Trần Tiến: Sáng tác là thoả mãn ý muốn đi tìm kiếm tận cùng đời sống | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 08, 2021
Sáng TạoTruyền ThôngGóc Quote

Trần Tiến: Sáng tác là thoả mãn ý muốn đi tìm kiếm tận cùng đời sống

“Người làm nghệ thuật phải biết vượt qua ảnh hưởng đám đông. Cô đơn đối diện với chính mình và chối bỏ mọi phô diễn.”
Trần Tiến: Sáng tác là thoả mãn ý muốn đi tìm kiếm tận cùng đời sống

Nhạc sĩ Trần Tiến

Đối với những người làm sáng tạo, hẳn ai cũng đã từng đi qua những trăn trở trong quan niệm về việc sáng tác. Một sản phẩm khi được sinh ra nếu không phục vụ thị hiếu công chúng thì nên vì điều gì trước hết? 

Trả lời cho câu hỏi này, mỗi nghệ sĩ sẽ có một quan điểm riêng. Với Trần Tiến - người nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, ông quan niệm rất rõ ràng về mục đích sáng tác. Ông đi bên lề những thị hiếu và xu hướng, tập trung vào sức nặng của cảm xúc, tâm hồn chính mình.

Dù là viết cho mình và về những điều chỉ mình quan tâm, nhưng không vì thế mà âm nhạc của Trần Tiến mất đi sự thân thiện với công chúng. Những bài hát của ông gần nửa thế kỷ qua vẫn được các thế hệ hát bằng sự thưởng thức và say mê. 

Sáng tác về những điều mình quan tâm trước khi hướng đến công chúng

Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Tiến là nửa thế kỷ du ca với những ca khúc làm nên tên tuổi của ông như “Mặt trời bé con", “Sắc màu", “Lá diêu bông",... Đó là chất giọng trầm cuốn hút, với phong cách biểu diễn đậm chất ngẫu hứng, lãng tử. 

Nhạc sĩ Trần Tiến trong liveshow của mình

Một người đàn ông bụi bặm, ngang tàng, thậm chí có dáng vẻ nham nhở rất đời, nhưng khi viết ra luôn là những ca từ trong trẻo, tinh tế với giai điệu dịu dàng. Trước câu hỏi khi đối diện trang giấy, người nhạc sĩ viết cho mình hay là viết cho công chúng, Trần Tiến trả lời:

"Tôi yêu công chúng nhưng tôi sáng tác về những điều mình quan tâm, chứ không phải sáng tác những gì mà công chúng muốn".

Để “không quan tâm công chúng" một cách hoàn toàn là điều không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Với Trần Tiến, muốn làm được điều này, bản thân người nghệ sĩ phải thật sự tự do trước các đề tài sáng tác.

Đơn đặt hàng hay một chủ thể nào đấy chỉ nên là cái cớ cho một ca khúc được sinh thành. Trong một chia sẻ của mình với báo chí, Trần Tiến đã thẳng thắn rằng làm người nghệ sĩ đầu tiên phải biết vượt qua ảnh hưởng đám đông. Sau đó đến nỗi khiếp sợ bản thân. Quan trọng nhất là phải biết đạp đổ những thần tượng và tự tin với con đường mình đang đi.

Nếu không phải là một người cầm bút bản lĩnh với một nội lực đủ mạnh và một văn hóa đủ rộng, hiểu biết đủ sâu thì khó có thể nhìn ra sự khác biệt của chính mình.

Công chúng - nếu nhìn rộng ra đó có thể là đám đông, là nỗi sợ, cũng có thể là cái bóng của người đi trước. Vậy nếu không quan tâm đến công chúng thì chúng ta có thể quan tâm đến điều gì? Và tại sao, ngay cả khi không quan tâm đến công chúng, những tác phẩm của người nhạc sĩ vẫn đến được gần hơn với công chúng?

Đầu tiên, phải làm nghệ thuật với trải nghiệm rất đời và thành thật với cảm xúc

Trần Tiến trước khi là một nghệ sĩ tên tuổi có chỗ đứng, ông cũng là một gã du ca trải qua đủ những long đong, cô đơn, mất mát của cuộc đời. Nhưng cũng như ông từng hát: “Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”.

Cô đơn nhiều khi là cái bóng hay thách thức với người làm nghệ thuật. Nhưng nếu biết cách hun đúc và tự trải nghiệm nó một cách không tuyệt vọng, thì tình cảm với cuộc đời và con người sẽ sâu sắc và lắng đọng hơn.

Muốn làm nghệ thuật bền bỉ phải có những trải nghiệm với đời và thành thật với cảm xúc

Để nhận ra điều này, người nghệ sĩ không thể đốt cháy giai đoạn. Với Trần Tiến, ông đã viết đủ những đề tài từ tuổi trẻ đến cuộc đời mới. Từ những thay đổi thời hậu chiến đến cả tương lai với đủ các sắc thái vui buồn của quê hương, người mẹ, người chị.

Âm nhạc chính là gương mặt đời sống của ông, không màu mè, son phấn. Chỉ có ông mới đưa những đề tài không có chút gì liên quan đến âm nhạc vào âm nhạc rất nhuần nhuyễn, và hiệu ứng một cách ngạc nhiên.

Chất bình dân trong âm nhạc của Trần Tiến được ông lý giải: “Người dân nghĩ gì thì tôi cố nói giùm họ. Tôi cố gắng làm điều gì mà mọi người nghĩ cùng với tôi. Tôi viết về những điều họ trải qua, nhưng tôi mong muốn họ bay lên khỏi cái vui buồn của thực tế để làm cái gì hay hơn, nhân văn hơn.”

Nhạc sĩ cũng là một cách hiểu khác của một người viết. Với nhiều những vật vã trong nghề, người sáng tạo phải cô đơn đối diện với chính mình, chối bỏ mọi phô diễn. Thoát ra được những mặc định đó, bạn sẽ hiểu hơn về thành công và giá trị thật sự của người nghệ sĩ.

Nếu không, hãy luôn lấy tình yêu làm giá trị cốt lõi

Khi sáng tác, Trần Tiến vốn không thích những câu hỏi quá nghiêm trọng. Ông luôn hướng đến một sự tự nhiên, hóm hỉnh hơn là lý giải cầu kỳ, khuôn thước. 

Nghệ sĩ không nên chỉ chạy theo thị hiếu nhất thời. Quan tâm đến giá trị cốt lõi, con người thì tác phẩm sẽ có độ bền theo thời gian.

Tình yêu trong quan niệm của Trần Tiến luôn là một điểm tựa không thể chối bỏ với người cầm bút. Nhiều khi ở đó sẽ có những mất mát, nhưng đồng thời cũng là chất liệu để người nghệ sĩ thăng hoa. Một người nghệ sĩ trước khi sáng tác phải học cách yêu cuộc đời trọn vẹn.

Tình yêu có thể mang đến niềm vui, nhưng nhiều khi lại là nỗi buồn tràn ngập. Mà nỗi buồn chính là nguyên cớ cho âm nhạc cất cánh.

Nghệ thuật luôn có sự phân luồng. Nếu như có những nghệ sĩ muốn khán giả hâm mộ họ như những tượng đài lung linh, thì cũng có những nhóm nghệ sĩ không xây dựng tượng đài của mình. Họ xây dựng tượng đài cho mỗi mảnh đời mà họ gặp trong đời sống bằng tình yêu. 

Đó cũng là điều làm nên sức sống bền bỉ cho âm nhạc của Trần Tiến. Vì khi nghe nhạc của ông, chúng ta ai cũng nhìn thấy mình trong đó.