Chương trình thực tế thiếu thực tế như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Chương trình thực tế thiếu thực tế như thế nào?

Chương trình thực tế biến các ngôi sao thành nạn nhân như thế nào?
Chương trình thực tế thiếu thực tế như thế nào?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Năm 1998, bộ phim The Truman show đã "cảnh báo" chúng ta về sự thao túng của TV show thực tế trong cuộc sống. Bộ phim kể về Truman, một người không hay biết mình đang sống trong một phim trường khổng lồ và cuộc đời anh là một chương trình thực tế bị hàng triệu người theo dõi.

Cho tới thời điểm hiện đại, ai cũng tình nguyện được trở thành một Truman khi tham gia các chương trình thực tế và tự đăng tải những vlog về đời sống thường nhật với mong muốn được nhiều người theo dõi.

Sự chia sẻ cuộc sống cá nhân quá đà biến chúng ta thành những nhân vật, những diễn viên được ngắm nhìn, đi cùng với nó là những hệ lụy ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần. Người xem “đôi khi" cũng quên rằng họ đang đánh giá một con người thật, chứ không chỉ là một nhân vật trên màn ảnh.

Chương trình thực tế được thiết kế như thế nào?

Phóng đại thực tại

Bản chất của chương trình thực tế lại đi ngược lại cái tên của nó. Nói chính xác hơn, qua những chương trình này nhà sản xuất đang tạo ra một “ảo ảnh" của sự thật.

Những thước phim được quay lại không hẳn là giả, những nhân vật xuất hiện trong những chương trình này cũng có thể không cần kịch bản. Tuy nhiên, những tác phẩm này có sự can thiệp nhất định bởi đội ngũ sản xuất và cắt dựng. Một đoạn băng gốc dài 70 tiếng về cuộc sống của các thí sinh trong chương trình có thể được chọn lọc và cắt ghép còn có 45 phút.

Việc chỉ giữ lại những tình tiết gay cấn nhất nhằm phục vụ một mục đích là kể một câu chuyện nơi khán giả có thể đồng cảm và cảm thụ.

Vì muốn chương trình trở nên thú vị, họ đã thêm thắt nhiều yếu tố ngoại lai. Chúng ta cần phải hiểu game show giải trí phải có kịch tính, xung đột, trái chiều và cao trào cảm xúc.” - Trevor Hearing (Nhà sản xuất).

Trong bộ phim Truman, không ít lần producer đã “mớm tình huống" để Truman hành động theo như họ muốn nhằm đẩy câu chuyện lên cao trào.

titleTruyền higravenh thực tế thiếu thực tế như thế nagraveo Truyền higravenh thực tế thiếu thực tế như thế nagraveo
Cách nhà sản xuất gửi dấu hiệu từ vụ trụ khiến anh này không dám lên máy bay | Nguồn: The Truman Show

Tương tự ngoài đời cũng vậy, những host, đội ngũ produce cũng đảm bảo cho câu-chuyện-không-kịch-bản vẫn đi đúng hướng nhà đài mong muốn.

Vì vậy, một câu đùa vô hại cũng có thể trở nên phản cảm sau khi qua tay đội ngũ dựng phim. Trong các game show, mức độ “can thiệp" ngầm cũng được khéo léo gài gắm vào format chương trình để đảm bảo câu chuyện được liền mạch và hấp dẫn.

Đơn giản hóa các nhân vật

Một trong những lý do người ta thích xem những chương trình này vì nó mang tính giải trí cao, vậy nên, sẽ dễ theo dõi hơn khi tính cách các nhân vật được đơn giản hóa.

Trong phim, các nhân vật thường được phân loại thành các kiểu tính cách hay khuôn mẫu khác nhau. Điều này cũng được áp dụng trong chương trình thực tế. Với chương trình hẹn hò, việc chia thành 2 phe người tốt và kẻ xấu sẽ làm tăng sự hưởng ứng của khán giả xem đài.

Điều này dễ nhận thấy ở các chương trình Việt được chiếu vào khung giờ vàng trên TV, bị chỉ trích khi tập trung vào yếu tố “câu view” hơn là se duyên. Trong các "show hẹn hò", thay vì cho đối phương thấy những hình ảnh chân thật, những nhân vật tham gia lại “hóa trang" kỹ lưỡng, mang mặt nạ để lên TV.

Thay vì kể lại câu chuyện thật với một thái độ trung lập, những người làm chương trình lại thường thêm thắt để các tình huống mang tính “kịch”, củng cố vai diễn của người tham gia.

Giáo sư Carl Plantinga, chuyên ngành về truyền thông, cũng nhận định rằng cách miêu tả nhân vật của các chương trình thực tế thiếu sự minh bạch và trung lập. “Vai diễn" của những nhân vật này được xây dựng khéo léo và miêu tả rất cụ thể.

Kể một câu chuyện hấp dẫn

Bộ não thích những câu chuyện hay. Mọi lĩnh vực từ kinh doanh, khoa học tới lịch sử đều dùng tới kỹ thuật kể chuyện để truyền tải thông tin và kết nối cảm xúc. Đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến việc não có xu hướng tạo ra những câu chuyện, với nội dung, nhân vật và bối cảnh.

Alex Rosenberg, tác giả cuốn sách “How we get histories wrong” đã nhấn mạnh khía cạnh tai hại trong việc con người đắm chìm vào những “câu chuyện” kể lại lịch sử tạo ra cái nhìn sai lệch về sự thật.

Câu chuyện ở đây không phải nói tới chuỗi các sự kiện, mà là một câu chuyện có nội dung, được kết nối bởi động cơ, niềm tin, khát khao và tham vọng của con người.

Đây cũng là cách các chương trình thực tế bán “ảo mộng” cho chúng ta. Thay vì ghi lại câu chuyện người tham gia cuộc thi hát đoạt giải vì giọng ca. Các chương trình này kể lại câu chuyện về nhân vật có hoàn cảnh kém may mắn. Từ góc độ của người xem, họ cảm thấy kết nối với đối tượng này. Việc người này đoạt giải cũng được coi là thứ dĩ nhiên, “xứng đáng" với những bi kịch họ đã trải qua.

Nói cách khác, não bộ chúng ta thích những câu chuyện hơn là sự thật khô khan. Chương trình thực tế đáp ứng nó bằng cách thao túng sự thật.

Gần đây nhất ta có câu chuyện của bạn nữ T.N.Đ.M tham gia chương trình hẹn hò, bị cộng đồng mạng thẳng thừng "ném đá" khi chia sẻ về những tiêu chí chọn bạn trai của mình. Các phân cảnh cắt ghép, lồng biểu cảm và nhạc nền của bạn nam khi bạn gái đang chia sẻ, ít nhiều cũng đang ngầm chia vai cho các khán giả tự định đoạt. Phiên bản ta được xem là một sự chỉnh sửa với góc nhìn của đội ngũ đứng sau chương trình.

Ta tìm gì ở chương trình thực tế?

Mỗi loại chương trình thực tế có một mục đích khác nhau và tương tự nó cũng đem lại một câu chuyện và cái kết mong muốn thỏa mãn người xem. Nhiều người coi hy vọng một ngày đời mình sẽ thay đổi, như các nhân vật chính trong chương trình “makeover" (thay đổi bản thân).

Tuy nhiên, bên cạnh lý do con người là một loài động vật xã hội, chúng ta coi chương trình này để “tận hưởng” bi kịch của những người tham gia.

Sự thua cuộc, những khoảnh khắc cãi vã đáng xấu hổ được tóm gọn trong chương trình thực tế làm ta cảm thấy thỏa mãn. Cảm giác này gọi là schadenfreude, sự thỏa mãn khi nhìn thấy những người bị rơi vào cảnh kém may mắn hơn mình. Điều này tạo ra sự “thượng đẳng" nhất định cho cá nhân xem chương trình khi có quyền chỉ trích và bình phẩm người tham gia.

Quay lại với bạn nữ T.N.Đ.M, những quan điểm của bạn giờ bị phán xét và áp đặt theo những tiêu chuẩn cá nhân. Dù thích hay không thích, đại đa số vẫn chọn công kích và miệt thị bạn này và coi đó như là một "niềm vui vô hại".

Điều này đáng tiếc dẫn đến sự thiếu cảm thông giữa người với người. Những nhân vật trên màn hình bị nhìn như những đồ vật hay những công cụ kể chuyện.

Chuyển kênh chưa phải là hết!

Bản hợp đồng bán sự riêng tư

Ký vào bản hợp đồng tham gia chương trình thực tế đồng nghĩa bạn đã đồng ý bán đi sự riêng tư của mình. Vì cơ bản, chương trình hết chưa phải là cái kết của câu chuyện.

Mạng xã hội đã thay đổi kỷ nguyên của chương trình thực tế. Người tham gia được đem đi mổ xẻ trên các diễn đàn, bị soi mói ngoại hình, bị chế meme. Sức ép đè lên những nhân vật tham gia những chương trình này chưa bao giờ lại nặng nề đến vậy.

Họ là những người đang nằm giữa vùng xám của việc nổi tiếng và không nổi tiếng. Khác với những ngôi sao, có tiếng nói, có cộng đồng fan hùng hậu và cả pháp luật để bảo vệ. Những người này mong manh vẫy vùng giữa đám đông.

Tập cuối trên TV kết thúc thì một tập khác lại mở ra. Hay nói đúng hơn là một quan tòa trên mạng xã hội với 3 nhân vật chính: kẻ phán xét, người bị phán xét và những người “hóng” truyện.

Những nhân vật tham gia chương trình càng trần trụi, thẳng thẳng bộc lộ mình thì họ cũng như một kỵ sĩ không giáp trên chiến trường, thu hút mũi dùi từ dư luận, những bình luận ác ý đầy tính công kích. Họ diễm nhiên nhận cái hình tượng “vai ác".

Tập đặc biệt này của chương trình không có producer nào đứng ra để đảm bảo cho chương trình đi đúng hướng. Chỉ có nạn nhân và những lời công kích buộc tội, đẩy họ vào đường cùng.

Giống như câu chuyện của bạn T.N.Đ.M, khi chương trình đã kết thúc, nhân vật chính thì nhận chỉ trích còn chương trình cũng chẳng ảnh hưởng gì, ngoài được thêm vài "view" của cộng đồng.

Chương trình "giả" nhưng người là thật

Thực tại bị bóp méo đã từng cướp đi mạng sống của một con người thật. Cái giá phải trả không chỉ là sự riêng tư mà còn là một cuộc đời.

Sau chương trình Love Island, có 3 người chơi đã tự tử để không phải đối mặt với những áp lực của công chúng. Trước nhiều cáo buộc, chương trình này đã đưa ra một khóa hướng dẫn và trị liệu tâm lý giúp những người chơi quay lại cuộc sống bình thường. Đối với chương trình Terrace house tai tiếng, những sự thật đằng sau chương trình thực tế “không kịch bản” mới thật sự được hé lộ khi có người tham gia qua đời vì sức ép dư luận.

Những thước phim thực tế đôi khi bán cho ta những ảo ảnh tuyệt vời không có thực. Nhưng đồng thời đó cũng là một hiện thực méo mó, một cuốn câu chuyện u tối đối với những người tham gia.

Có những người muốn trở thành Truman, một ngôi sao chương trình thực tế. Nhưng khác biệt ở chỗ, Truman không hề diễn, anh đơn giản chỉ phải sống trong cuộc đời bị sắp đặt. Còn những người khác, một khi đã bước vào khung hình camera, họ có thể đều sắm một vai diễn chỉ để thỏa mãn ánh nhìn của người coi.

titleTruyền higravenh thực tế thiếu thực tế như thế nagraveo Truyền higravenh thực tế thiếu thực tế như thế nagraveo
Không ai có thể chắc chắn rằng liệu Truman có tìm được sự tự do đằng sau cánh cửa đó | Nguồn: The Truman show (1998)