Trồng bao nhiêu cây mới gây được rừng? | Vietcetera
Billboard banner

Trồng bao nhiêu cây mới gây được rừng?

Theo chân hành trình dự án “Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh” để hiểu hơn thực tế về lĩnh vực bảo tồn rừng tại Việt Nam.
Trồng bao nhiêu cây mới gây được rừng?

Nguồn: VARS

Việc trồng cây chỉ là một chi tiết nhỏ trong bức tranh bảo tồn. Một dự án “trồng cây gây rừng” đòi hỏi những kế hoạch thực tiễn, quy trình thực hiện phù hợp cho từng khu vực và sự cam kết xuyên suốt.

Cũng vì những yêu cầu trên, vẫn có nhiều dự án gây rừng còn dang dở do thiếu nguồn lực thực thi và kế hoạch rõ ràng. Vì vậy, tổ chức VARS ra đời không chỉ với mục tiêu gây rừng, mà còn cải thiện những thử thách trên.

Vietcetera đã kết nối với những chuyên gia về địa chất và bảo tồn rừng tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án VARS kết hợp với T&A Ogilvy và hỏi họ làm thế nào để xây dựng một dự án trồng rừng có tổ chức và hiệu quả lâu dài.

Đôi nét về hệ thống rừng sông Gianh

Trước đây, khu vực thượng nguồn sông Gianh được bao phủ bởi hệ thống rừng rậm nhiệt đới đa tầng, đa tán với nhiều nguồn gen quý đặc trưng của miền trung Việt Nam. Các loài cây gỗ bản địa là Lim, Dỗi, Táu, Vàng Tâm, Lát, Cồng, Gáo vàng. Đây đều thuộc những loài gỗ chất lượng cao.

Trong những năm 90, những loài cây này trở thành tâm điểm của việc khai thác và buôn bán gỗ để phát triển kinh tế. Hệ thống rừng đặc trưng đã dần bị thay thế bởi hệ thống đơn loài (rừng keo, thông hay cao su). Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sinh kế của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chứt, hay còn gọi là Mã Liềng.

vars-1
Đầu nguồn sông Gianh, địa điểm khởi công. | Nguồn: VARS

Rừng suy giảm cũng khiến thảm thực vật dần mất đi. Khả năng hấp thụ nước và cản dòng chảy của rừng, đất rừng cũng suy giảm. Điều này khiến rừng không thể ngăn nổi thuỷ chế thất thường của sông Gianh, không thể bảo vệ dân cư vùng trung và hạ lưu sông.

Nhận thấy vấn đề, VARS cùng các chuyên gia bảo tồn, bảo vệ và phát triển rừng đã tổ chức các cuộc đánh giá tổng thể và xây dựng dự án “Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh.”

Nỗ lực từ những hecta đầu tiên

Mục tiêu của dự án là cùng địa phương trồng 1,000 hecta rừng bằng cây bản địa đã kể ở trên. Những loài cây này có thể thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn của khu vực, đã được tự nhiên chọn lọc theo thời gian.

Ngày 21 tháng 3 năm 2021, với sự phối hợp của chính quyền địa phương và đơn vị đối tác CEGORN, VARS đã cùng cộng đồng người Mã Liềng tại bản Kè, xã Lâm Hóa trồng những cây đầu tiên tại 8.3 hecta rừng cộng đồng của bản.

vars-2
Ngày 21 tháng 3 năm 2021 — ngày Quốc tế trồng rừng, dự án “Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh” khởi động. | Nguồn: VARS

Cây được trồng vào thời điểm nhiệt độ không quá cao, trời mưa, cây giống tốt. Vào mùa hè, khi nắng nóng gay gắt, việc trồng cây bị gián đoạn. Thời gian đó, đội chuyên gia và kỹ thuật tiến hành khảo sát, đánh giá và thực hiện các thủ tục cần thiết đối với những khu vực mới.

Các cây cũng bắt đầu phát triển dù đang trải qua mùa hè khô hạn, nền nhiệt cao có khi lên tới 42 độ C. Để đạt được tỉ lệ sống và duy trì sự phát triển của cây, đó là kết quả của trách nhiệm và nỗ lực của cộng đồng và các bên liên quan. Đồng thời, dự án cũng thể hiện sự chính xác trong quá trình đánh giá của nhóm chuyên gia, kỹ thuật.

vars-3
Sau 4 tháng triển khai và sau hơn 2 tháng hoàn thành trồng rừng trên diện tích này, tỉ lệ cây sống lên đến 93%. Tỉ lệ này cao so với quy định trồng rừng của ngành lâm nghiệp 85%. | Nguồn: VARS

Các bên đều cố gắng nên quá trình này cho tới nay diễn ra khá nhanh. VARS cấp giống, hỗ trợ người dân chi phí để phát dọn thực bì, đào hồ, trồng và chăm sóc rừng trong 3 năm đầu — thời kỳ quan trọng nhất cho cây phát triển. Người dân tự nguyện đăng ký diện tích, góp công sức bảo vệ chính tài sản của họ. Địa phương và ngành kiểm lâm phối hợp quy hoạch khu vực trồng, giám sát và hỗ trợ quá trình.

Nụ cười trên môi những người con của rừng

Người Mã Liềng là những người đầu tiên mà VARS chọn để đồng hành. Người Mã Liềng là một trong hai dân tộc còn nói ngôn ngữ gần Việt cổ. Từ thời xưa, họ bỏ vùng đồng bằng và vào những khu rừng núi sâu sinh sống. Cuộc sống của họ gắn liền với rừng và là hiện thân của những nếp sống Việt cổ.

Mỗi khi có việc rất cần tới gỗ, họ đều phải xin chủ xứ, xin bản, xin thần rừng trước khi đốn hạ cây. Với họ, mỗi cây là một hiện thân của sự sống. Những cây lớn là nơi trú ngụ của thần núi, thần rừng. Phá rừng giống như lấy đi một phần cuộc sống của người Mã Liềng. Vì vậy, khi nghe về dự án, các chủ rừng đã đồng ý ngay.

vars-4
Già Dụng, một người già làng sau khi chứng kiến những cuộc đổi thay của cộng đồng đã nở những nụ cười và sự cảm động khi trồng những cây đầu tiên. | Nguồn: VARS

“Trồng cây bản địa, cây gỗ quý, dân bản rất cảm động, rất mừng. Bà con bản làng sẽ chăm sóc, bảo vệ khỏi trâu bò. Hi vọng sẽ có nhiều dự án hỗ trợ để trồng và chăm sóc cây bản địa về với nơi đây. Chúng tôi trồng rừng là trồng cho con cháu, chỉ mong rừng lên, tốt, không gặp lũ, sau này có gỗ làm nhà, làm bộ cấp sau khi nằm xuống.” — Già Dụng chia sẻ.

Ai cũng có thể trồng rừng

Quá trình trồng và phục hồi rừng ở Việt Nam còn diễn ra khá đơn lẻ. Ngoài các dự án trồng rừng dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước, chỉ có vài doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội nhờ vào nguồn vốn lớn. Nhiều doanh nghiệp khác muốn thực hiện nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

VARS cũng mong muốn thấy nhiều nhóm bạn trẻ bắt đầu những dự án trồng và phục hồi rừng của riêng mình. Điều này không quá khó nếu các bạn làm đúng quy trình và hết tâm sức, trách nhiệm của mình.

Nhưng trồng rừng là việc không chỉ một người hay một nhóm người có thể thực hiện được. Các dự án cũng cần tìm kiếm hỗ trợ từ tổ chức có kinh nghiệm tại địa phương, sự đồng thuận của cộng đồng, chính quyền địa phương. Dự án cũng cần phải công khai, minh bạch và xây dựng chuyên nghiệp, đảm bảo hiệu quả.

“Bảo tồn rừng đòi hỏi sự chung tay”

VARS đã trồng thành công 8.3 hecta rừng đầu tiên cùng người Mã Liềng. Ngoài sự đồng hành của người dân, dự án còn nhận được sử ủng hộ rộng rãi từ các nghệ sĩ, người ảnh hưởng trong chiến dịch kêu gọi “Góp một cây để có rừng.” Và đặc biệt nhất là hành động góp cây từ những người yêu thiên nhiên.

vars-5
Dự án còn nhận được sử ủng hộ rộng rãi từ các nghệ sĩ, người ảnh hưởng trong chiến dịch kêu gọi “Góp một cây để có rừng.” | Nguồn: VARS

Ông Ngô Văn Hồng, chuyên gia Quản lý Tài nguyên rừng chia sẻ: “Bảo tồn rừng, hay trồng cây gây rừng, là nỗi niềm đau đáu của những người yêu rừng và nghiên cứu về rừng. Bảo tồn rừng là bảo vệ sự sống của mỗi người, để sau này ta có thể hít thở thật sâu trong không khí trong lành giữa thành phố. Bảo tồn rừng là bảo vệ sự tồn vong của những nền văn hóa thiêng liêng của đồng bào sống cùng rừng, ví như người Mã Liềng.”

“Nhưng bảo tồn rừng đòi hỏi sự đồng lòng và hỗ trợ chung tay của tất cả mọi người. Mỗi người góp một cây, chia sẻ và lan tỏa tình yêu rừng, yêu thiên nhiên với những người quanh ta sẽ giúp cho những bản tình ca bất hủ trên đại ngàn luôn ấm áp.”

Không biết thực sự cần bao nhiêu cây để có được rừng. Nhưng chắc chắn, rừng cần nhiều sự quan tâm và hành động thực tế. VARS và các bên phối hợp sẽ tiếp tục sứ mệnh gây rừng.

Nếu bạn muốn cùng “góp một cây gây rừng, hãy kết nối với VARS tại đây.