Trí thông minh văn hóa – "Biết người biết ta" khi ra thế giới | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 10, 2021
Sự NghiệpVăn Hoá Đi Làm

Trí thông minh văn hóa – "Biết người biết ta" khi ra thế giới

Trí thông minh văn hóa là gì? Vì sao chúng ta cần nó để giao tiếp và làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa?
Trí thông minh văn hóa – "Biết người biết ta" khi ra thế giới

Nguồn: An Hồ @meaptopia cho Vietcetera

Vào tháng 8/2009, một gia đình ở California gọi 911 thông báo chiếc Lexus họ lái đột ngột tăng ga mất kiểm soát. Cuộc gọi trở nên viral dẫn đến một cuộc điều tra hơn 2000 vụ tai nạn tương tự liên quan đến xe của Toyota.

Hàng ngàn đơn khiếu nại được gửi đến hãng nhưng đều không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là vì quá trình ra quyết định ở các doanh nghiệp Nhật thường lâu hơn và hướng tới sự đồng thuận của các bên trước khi hành động. Trong khi ở Mỹ, không nhanh nhạy với thời gian bị coi là biểu hiện của sự thiếu quyết đoán.

Hệ quả là Toyota phải thu hồi hơn 7 triệu xe trên toàn cầu, và đích thân chủ tịch Akio Toyoda phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ. Việc Toyota phản ứng chậm với sự cố khiến hình ảnh của hãng trở nên thiếu minh bạch trong mắt công chúng Mỹ.

Ví dụ trên là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của trí thông minh văn hóa trong hợp tác toàn cầu. Nếu ban lãnh đạo Toyota Nhật nắm được khác biệt văn hóa giữa 2 nước, có thể họ đã đưa ra hướng giải quyết khác giúp công ty tránh khỏi khủng hoảng. Vậy chúng ta cần làm gì để phát triển trí thông minh văn hóa?

Trí thông minh văn hóa là gì?

Trí thông minh văn hóa (cultural intelligence) là thuật ngữ chỉ khả năng làm việc và giao tiếp hiệu quả trong môi trường giao thoa giữa hai hoặc nhiều nền văn hóa khác nhau. Bạn có thể xác định trí thông minh văn hóa của bản thân qua các dấu hiệu sau:

  • Bạn luôn tò mò về cuộc sống ở những đất nước khác. Vì vậy, bạn hứng thú tìm hiểu các nền văn hóa khác và nghe tin thời sự quốc tế. Bạn thích giao lưu và lắng nghe những trải nghiệm của người nước ngoài.
  • Bạn chuẩn bị kỹ càng trước khi xuất cảnh hoặc làm việc với người nước ngoài. Bạn tìm hiểu kỹ văn hóa và phong tục tập quán để hạn chế sốc văn hóa khi thực hiện.
  • Khi tiếp xúc quan niệm trái ngược với điều bạn biết, bạn thể hiện sự cởi mở và thấu hiểu thay vì phán xét nó. Nếu cần thiết, bạn chủ động điều chỉnh lời nói và hành vi cho phù hợp với văn hóa nước sở tại.
  • Bạn không áp người khác vào khuôn mẫu (stereotype): Đây là thiên kiến ghi nhận thành viên của một nhóm xã hội có những đặc điểm nhất định, có thể không cụ thể và thiếu chính xác khi áp dụng vào cá nhân. Tránh được điều này sẽ giúp bạn ngăn chặn việc hình thành những định kiến hạn hẹp khi tương tác trong môi trường đa văn hóa.
title21oct2021intext02jpg 21oct2021intext02jpg
Trí thông minh văn hóa là khả năng làm việc và giao tiếp hiệu quả trong môi trường đa văn hóa.

Thuật ngữ này liên quan mật thiết đến cross-cultural competence (những hiểu biết, kỹ năng và động lực giúp thích nghi với môi trường đa văn hóa). Sau này thuật ngữ được mở rộng thành một dạng trí thông minh có thể phát triển và đo lường được.

Làm sao để đo lường trí thông minh văn hóa?

Cụm từ này được đưa ra lần đầu bởi Christopher Earley, Soon Ang và Linn Van Dyne năm 2003 trong cuốn sách "Cultural Intelligence: Individual Interactions Across Cultures".

Đến năm 2015, nhà khoa học xã hội David Livermore tiếp tục nghiên cứu mở rộng khái niệm trên trong cuốn sách "Leading with Cultural Intelligence". Theo Livermore, có 4 yếu tố cấu thành trí thông minh văn hóa, đó là: động lực, hiểu biết, chiến lược và hành động:

title20oct2021cq2jpg 20oct2021cq2jpg

Vì sao trí thông minh văn hóa quan trọng?

Sự nhạy bén về khác biệt văn hóa giúp chúng ta tránh được những hiểu lầm không đáng có khi tương tác với người đến từ nền văn hóa khác, bất kể trong công việc hay cuộc sống.

Chưa cần đến khủng hoảng tầm cỡ như Toyota, thiếu hiểu biết văn hóa trong giao tiếp thông thường đã có thể khiến bạn gặp rắc rối. Một ví dụ đơn giản hơn là việc giơ ngón cái.

Với người Việt và nhiều dân tộc khác là biểu hiện thích thú và khen ngợi. Tuy nhiên nếu làm điều này trước mặt người Hy Lạp, Nga và một số nước Tây Phi, bạn đã vô tình xúc phạm họ rồi đấy. Vì ngón cái ở các nước này tương đương với ngón giữa ở nước ta.

title21oct2021intext01jpg 21oct2021intext01jpg
Trí thông minh văn hóa giúp ta tránh được những hiểu lầm không đáng có khi giao tiếp với người đến từ nền văn hoá khác.

Bên cạnh đó, người có trí thông minh văn hóa có khả năng thu hẹp khoảng cách văn hóa trong tổ chức họ làm việc. Theo Forbes, những người này có thể kết nối tốt đồng nghiệp trong và ngoài nước, hạn chế các cú sốc văn hóa trong quy trình giao tiếp. Nhờ khả năng học hỏi từ môi trường đa dạng văn hóa, họ có tiềm năng sáng tạo cao, giúp thúc đẩy sự đổi mới trong doanh nghiệp. Họ cũng dễ dàng tạo sự tin tưởng với khách hàng hay đối tác nước ngoài.

Làm sao xây dựng trí thông minh văn hóa

Khác với IQ do yếu tố di truyền quyết định tới 50%, trí thông minh văn hóa là sản phẩm của môi trường sống và giáo dục. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tự rèn luyện trí thông minh văn hóa cho chính mình bằng các cách sau đây:

  • Đọc sách, xem phim, tìm hiểu các nguồn tài liệu về các nền văn hóa trên thế giới.
  • Tham gia các cộng đồng expat ở địa phương và xin trao đổi ngôn ngữ với người nói thứ tiếng bạn học. Bạn có thể để ý cách họ dùng ngôn ngữ cơ thể, tông giọng một cách tự nhiên mà giáo trình chuẩn hóa không thể hiện được.
  • Tích cực trò chuyện cùng người bản xứ, tìm hiểu văn hóa, tập quán khi có dịp du lịch nước ngoài.
  • Viết lại nhật ký sau mỗi trải nghiệm khác biệt văn hóa với các câu hỏi: Trải nghiệm đó như thế nào, nó ảnh hưởng đến cách bạn nhìn thế giới ra sao, bạn rút ra được kinh nghiệm gì. Theo thời gian, bạn sẽ tự nhìn ra xu hướng suy nghĩ và hành động của mình trong các trải nghiệm đa văn hóa, từ đó điều chỉnh hành vi theo bối cảnh phù hợp.