Trò chuyện với Trần Thanh Huy: ‘Luôn trong trạng thái phải sáng tạo!’ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 02, 2024
Điện Ảnh

Trò chuyện với Trần Thanh Huy: ‘Luôn trong trạng thái phải sáng tạo!’

Những chia sẻ từ đạo diễn series Đi Về Phía Lửa hé lộ một trường quay luôn rực lửa tình tiết và lửa nghệ thuật.
Trò chuyện với Trần Thanh Huy: ‘Luôn trong trạng thái phải sáng tạo!’

Nguồn: K+

Lần đầu tiên làm phim nhiều tập cũng là dịp để anh Trần Thanh Huy thành thạo các cách bảo vệ bản thân nhỡ lửa dữ hoành hành. Một điều anh nhấn mạnh: lý do khiến con người tử nạn trong hỏa hoạn thường không phải là lửa mà là khói. Vì thế, khi có thể, chúng ta phải luôn di chuyển để tìm ra cơ hội sống.

Anh nói: “Mình phải luôn đi thật thấp là cái thứ nhất, và thứ hai là mình nên chạy về hướng mình đã xác định từ đầu và chạy thật nhanh.”Hành động chạy về đích ấy lại tương đồng với phong cách kể chuyện ưa thích của anh Huy mà giới mộ phim và giám khảo tại các liên hoan phim tầm cỡ từng được thấy trong Ròm vào năm 2019–2020.

Tuy Đi Về Phía Lửa sở hữu khuôn khổ sản xuất và trình chiếu khác với Ròm, và sẽ đậm chất Việt hơn phiên bản gốc từ Đài Loan là Nước mắt của Hỏa Thần (Tears on Fire), anh Huy tin rằng 10 tập phim về bốn người lính cứu hỏa trẻ (Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Hồ Thu Anh và Xuân Phúc thủ vai) sẽ đủ “động” để thu hút khán giả từ mùng 3 Tết trên nền tảng K+.

Tôi có dịp gặp anh Huy ở ngưỡng cửa giao thừa trong không gian sáng tạo Genesi mà anh đang xây dựng để tìm hiểu thêm về quá trình thực hiện series và nỗ lực của ê kíp để khiến Đi Về Với Lửa trở thành lý do nhiều màn ảnh nhỏ bùng sáng.

Đi Về Phía Lửa hứa hẹn những gì mới mẻ cho "sân chơi" miniseries?

Nhiều người vẫn nghĩ đối tượng người xem chính của các miniseries là những người nội trợ. Do ý muốn là để người xem có thể tiếp tục làm việc nhưng vẫn hiểu nội dung, các nhân vật thường hay nói và diễn biến tình tiết gì cũng sẽ dùng thoại. Đây là một quan điểm cũ!

Vậy quan điểm mới là gì? Phim là phải ra phim. Những series trên Netflix như Narcos hay Money Heist chẳng hạn, vẫn có chất điện ảnh đó thôi. Khi không thể giải quyết bằng hình ảnh hay âm thanh thì mình mới dùng thoại. Thêm nữa là nếu cứ nói, nói, nói, thì phim chúng ta sẽ không có nhịp điệu, lúc cao trào, lúc tĩnh lặng. Mục đích chính là làm sao để người xem xem phim!

Nếu miniseries là điện “ảnh” chứ đâu phải điện “thoại,” vậy chất điện ảnh nằm ở đâu?

Đầu tư cho miniseries hiện nay không phải ít, nhưng mình phải hiểu cách thể hiện nó chỉ khác nhau do kích cỡ màn hình. Ngày nay, khán giả xem phim tại nhà sẽ đầu tư một rạp chiếu phim tại gia, một màn hình chiếu to thay vì TV thùng rồi.

18feb2024dvpl1jpg
Nguồn: K+

Trên màn ảnh lớn, có thể khán giả sẽ thấy được lông tơ sợi tóc mà phương tiện phát sóng miniseries sẽ không thấy. Cho nên mình chú trọng đến nhịp điệu, sự tương tác của nhịp điệu. Chất điện ảnh của miniseries là ở đó đó.

Hôm qua xem tập 10 của Đi Về Phía Lửa, mình rất thích là vì có rất ít thoại. Một miniseries mà làm được tập phim như thế thì vui lắm!

Làm một bộ phim về lửa, anh “chỉ đạo diễn xuất” nguyên tố này như thế nào?

Tất nhiên là khi làm là mình biết là sẽ khó khăn rồi, và mình cần phải vận dụng hết nội lực để biết khi nào làm thật được, khi nào “ăn gian” được (cười).

Như tập phim có vụ cháy trong quán karaoke, nó cháy là cháy ngầm. Khói sẽ nhiều hơn lửa. Khi quay thì không được đốt, cho nên mình sẽ phải dùng kỹ xảo. Nhưng khi đó thì mình phải biết cân bằng giữa cái thật và cái không thật, và dùng cái không thật, kỹ xảo cho đúng lúc và vẫn giữ đúng tinh thần bối cảnh.

Xuyên suốt quá trình làm phim, mình phải đặt sự an toàn của đoàn lên hàng đầu. Vì thế, khi làm việc với bên phòng cháy chữa cháy, mình nói với họ là muốn làm một bộ phim có cảm giác thật, cho nên cần lên phương án bảo vệ nếu như đoàn làm phim có cảnh cần đốt. Và họ luôn có phương án.

Như cảnh cháy chiếc xe gặp nạn ở đường đèo, lúc làm xe cháy thì mình đưa diễn viên ra rồi sau đó đốt xe. Chiếc xe cứu hỏa dùng trong đoạn này vừa là đạo cụ và vừa là phương tiện chữa cháy luôn. Trong lúc họ chữa cháy có thể mình sẽ vào quay luôn.

18feb2024dvpl2jpg
Nguồn: K+

Mình có nói là “sẽ có một lúc chiếc xe cháy hết luôn đó anh,” thì họ nói “em đốt đi, anh chơi!” (cười). Nhưng dù tinh thần quay của mình là "người thật việc thật," những thủ thuật mình dùng để gợi nó lên thì cần ngôn ngữ điện ảnh thật sự.

Ngoài các đám cháy, anh đã phát triển “lửa trong cuộc sống” của các nhân vật thế nào?

Mình phải thấy là khi gỡ bỏ đồng phục thì họ vẫn là con người thôi, có gia đình, những nỗi lo toan, phải mưu sinh, đấu tranh nội tâm trong nghề.

Khi làm việc với Đội Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ PC07 và công an, mình thấy họ cũng nói chuyện giống mình, đi ăn uống với mình, ai cũng rất là gần gũi và bình thường. Cho nên mình thấy nên làm mọi chuyện bình thường lại. Họ đâu phải là thần thánh.

Anh xây dựng nhân vật Thanh Hà thế nào trong một lĩnh vực quen thuộc với “anh/chú lính cứu hỏa?”

Theo kịch bản ban đầu thì nhân vật Thanh Hà (Hồ Thu Anh) rất mờ. Anh nghe đâu bên phiên bản gốc nhân vật này cũng thế. Thật ra mình đã cho Hồ Thu Anh một bài toán rất khó, nó yêu cầu phải thâm nhập vào nhân vật một cách sâu sắc.

18feb2024dvpl6jpg
Nhân vật Thanh Hà. | Nguồn: K+

Trong lúc xây dựng Thanh Hà thì anh đến với quyết định là cô sẽ có yếu tố “cha truyền con nối” — ba của cô cũng là lính cứu hỏa và mẹ cô thì đang bệnh. Cô sẽ luôn có động lực trở thành một người lính cứu hỏa giỏi. Mình xác định rõ ràng là cô vẫn còn tính nữ — vẫn mềm mại, có tình yêu — thế nhưng cô cũng sẽ có những kỹ năng riêng và vẫn rất “chiến” ở ngoài thực địa.

Mỗi nhân vật chính sẽ là trọng tâm, là chính của từng tập, mình phân ra như thế. Thanh Hà sẽ là trọng tâm của một tập. Sẽ có một tập là về cả đội.

Xem ra anh đã đầu tư rất nhiều năng lượng làm series này?

Việc làm đạo diễn nằm trong máu của mình. Trong thước phim hậu trường Đi Về Phía Lửa thì có bạn quay được mình lúc ngủ trên trường quay (cười). Nhưng trong những giấc ngủ đó có một sự tưởng tượng, mình đang liên kết lại tất cả những cảnh quay. Ngủ không có nghĩa là não mình không chạy.

Lúc sáng tạo phim Ròm cũng thế. Mình viết được vài chữ gì đó rồi chìm trong giấc ngủ, rồi mình sẽ mở mắt viết tiếp. Mình nghĩ mình ngủ trong trạng thái tỉnh đó, thấy mình luôn trong trạng thái phải sáng tạo! Phải, phải, phải sáng tạo!