall
Đây là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Wells, xuất bản năm 1906. Nó khắc họa trải nghiệm khó quên của một cậu bé khi vô tình mở ra một cánh cửa bí ẩn, dẫn cậu vào thế giới thần tiên diệu kỳ ngay trên đường phố London. Nhiều năm sau, khi đã là một chính trị gia đầy hoài nghi và chán chường tuổi trung niên, “cậu bé” ấy vẫn không ngừng tìm kiếm lại cánh cửa năm xưa, để được trải nghiệm cảm giác kỳ diệu ấy một lần nữa.
The Bulpington of Blup
Được xuất bản hơn 25 năm sau The Door in the Wall, The Bulpington of Blup tiếp tục kể về trải nghiệm siêu thực với thiên nhiên của nhân vật chính Theodore 16 tuổi.
Vào một buổi chiều hè, Theodore vui mừng tột độ khi chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn trên vịnh biển. Cậu cảm thấy hòa mình với thiên nhiên, với toàn bộ sự sống xung quanh. Mọi thứ dường như biến thành một thứ gì đó lớn lao hơn - một “vũ trụ của sự sống” bao trùm tâm trí cậu trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Trải nghiệm đó được Wells mô tả đầu truyện: "Đó là điều đã xảy ra với nhiều người, và cho đến ngày nay, không ai trong số họ có thể giải thích được điều đó và đặt nó vào mối quan hệ với những trải nghiệm khác. Một số người gạt bỏ nó, một số người lãng quên nó, một số người sống với nó... Đó là điều gần như không thể diễn tả - nhưng chúng ta phải cố gắng hết sức để kể lại nó."
Wells kết thúc câu chuyện bằng những dòng đầy cảm hứng: "Cậu nhìn thấy vũ trụ của mình trong suốt như pha lê, toàn vẹn, ý nghĩa và rực rỡ. Mọi thứ đều sáng tỏ và tất cả đều kỳ diệu. Sự kỳ diệu ngự trị trong bản thể sâu thẳm nhất của Theodore và bao trùm khắp xung quanh cậu.... Cậu nhận ra một cách khá rõ ràng, đây chính là thế giới vô cùng, nơi mọi thứ đều khác biệt, đẹp đẽ và đúng đắn. Đây chính là Thực tại."
Những khoảnh khắc hạnh phúc tột độ này tương đồng với lý thuyết “being-realm” mà Maslow đã phát triển. Ông nhấn mạnh rằng, trải nghiệm đỉnh cao đóng vai trò quan trọng với hạnh phúc, sự sáng tạo và sức khỏe tinh thần của mỗi người. Tôi tin chắc rằng Maslow, vốn là “fan” của thể loại sci-fi sẽ quen thuộc với những câu chuyện của Wells, và nhận ra nhiều điểm tương đồng với các trải nghiệm xuất thần của chính mình.
Năm mới 2025 đã bắt đầu, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta ôn lại những khoảnh khắc đỉnh cao của năm 2024 vừa qua. Khi ấy, bạn đang tận hưởng niềm vui một mình hay đang ở cùng ai khác? Điều gì đã khơi nguồn cho khoảnh khắc diệu kỳ ấy? Nó đã thay đổi cách nhìn của bạn về cuộc sống ra sao? Và quan trọng nhất, bạn có thể làm gì để tạo ra thêm nhiều trải nghiệm tuyệt vời và thăng hoa hơn nữa trong năm mới này?