Nghịch lý tháng phim đầu năm: Việt Nam tranh giành, Hollywood ruồng bỏ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 02, 2024
Điện Ảnh

Nghịch lý tháng phim đầu năm: Việt Nam tranh giành, Hollywood ruồng bỏ

Giai đoạn đầu năm là lúc Hollywood “xả hàng tồn kho”, nhưng đối với phim Việt, đó lại là một miếng bánh béo bở.
Nghịch lý tháng phim đầu năm: Việt Nam tranh giành, Hollywood ruồng bỏ

Nguồn: VnExpress; The Movie Database

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua được đánh giá là một mùa đột phá của thị trường phim Việt. Bộ phim Mai của Trấn Thành đạt kỷ lục phòng vé, vượt mốc doanh thu 350 tỷ đồng chỉ sau một tuần ra rạp. Gặp Lại Chị Bầu của đạo diễn Đoàn Nhất Trung cũng thu về hơn 60 tỷ, và hiện đang xếp “top 1” trong danh sách phim chiếu rạp của CGV.

Tạm gác lại những lùm xùm về nghi vấn ưu ái suất chiếu, hay cả vấn đề về chất lượng, có thể thấy rõ thời điểm năm hết Tết đến là giai đoạn mà nhiều bộ phim Việt bước vào cuộc đua để thống trị phòng vé.

Điều này lại trái ngược hoàn toàn với thị trường phương Tây, khi thời điểm tháng Một và Hai vốn luôn bị các ông lớn tại Hollywood hắt hủi.

“Dump months”: Tháng thải phim của Hollywood

Gần 5 thập kỷ nay, tại Hollywood vẫn tồn tại một khái niệm mang tên “dump months”, dùng để chỉ hai tháng Một và Hai. Bắt nguồn từ cụm từ “dumping ground”, thuật ngữ này ám chỉ giai đoạn đầu năm là bãi đổ rác của các xưởng phim Mỹ.

Từ năm này qua năm khác, đó luôn là khoảng thời gian ra rạp của những bộ phim hoặc “lỗ chổng vó” tại phòng vé, hoặc bị giới phê bình trù dập không thương tiếc.

alt
Điểm Rotten Tomatoes trung bình theo từng tháng của các bộ phim ra rạp từ 2010-2013 | Nguồn: Vox

Không phải ngẫu nhiên lại có khoảng thời gian lạ lùng này. Ngày công chiếu phim vốn luôn được lựa chọn kỹ lưỡng để mang lại hiệu quả tối đa cho tác phẩm, và sự xuất hiện của “dump months” tới từ nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên, hai tháng Một và Hai tới ngay sau mùa phim bom tấn và tranh giải. Ngoài mùa hè vốn mặc định là đất diễn của bom tấn, giờ đây các studio còn cho ra mắt những tác phẩm kinh phí cao vào giai đoạn nghỉ lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và năm mới, nhằm tận dụng triệt để tinh thần “ăn chơi nhảy múa” của người dân.

Thời điểm cuối năm cũng là lúc các hãng phim tung hết những “át chủ bài” để bước vào mùa tranh giải. Theo yêu cầu của Oscar và Quả cầu vàng, những bộ phim muốn được đề cử cần phải ra rạp muộn nhất vào đầu hoặc giữa tháng Mười một.

Có nguyên cả năm để công chiếu, nhưng do một hiệu ứng mang tên “recency bias” cho rằng con người chúng ta luôn có xu hướng thiên vị những thứ mới trải nghiệm hơn, các hãng phim sẽ luôn chờ đến sát ngày “chốt đơn” đề cử để công chiếu những tác phẩm hay nhất, để hội đồng chấm giải nhớ và có cảm tình với bộ phim hơn.

Và ngay sau khi danh sách đề cử được công bố, các hãng phim sẽ dồn toàn bộ nguồn lực để quảng bá và mở thêm suất chiếu, để tiếp tục lấy lòng khán giả và giới phê bình.

Thời điểm cuối năm, vì lý do này, trở thành một giai đoạn quý giá đối với các studio tại Hollywood, và dĩ nhiên họ sẽ không muốn các bộ phim “kém cửa” hơn chiếm sóng những “cần câu cơm” bom tấn và tác phẩm tranh giải.

alt
Lễ trao giải Oscar và Quả cầu vàng tác động lớn đến kế hoạch phát hành của các hãng phim | Nguồn: Vanity Fair

Thói quen tiêu tiền cũng là một lý do khác dẫn tới hiện tượng “dump months”. Sau một dịp nghỉ lễ đã ăn chơi “tới bến”, phần lớn công chúng Mỹ sẽ có thói quen tiết kiệm, siết chặt chi tiêu vào khoảng thời gian đầu năm. Ngoài ra, thời tiết lạnh giá cùng những đợt bão tuyết cũng ngăn cản nhiều khán giả tiềm năng ra rạp.

Không chỉ vậy, giai đoạn đầu năm cũng là khi nền điện ảnh phải cạnh tranh trực tiếp với hàng loạt các sự kiện thể thao lớn tại Mỹ, đặc biệt là trận đấu Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ Superbowl. Đây là giai đoạn mà thể thao chiếm sóng đa số các phương tiện truyền thông, và vì vậy những bộ phim kể cả có ra rạp, cũng khó lòng quảng cáo được tới khán giả.

Vậy những bộ phim còn sót lại là gì? Đó là những tác phẩm đã bị chê tại các buổi chiếu thử; những sản phẩm chắp vá tới từ khâu sản xuất nhiều giông bão mà studio chỉ muốn “tống khứ” đi càng nhanh càng tốt; các bộ phim bị nhà sản xuất đánh giá là vô thưởng vô phạt và chỉ ra rạp vì ràng buộc pháp lý; hay những tác phẩm kinh phí siêu thấp, được biết chắc sẽ không thể lỗ quá nặng.

Tóm lại, đó là những bộ phim mà Hollywood đồng ý rằng không cần phải quảng bá, cũng không xứng đáng một ngày chiếu đẹp hơn.

alt
Cả Argylle Madame Web đều bị đánh giá thấp bởi khán giả đại chúng lẫn giới phê bình | Nguồn: The Movie Database

Song không phải bộ phim nào ra mắt trong thời điểm này cũng dở tệ hoặc “thảm bại”. Silence of the Lambs, Get Out, Black Panther hay Deadpool đều được đánh giá rất cao bởi cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Tuy nhiên khi nhìn vào năm 2024, với hai bom xịt nhận điểm cà chua thối là ArgylleMadame Web, không thể phủ nhận rằng “dump months” vẫn luôn hiện hữu.

Phim Tết: Cơ hội kiếm bạc tỷ?

Thị trường điện ảnh Việt Nam lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi lẽ như chúng ta đều biết, giai đoạn cuối tháng Một-đầu tháng Hai luôn gắn liền với cái Tết cổ truyền.

Tâm lý vui vẻ thoải mái, tinh thần rạo rực muốn đi chơi của đại đa số người dân chính là lý do khiến dịp Tết Nguyên đán trở thành thời điểm vàng để các xưởng phim Việt tung phim ra rạp. Hơn nữa giờ đây kỳ nghỉ lễ kéo dài và ngày càng có sự đổi mới, nên ngoài những tập tục truyền thống của dịp Tết, nhiều gia đình cũng đi tìm thêm cả sự giải trí ở các quán xá, rạp phim.

alt
Nếu Mai đại thắng thì Gặp Lại Chị Bầu về nhì trong cuộc đua phim Tết | Nguồn: Tiền Phong; CGV Cinemas Vietnam

Có thể thấy rõ những bộ phim Tết thành công nhất của Việt Nam với doanh thu trên 100 tỷ đồng, đa phần là những tác phẩm tình cảm hài hước, đánh vào nhu cầu tìm kiếm sự giải trí nhẹ nhàng của khán giả dịp đầu xuân năm mới.

Song bên cạnh đó, một số bộ phim, đặc biệt là bộ ba tác phẩm do Trấn Thành đạo diễn gồm Nhà Bà Nữ, Bố GiàMai lại tập trung vào các vấn đề trong gia đình, những chủ đề bình dị gần gũi, cùng những uẩn khúc luôn hiện hữu trong xã hội Việt Nam.

Việc cả ba tác phẩm này dẫn đầu doanh thu của toàn bộ phim Việt cho thấy rất nhiều khán giả muốn ra rạp để tìm kiếm sự kết nối và chữa lành qua màn ảnh.

Nói 2024 là năm bùng nổ của phim Tết, vì ngoài Mai Gặp Lại Chị Bầu, điện ảnh Việt Nam còn xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ khác mang tên Đào, Phở và Piano.

Được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước và chỉ chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội, thậm chí cũng không có chiến dịch quảng bá ngoài buổi công chiếu tại Liên hoan Phim Việt Nam 2023, Đào, Phở và Piano lại bất ngờ trở thành cơn sốt chỉ nhờ những lời bàn tán trên mạng xã hội.

Bộ phim cháy vé trong những ngày Tết, và thậm chí nhiều người còn cho rằng lượng đặt vé online quá đông đảo đã khiến trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia bị sập nhiều ngày.

alt
Sáng ĐènTrà đều phải sớm rời đường đua | Nguồn: VnExpress

Tháng phim Tết là miếng bánh béo bở, nhưng không có nghĩa ai ăn rồi cũng sẽ no nê như nhau. Hai đối thủ còn lại của MaiGặp Lại Chị BầuSáng ĐènTrà đều phải rút lui khỏi đường đua sớm, sau những ngày chiếu đầu thu về doanh số quá hẩm hiu.

Bộ phim Sáng Đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chỉ thu về hơn 700 triệu đồng sau hai ngày công chiếu, và tới 11/2 đã được nhà sản xuất thông báo lùi lịch chiếu sang tháng Ba. Trong khi đó, Trà của đạo diễn Lê Hoàng cầm cự được thêm tới ngày lễ Valentine, nhưng sau đó cũng bị rút lịch chiếu mà chưa có ngày dự kiến tái xuất, tạm khép lại doanh thu 1.6 tỷ đồng.