Tranh cãi về trường chuyên và những suy nghĩ về việc dạy con | Vietcetera
Billboard banner

Tranh cãi về trường chuyên và những suy nghĩ về việc dạy con

Cha mẹ có nên ủng hộ con cái khi ý muốn của con trái với định hướng của cha mẹ?
Tranh cãi về trường chuyên và những suy nghĩ về việc dạy con

Nguồn: Quang Vinh/Đại Đoàn Kết

1. Chuyện gì đã xảy ra?

“Vì sao tôi không cho con học Ams?” - đó là tiêu đề của bài viết gây tranh cãi trong hơn một tuần qua của chị V.T.H trên trang cá nhân của chị. Trong bài viết này, chị lý giải tại sao mô hình trường chuyên, cụ thể là THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, không phù hợp với định hướng giáo dục của chị dành cho con.

Theo chị, cách học chú trọng vào môn chuyên của trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam bỏ qua nhiều môn học khác nên không đảm bảo kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, chị H. cho rằng môi trường tại đây quá áp lực và cạnh tranh, có thể khiến con chị phát triển theo những chiều hướng không tốt.

Do vậy, chị đã “tìm cách phá công cuộc vào Ams” của con, khiến con gái chị đã trượt trong kỳ thi chuyên. Chính điều này khiến cho nhiều người lên tiếng phản đối chị H. và quan điểm giáo dục của chị.

12jun2023image202306121612jun2023image20230612164604504png4604504png
Bài đăng của chị H. | Nguồn: Facebook V.T.H.

2. Có vấn đề gì trong cách lập luận của chị H.?

Sau khi bài đăng làm “dậy sóng” mạng xã hội, nhiều người đã thể hiện quan điểm của mình và chỉ ra những vấn đề trong cách chị lập luận và tiếp cận vấn đề. Không dừng lại ở đó, những ý kiến phản đối còn chất vấn quan điểm giáo dục của chị H.

Đầu tiên, cách lập luận của chị có nhiều điểm ngụy biện. Trong bài viết, chị H. khái quát hóa toàn bộ hệ thống trường chuyên và học sinh trường chuyên vào những điều chưa tốt mà chị thể hiện. Khi các ý kiến phản biện nổi lên, chị không đưa ra được phản hồi thích đáng mà sa đà vào việc biện luận một chiều hay công kích cá nhân.

Nhiều người cũng chỉ trích việc chỉ tước đi cơ hội của con cái và ép buộc con hành động theo ý muốn của mẹ, cụ thể là trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục. Thêm vào đó là việc bài đăng đưa ra những suy đoán có phần chủ quan và vô căn cứ về hệ thống giáo dục chuyên nói riêng và trường Hà Nội - Amsterdam nói chung - một môi trường mà cả chị lẫn con gái đều chưa từng trải nghiệm.

3. Còn bất cập nào khác trong cách giáo dục của chị H.?

Sau những tranh luận về trường chuyên, cộng đồng mạng tìm thấy một bài đăng khác của chị H. trước đó không lâu về việc phạt con thế nào cho hiệu quả. Cách phạt con của chị là gieo hy vọng rằng con chị sẽ cùng chị tham dự một đám cưới, nhưng tới ngày thì lại không cho con đi cùng với lời cảm thán: “Ui tiếc thế, đi đám cưới là thích nhất, là vui nhất, không được đi thà chết còn hơn.”

Sự việc này khiến nhiều người chỉ trích cách giáo dục của chị là lừa lọc và thao túng tâm lý cũng như cảm xúc của trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn là khi con gái chị kể lại câu chuyện này và mô tả câu nói của chị như “cả nghìn dao đâm vào lòng đứa trẻ 6 tuổi háu ăn,” thì chị H. hồ hởi cho rằng đây là hình phạt hiệu quả “mà 17 năm sau nó vẫn nhớ như in.”

12jun20233493619217889693426158669019816785499650582njpg
Câu chuyện về hình phạt của chị H. | Nguồn: Facebook V.T.H.

Bên cạnh đó, chị H. còn có một khóa học dạy giới tính cho trẻ em với những nội dung mang nặng định kiến giới. Theo chị, khóa học này có thể “rèn nam tính cho con trai.” Chị H. cũng gửi gắm tới các phụ huynh khác rằng họ phải “ý thức rõ ràng rằng con mình là con trai, mọi thứ của con cần phải rõ nét nam tính ngay từ đầu.”

Những chia sẻ này của chị H. làm nhiều người ngỡ ngàng vì cách mà nó củng cố lại những định kiến giới vốn đã bị phủ nhận, thông qua hình thức của một khóa học. Họ cho rằng những kiến thức mà chị chia sẻ là phản giáo dục, trói buộc trẻ em vào những khuôn mẫu giới, cũng như tạo ra những định kiến và sự phân biệt.

Điều khiến cho cộng đồng còn ngỡ ngàng hơn là việc chị H. tự nhận mình là Tiến sĩ và Chuyên gia giáo dục, nhưng lại đưa ra những tri thức và phương pháp nuôi dạy trẻ phản giáo dục.

4. Còn tấm gương xấu nào khác trong việc giáo dục trẻ em?

Cuộc hội thoại về trường chuyên và sau đó là về việc giáo dục con cái mà chị H. khơi mào diễn ra trong bối cảnh các bạn học sinh đang và sắp bước vào kỳ thi lớp 10 hay kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đây là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của các bạn nhỏ, và sự đồng hành của cha mẹ là rất cần thiết. Tuy nhiên, những gì mà các bậc phụ huynh chia sẻ với nhau trên các hội nhóm ôn thi cho thấy rằng có những quan điểm và tư duy chưa phù hợp về việc giáo dục.

Cụ thể, nhiều bậc cha mẹ thường xuyên chia sẻ việc con mình thức tới 2, 3, hay thậm chí là 4 giờ sáng để ôn thi chuyên. Điều này đặt áp lực rất lớn lên các bạn học sinh và cả phụ huynh của các bạn, đồng thời đặt ra những định kiến lớn về việc học tập và thi cử.

Đó là một trong nhiều ví dụ về những phương pháp giáo dục chưa phù hợp của các bậc phụ huynh trong mùa thi, đặc biệt là những ai muốn con vào trường chuyên. Đối với họ, áp lực của con cái - và đôi khi là áp lực với bố mẹ - là một thứ đáng tự hào, và những sự hi sinh như đi luyện lò liên tục, thức đêm để luyện thi trở thành một thứ tiêu chuẩn để hướng tới.

5. Nhìn nhận thế nào về câu chuyện trường chuyên?

Những ý kiến chị H. đưa ra và những phản hồi mà các học sinh, phụ huynh khác đưa ra cho thấy sự phân hóa trong tâm lý giáo dục tại Việt Nam, cũng như là thái độ với hệ thống trường chuyên và mục đích của việc học.

Một thực tế mà ta thấy sau cuộc đối thoại này là tâm lý ghét trường chuyên. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng hệ thống giáo dục chuyên nói riêng và giáo dục công lập nói chung có những vấn đề cần giải quyết như vấn đề xét tuyển học bạ, bệnh thành tích, bạo lực học đường,...

Khi mà mùa thi còn chưa đi qua, có lẽ đây là một cơ hội phù hợp để các bậc phụ huynh cùng ngồi lại với các con để đối thoại về mục đích của việc học, định hướng giáo dục cho tương lai. Đây cũng là một dịp tốt cho các nhà quản lý giáo dục đánh giá lại chương trình giáo dục hiện tại để đưa ra những phương án hoàn thiện hơn trong tương lai.