Trong thời đại “cuồng” năng suất, vì sao chúng ta nghỉ ngơi? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
05 Thg 06, 2021
Triết Học

Trong thời đại “cuồng” năng suất, vì sao chúng ta nghỉ ngơi?

Bạn có nghỉ ngơi chỉ để gia tăng năng suất lao động?
Trong thời đại “cuồng” năng suất, vì sao chúng ta nghỉ ngơi?

Nguồn: Pexels

Amazon nổi danh nhờ việc ông chủ của nó - tỷ phú Jeff Bezos - giữ vị trí giàu nhất thế giới trong nhiều năm. Tập đoàn này cũng được mọi người biết đến như là nơi có tình trạng bóc lột người lao động thậm tệ.

Phải chăng tập đoàn này giàu có đến vậy là do Amazon đã sợ bỏ phí năng suất lao động đến nỗi nhân công ở các kho hàng không có đủ thời gian nghỉ ngơi để đi vệ sinh một cách đàng hoàng? Họ đi nhẹ vào chai nhựa và đi nặng vào túi nilon.

Với đồng lương quá ít ỏi, người lao động của tập đoàn có trị giá 1.6 tỷ tỷ đô phụ thuộc vào chương trình phiếu thực phẩm (Food Stamps) và Bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp (Medicaid) để sống sót.

Thay vì cung cấp cho nhân công của mình một mức lương đủ sống, vào ngày 17/05/2021, chương trình “vì công nhân” WorkingWell của Amazon trợ giúp người làm của mình “thiền chánh niệm” trong giờ nghỉ để “sạc và tái tạo năng lượng”.

Tập đoàn xây dựng những chiếc hộp bé xíu tên là AmaZen để tạo không gian riêng tư cho nhân công. Bên trong chiếc hộp là một chiếc máy tính hướng dẫn người dùng cách “hồi phục sức khoẻ tâm lý và thực hành chánh niệm”.

Cây bút Sarah Jones của tờ Intelligencer phải thốt lên trước nước đi mới nhất của Amazon: “Đây giống như một tập trong Black Mirror”.

amazon
Hộp AmaZen giúp nhân công kho bãi của Amazon thiền chánh niệm | Nguồn: Amazon

Điều tôi để ý ở nhiều người bạn xung quanh mình là trong công việc, họ cũng đối xử với bản thân tương tự như cách Amazon đối xử với người làm của mình. Họ coi trọng sức lao động đến nỗi mỗi lần nghỉ ngơi, họ cảm tưởng như thể mình đang làm lãng phí thời gian một cách oan uổng.

Thậm chí, những lúc rảnh rỗi vì đã hoàn thành xong hết công việc, họ cũng có cảm giác mình đang lười biếng và tìm thêm công việc để làm.

Gần đây, khái niệm “nghỉ ngơi năng suất (productive leisure)” nổi lên như thể cứu cánh cho những người nghiện công việc. Khái niệm này cổ vũ những cách nghỉ nhưng vẫn tạo ra năng suất.

Trong lúc nghỉ ngơi, bạn có thể viết blog truyền cảm hứng, làm vườn để ra tăng sự sáng tạo, học những kỹ năng mới cho công việc, hay ngồi thiền để “buff năng lượng” cho lúc làm việc.

Đối với tôi, “nghỉ ngơi năng suất” là một trong nhiều cách Chủ nghĩa tư bản hiện đại xâm chiếm thời gian nghỉ ngơi của bạn.

Chủ nghĩa tư bản đã “chiếm” thời gian nghỉ ngơi của chúng ta ra sao?

tư bản
Bộ não thư giãn trong “chánh niệm” | Nguồn: Wikimedia Commons.

Chưa cần phải đọc sách của Karl Marx và Friedrich Engels, hai triết gia tiên phong trong việc phê phán Chủ nghĩa tư bản, chúng ta cũng mường tượng được thứ chủ nghĩa này bóc lột lao động của con người ra sao, dù chúng ta đang trong ngày làm việc hay đang trong ngày nghỉ.

Trong Chủ nghĩa tư bản, công việc kiếm tiền được đặt vào trọng tâm cuộc sống của chúng ta. Con người trở thành một cỗ máy sản sinh năng suất lao động. Trong nền kinh tế tiêu thụ ở thời điểm hiện tại, lao động tồn tại ở hai dạng thức: sản xuất và tiêu thụ.

Hiểu một cách đơn giản, để nền kinh tế tư bản tăng trưởng, guồng máy sản xuất hàng hoá phải gia tăng quy mô theo thời gian. Điều này yêu cầu một tập đoàn kinh tế làm hai việc song song: Thu hút thêm khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình, và sản xuất thêm nhiều sản phẩm hơn nữa.

Là những người tham gia trực tiếp vào nền kinh tế, chúng ta được kỳ vọng chăm chỉ sản xuất hàng hoá, và trở thành khách hàng của chính những sản phẩm tiêu dùng do ta và những người như ta tạo ra. Thời gian nghỉ ngơi đang biến thành thời gian tiêu thụ hàng hoá.

Hãy thử nghĩ về một ngày chủ nhật đẹp trời, bạn làm vườn tại nhà với hy vọng xả stress sau một tuần làm việc mệt mỏi và gia tăng sự sáng tạo cho tuần làm việc mới. Bạn lên mạng đọc bài truyền cảm hứng của những blogger làm vườn nổi tiếng và dành hàng giờ ngắm nghía lựa chọn một chiếc chậu cây phù hợp trên ebay.

Bạn có thể không phải người sản xuất ra chiếc chậu cây xinh xắn trên Ebay. Bạn có thể là một người làm trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng nghề nghiệp hoặc làm tiếp thị cho một trung tâm dạy thiền.

Cùng trong ngày chủ nhật đẹp trời đó, người công nhân sản xuất chiếc chậu cây trên rất có thể đang đi học thêm khóa kỹ năng nghề nghiệp của bạn, hoặc chăm chú ngồi xem video chánh niệm với tiếng nước chảy róc rách, hy vọng rằng mình được “buff” đủ năng lượng cho tuần làm việc kế tiếp.

Bạn chỉ là một trong hàng trăm triệu người trên thế giới thực hiện “nghỉ ngơi năng suất” trong ngày chủ nhật. Tổng hòa của hàng trăm triệu sự nghỉ ngơi “chăm chỉ” này chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế tư bản. Trả giá cho sự tăng trưởng này, phải chăng mọi hoạt động thường nhật trong đời sống của chúng ta, kể cả sự nghỉ ngơi, đã bị quy về lợi ích kinh tế?

Tôi không bảo rằng “nghỉ ngơi năng suất” sẽ gây khó chịu hoặc phiền toái cho chúng ta. Thậm chí chính tôi cũng thoải mái khi được dành thời gian làm điều gì đó có giá trị cho cuộc sống trong thời gian rảnh rỗi của mình.

Điều tôi lo sợ là sự thoải mái khi “nghỉ ngơi năng suất” dễ làm ta có tâm lý cho qua và không giải quyết triệt để những bất công trong công việc. Một trong những bất công dễ thấy nhất là bị ép năng suất ngày qua ngày, gây cảm giác lo sợ và bất an thường trực.

Nỗi ám ảnh mang tên năng suất

work
Người trẻ hiện đại phải ba đầu sáu tay trong công việc. Nguồn: Thrive Global

Đối với người trẻ chúng ta, lý do đầu tiên cho việc lựa chọn một công việc xuất phát từ niềm yêu thích. Nhưng “làm vì đam mê” không phải cốt lõi của việc duy trì một công việc. Tôi và bạn cần kiếm đủ thu nhập cốt để nuôi sống bản thân.

Là một người làm việc có kỷ cương và trách nhiệm, chúng ta muốn chất lượng lao động của mình tốt nhất có thể. Chất lượng ấy chưa chắc đã trùng khớp với năng suất. Làm việc nhiều hơn không phải là làm việc tốt hơn.

Và quan trọng hơn cả, gia tăng năng suất làm việc có thể không đến từ ham muốn cá nhân trong công việc của chúng ta, nó là ham muốn của người sở hữu lao động.

Dưới vô vàn áp lực, chúng ta đã đánh đồng ham muốn cá nhân và yêu cầu của chốn làm việc vào làm một. Trong cơn “cuồng năng suất”, ta đã quên mất quyền lợi được trả đủ lương cho một cuộc sống chất lượng, quyền lợi được có một môi trường làm việc lành mạnh, và quyền lợi được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của nó.

Hãy nhớ, chủ lao động không trả thêm chi phí để chúng ta “nghỉ ngơi năng suất” vào những ngày cuối tuần. Việc ta “buff” được thêm bao nhiêu năng lượng vào lúc rảnh không quyết định ta có được tăng lương hay không.

Nhưng có một điều chắc chắn đã xảy ra: Ta tự bỏ tiền túi để mua thêm sự năng suất. Số tiền đó nhẽ ra phải được chi trả bởi người chủ lao động.

Như vậy, “nghỉ ngơi năng suất” đang đẩy rất nhiều vấn đề nhẽ ra chủ lao động phải giải quyết lên tay người lao động. Điều đó có thể được ví như thông điệp Amazon gửi gắm qua AmaZen: “Bạn chịu ảnh hưởng tâm lý bởi môi trường làm việc độc hại? Hãy ngồi thiền và tự giải quyết vấn đề của bạn!”

Vì vậy, hãy nghỉ ngơi vì chính mình…

Tôi cho rằng “nghỉ ngơi năng suất” vừa để gia tăng lợi ích cho công việc hiện tại mình đã nhận, vừa để tạo giá trị cho tương lai đường dài của chính mình.

Chúng ta cần phải rạch ròi giữa đời tư và công việc. Ngay cả khi tìm được công việc hoàn hảo với cuộc đời mình đến mức sẵn sàng cống hiến mọi năng suất có thể cho nó, tôi cũng sẽ không hy sinh thời gian nghỉ ngơi quý giá của mình cho công việc.

Hãy nghỉ ngơi vì sự thoải mái của chính bản thân mình. Ngay cả khi điều đó có nghĩa là cách ly tuyệt đối với công việc trong những khoảnh khắc rảnh rỗi. Sức khỏe thể chất và tinh thần là những lợi ích lâu dài cần được hướng tới hơn là năng suất.

Nhưng quan trọng hơn cả, tạo ra những giới hạn về sự cống hiến cho năng suất công việc có nghĩa là nhận ra và đòi hỏi những quyền lợi của mình trong lao động.