Trước khi trở thành bố mẹ, bố mẹ là… | Vietcetera
Billboard banner

Trước khi trở thành bố mẹ, bố mẹ là…

… những cô bé, cậu bé như chúng mình, cũng biết buồn, biết đau, cũng có một hành trình dài để trưởng thành.
Trước khi trở thành bố mẹ, bố mẹ là…

Nguồn: Lợi Phan cho Vietcetera

Trong bộ phim Reply 1988, có một câu thoại rất nổi tiếng của người bố Dong II với con gái thứ hai Duk Sun khi ông tặng Duk Sun chiếc bánh sinh nhật riêng đầu tiên sau nhiều năm cô bé chịu tổn thương vì phải tổ chức sinh nhật chung với chị gái: “Bố cũng không phải vừa sinh ra đã làm bố. Bố cũng là lần đầu tiên làm bố. Hãy lượng thứ cho bố nhé".

alt
Nguồn: Reply 1988

Có nhiều người chê Dong II không biết cách hành xử, chê ông vì thiên vị chị cả và em út mà bỏ quên con thứ. Nhưng có một điều rất đúng: Dù có sinh bao nhiêu đứa con thì bố mẹ cũng lần đầu làm bố mẹ của bấy nhiêu đứa con.

Khi chúng ta còn nhỏ, bố mẹ xuất hiện và họ đã là bố, là mẹ của mình. Chúng ta không nhận thức được trước khi trở thành bố mẹ, họ cũng là những cô bé, cậu bé như chúng ta, cũng biết buồn, biết đau, cũng có một hành trình dài để trưởng thành. Và trên hành trình ấy, họ cũng mắc sai lầm. Chính từ việc đặt họ vào khuôn mẫu mới nảy sinh nhiều bất đồng, âu cũng bởi đó là lần đầu họ làm bố mẹ.

Những câu chuyện tôi kể lại dưới đây là chia sẻ từ những người con sau khi trở thành một người mẹ đã ngẫm lại, hiểu và thông cảm hơn cho bố mẹ của mình. Dẫu cho xuất thân, độ tuổi (U30, U40, U50) của họ không giống nhau, họ đều hiểu cho những hy sinh và cả những lỗi lầm của bố mẹ. Mong rằng bạn sẽ phần nào đó hiểu hơn về bố mẹ như cách tôi đã hiểu khi đồng hành cùng câu chuyện của nhân vật. Tôi tin là như thế.

Không gì đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn bằng việc làm mẹ

Mai Linh (24 tuổi)

Từ nhỏ đến giờ, mình luôn nhìn nhận bố mẹ là những người tâm lý, không bao giờ áp đặt mình. Hồi “trẻ trâu" mình có cứng đầu, nông nổi nhưng bố mẹ chưa bao giờ căng thẳng, luôn ngồi lại nói chuyện nhẹ nhàng với mình. Để mình được như bây giờ là rất nhiều tình cảm và sự kiên nhẫn của bố mẹ.

Tuy vậy, mình cũng có nhiều lần từng ghét bố mẹ vì nghĩ bố mẹ không hiểu mình. Có một số vấn đề mình nghĩ bố mẹ quá cứng nhắc mà cấm cản mình. Lúc đó mình nghĩ mẹ không ở tuổi mình, làm sao hiểu được.

Cho đến khi làm mẹ, mình nhận ra bố mẹ hiểu hết. Mỗi người mẹ có thể có một cách phản ứng khác nhau nhưng không ai muốn con mình bị tổn thương. Và thực sự trên đời, không gì đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn bằng việc làm mẹ.

alt
Mai Linh và bé Tũn | Nguồn: Mai Linh

Mình cũng nhận ra chỉ có bố mẹ hiểu và yêu thương mình nhất. Từ đó mình muốn bản thân phải thay đổi và trưởng thành hơn để trở thành một bản thể lớn hơn của bố mẹ mà về sau có thể chăm lo chu đáo cho bố mẹ.

Bố mẹ lúc nào cũng mong cuộc sống con được đủ đầy

Kiều Mai (28 tuổi)

Bố mẹ mình ly hôn năm mình học lớp 8. Đó là một cuộc chia tay văn minh, không ồn ào nên mình và em gái chấp nhận nhẹ nhàng và tôn trọng bố mẹ. Qua thời gian mình cũng phân tích được vì sao bố mẹ lựa chọn kết thúc.

Khi bố mẹ mình đến với nhau, ông ngoại vô cùng khắt khe và cấm cản. Chắc cũng vì vậy mà đến đời mình, bố mẹ cho mình tự do đưa ra quyết định và không ép buộc gì cả. Với những việc bố mẹ không hài lòng, bố mẹ chỉ góp ý, còn sự lựa chọn vẫn ở phía mình. Những điều này về sau mình sẽ tiếp tục áp dụng cho con cái.

alt
Gia đình nhỏ của Kiều Mai | Nguồn: Kiều Mai

Ngày trước mẹ mình hay bảo đẻ xong là đường ruột kém đi vì đẻ rồi thì lúc nào cũng sợ không có tiền, mà lo lắng nhiều thì ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Không biết có phải giống mẹ không mà cả mình và em gái đều tiêu hoá kém (cười). Nhưng đúng là đẻ xong mình mới hiểu hết những nỗi lo của mẹ, lúc nào mình cũng muốn cuộc sống của con được đủ đầy.

Tình yêu thương của bố mẹ là sự lựa chọn

Minh Anh (29 tuổi)

Gia đình mình rất giống gia đình của Duk Sun trong Reply 1988 và trùng hợp thay, mình cũng là con giữa. Bố mẹ mình có phần ưu tiên chị gái và chiều chuộng em trai hơn mình một chút nên đôi lúc mình cũng khó chịu. Nhưng nhìn chung, từ ngày mình còn nhỏ cho đến bây giờ khi đã làm mẹ, bố mẹ vẫn rất yêu chiều mình.

Trước đây mình nghĩ việc bố mẹ chiều mình là điều đương nhiên. Tuy vậy, khi có con mình bắt đầu hiểu rằng không ai bắt buộc bố mẹ phải yêu, phải chiều chuộng mình cả. Đó hoàn toàn là lựa chọn của bố mẹ.

alt
Minh Anh và bé Nghé | Nguồn: Minh Anh

Vì bố mẹ quá yêu, quá thương con nên mới mong muốn bản thân phải cố gắng hết sức để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Kể từ khi nhận thức được những điều đó và cũng sợ sau này khi bố mẹ già đi sẽ không còn cơ hội nên mình luôn nói yêu, nói cảm ơn bố mẹ thật nhiều.

Từ việc bố mẹ rất yêu thương mình, mình cũng muốn con mình lớn lên trong tình yêu thương. Mình rất hay thì thầm vào tai con là “Nghé ơi mẹ yêu Nghé lắm”. Trong suốt hành trình trưởng thành của con sau này, mình mong được là bạn của con hơn là một người mẹ, để có thể hiểu và đồng hành cùng con.

Bình thường hoá sự không hoàn hảo của bố mẹ

Linh Nguyễn (35 tuổi)

Bố mẹ mình thuộc tuýp phụ huynh ân cần, chăm sóc con cái chu đáo nhưng lại thích can thiệp, kiểm soát. Khi mình mới ra trường, mình và bố mẹ có rất nhiều xung đột vì mình lựa chọn con đường sự nghiệp trái với mong muốn của bố mẹ.

Quãng thời gian căng thẳng đó kéo dài khoảng 6 tháng, có lúc mình và bố đã phải viết thư tay vì không thể ngồi xuống nói chuyện. Sau đó mọi thứ dần dịu lại khi mình cứ từ từ chứng minh lựa chọn của mình đúng.

Trước đây mình rất khó chấp nhận những sự không hoàn hảo của bố mẹ nhưng sau khi có con, mình nhận ra những sự không hoàn hảo đó cũng có ở trong mình. Từ việc chấp nhận những sự thiếu sót của bản thân, mình có cái nhìn đồng cảm hơn với bố mẹ và bình thường hoá những sự không hoàn hảo của hai vị phụ huynh.

alt
Gia đình nhỏ của Linh Nguyễn | Nguồn: Linh Nguyễn

Mình là một người mẹ còn lâu mới hoàn hảo. Cũng có những khoảnh khắc mình thương con vì không thể tìm ra giải pháp tốt hơn. Mình có bé thứ hai khi bé đầu tiên mới được 15 tháng. Khi phải “phân thân” để chăm hai con một lúc, mình đã rất vật vã và bối rối. Như khi hai con cùng khóc một lúc, mình không biết nên ưu tiên đứa nào. Hay khi phải để bé thứ hai ngủ với cô giúp việc vì mình không thể kham nổi một mình, mình đã thấy vô cùng có lỗi.

Nhưng cũng chính từ việc có hai người con gái, mình hiểu thêm được vì sao ngày xưa bố mẹ luôn “sốt vó” lên mỗi lần mình xin đi chơi, luôn gọi điện liên tục mỗi khi mình đi xa nhà để xem mình có được an toàn không. Đằng sau tất cả những sự lo lắng đó là nhu cầu muốn con mình được an toàn, muốn biết là con ổn, tuy vậy, bố mẹ ở mỗi thế hệ lại có một cách thể hiện tình yêu thương khác nhau.

Nếu trước đây, thế hệ bố mẹ mình thường chỉ ra những “tín hiệu ngầm”, ví dụ như bày tỏ sự lo lắng để muốn con hiểu rằng bố mẹ rất yêu con, thương con thì ở thế hệ này, khi mình làm mẹ mình cố gắng “công khai” tình yêu đó với con bằng việc không ngại nói ra lời yêu thương mỗi ngày. Mình cũng cố gắng giải thích cho con hiểu điều gì khiến mình hành động hay có thái độ như vậy.

Mình tin những gì bố mẹ làm chỉ cần thực sự xuất cho phát từ yêu thương thì đến khi trưởng thành con sẽ hiểu. Giống như mình đã hiểu.

Sự cách biệt thế hệ và văn hóa có thể tạo nên những bất đồng

Khanh Nguyễn (40 tuổi)

Mình bắt đầu hiểu hơn về bố mẹ từ những năm đầu tuổi 20 khi bắt đầu cuộc sống tự lập ở một nơi cách nhà nửa vòng trái đất. Lúc ấy mình mới thấm nhuần một câu mẹ từng nói: “Ở riêng thì tiền mua giấy vệ sinh cũng tiếc".

Nhưng thực sự phải đến khi có con, có một người dựa hoàn toàn vào mình, mình mới hiểu thế nào là tình yêu vô điều kiện. Mình cũng hiểu được lý do vì sao ngày xưa mình cũng hư, cũng cãi, cũng đập bàn, đập ghế mà bố mẹ vẫn tha thứ.

Từ nhỏ đến trước khi có con, mình luôn nghĩ sự hiện diện, sự chăm sóc của bố mẹ là điều hiển nhiên và mình làm gì cũng không nghĩ quá nhiều cho bố mẹ.

alt
Khanh Nguyễn và con trai cả Sebby | Nguồn: Khanh Nguyễn

Bố mẹ mình có hai người con, là anh trai và mình. Từ xưa mình đã luôn cảm nhận được mẹ mình có sự ưu ái hơn cho anh trai. Mẹ luôn kỳ vọng con gái phải tự hiểu, tự đọc được suy nghĩ của mẹ. Ngày ấy mẹ cũng mắng, cũng đay nghiến mỗi khi mình mắc lỗi và thường không lắng nghe mình. Chính vì vậy, suốt những năm tháng mình lớn lên, mình và mẹ rất “khắc" nhau.

Nhưng khi có con rồi, mình bắt đầu học được tính bao dung, kiên nhẫn và dần gạt bỏ hết những bất đồng trước đây từng có với mẹ. Mình hiểu sự cách biệt thế hệ và văn hóa trong cách nuôi dạy của bố mẹ. Mình cũng từ từ dạy mẹ rằng không ai có thể đọc được suy nghĩ của ai, mẹ muốn gì thì mẹ nên nói thẳng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, mình cảm nhận được rất rõ mẹ đã hiểu và yêu thương mình hơn - điều mà trước đây mình chưa bao giờ cảm nhận được. Bây giờ dù mình ở Mỹ, mẹ ở Việt Nam, ngày nào mẹ và mình cũng gọi điện cho nhau, có khi không cần nói gì, chỉ cần nhìn nhau nấu cơm là đủ.

Khi con trưởng thành là khi bố mẹ bắt đầu sống cuộc đời của mình

Kiều Bích Hương (47 tuổi)

Ý thức về sự hy sinh của bố mẹ trong mình đã nhen nhóm từ khi mình bắt đầu kiếm những đồng tiền đầu tiên thời sinh viên và nhận ra kiếm tiền thật khó. Gia đình mình ở nông thôn không hề khá giả, để có tiền cho mình ăn học, bố mẹ đã hao tổn biết bao năng lượng và tâm trí.

Bố mẹ mình không hoàn hảo. Mẹ thường la mắng, so sánh mình với chị gái, họ hàng khiến mình cảm giác mẹ chỉ nhìn vào những mặt chưa tốt của mình. Đến tận bây giờ thi thoảng mẹ vẫn có vài câu nói làm mình chạnh lòng.

Nhưng mình hiểu những điều đó một phần xuất phát từ sự cách biệt thế hệ, một phần đến từ sự vất vả của mẹ. Mẹ vừa là nhà giáo, vừa là nông dân, làm gì có thời gian quan tâm, trò chuyện với tận 3 đứa con gái. Bố mẹ thời đó chỉ cần nuôi lớn được một đứa trẻ, cho ăn học đầy đủ đã là thành công.

alt
Nhà văn Kiều Bích Hương và hai con Kianto, Kimiko | Nguồn: Kiều Bích Hương

Bố mình đã mất trước khi mình sang làm dâu xứ người nên mình không còn cơ hội để nói với bố rằng: “Bố ơi có nhiều lúc ngày xưa con nghĩ bố không làm tròn trách nhiệm của một người bố thì bây giờ con hiểu đó chỉ là những khoảnh khắc mà bố cảm thấy bất lực vì không thể cùng lúc sống cho bản thân và cho cả người khác".

Mình không biết cảm nhận của những người nuôi con ở Việt Nam và vẫn có sự giúp đỡ của bố mẹ thì có gì khác so với cảm nhận của một người nuôi con ở một đất nước xa lạ như mình. Mình thấy tiếc nuối vì đã không bỏ thời gian để nói chuyện và đồng cảm với bố mẹ. Nếu làm vậy, phải chăng những hờn giận đã được giải quyết sớm trước khi mình trở thành một người mẹ.

Bù lại, sự xa cách cho mình cái nhìn kỹ hơn về cuộc đời của bố mẹ. Trong cuốn “Ăn, Cầu Nguyện và Yêu", sau một thời gian lang thang sang Ý, Ấn Độ, Bali, nhân vật chính Elizabeth đã viết thư về cho mẹ và hối lỗi vì đã không quan tâm đến mẹ. Lúc ấy người mẹ đã thú thực rằng khoảnh khắc cô trưởng thành và bay ra khỏi tổ là lúc mẹ hạnh phúc nhất.

Thật vậy, khi mình trưởng thành và rời xa vòng tay của bố mẹ là lúc họ bắt đầu được sống cuộc đời của mình mà không còn nhiều vướng bận.

Kết

Tôi từng đọc được một đoạn chia sẻ rất hay trên Facebook như thế này:

“Thật khó để nói với các bạn trẻ đang ôm cái tôi bị tổn thương rằng những điều bố mẹ làm dù có vụng về cũng đều xuất phát từ mong muốn tốt đẹp. Thật khó để nói với những người con may mắn có bố mẹ tốt rằng sự tốt đó thực ra không phải nghĩa vụ của bố mẹ, cũng chẳng phải chuyện hiển nhiên. Bố mẹ nỗ lực vì bố mẹ yêu các bạn, có khi nhiều hơn yêu bản thân, nên các bạn hãy trân trọng bố mẹ mình, và thông cảm cho các hoàn cảnh khác”.

Ngay bây giờ, nếu có thể, bạn hãy nói với bố mẹ lời cảm ơn chân thành nhất từ tận đáy lòng.