Hiện tượng tự sát thì phức tạp và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bài viết chỉ tập trung thảo luận về tính lan rộng của hành vi tự sát, trong đó nhấn mạnh tới sức ảnh hưởng của hành vi lãng mạn hóa tự sát (romanticized) và truyền thông, theo như thuyết học tập xã hội (social learning theory).
Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy liên hệ Đường dây nóng Ngày mai - một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trầm cảm và người thân của họ.
Chuyện gì xảy ra năm 1972 tại Mỹ?
Tờ New York Times năm 1972, ở một góc nhỏ của tờ báo là mẩu tin: Pattern of Death, Copycat Suicides Among Youth (Tạm dịch: Khuôn mẫu của cái chết, bắt chước tự sát trong giới trẻ). Cụ thể bài báo nói về việc tỷ lệ tự sát trong năm 1972 đã tăng lên gấp đôi ở lứa tuổi 15-19.
Giống như cách mà dịch hạch bắt đầu, vài ba con chuột chết cũng không làm người ta quan tâm. Khi con số “bất thường" trở nên hiện hữu ta dần nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Đã có quá nhiều người chết vì tự tử.
Năm 2018, báo Daily News đăng tin ngay trang nhất với một dòng chữ: Hanged (Treo cổ) để thông báo về sự qua đời của diễn viên Robin Williams. Sau hôm đó, tỷ lệ tự tử tại Mỹ tăng 10%.
Liệu có trùng hợp không khi mà các con số vô tri về tỉ lệ tự tử lại tăng cao dần sau cái chết của người nổi tiếng?
Khái niệm về "sự lan truyền của tự tử" tới từ đâu?
Nỗi đau của chàng Werther là một tác phẩm văn học lãng mạn Đức được sáng tác bởi Goethe. Từng trang sách là những bức thư tình dài đầy những nỗi niềm và suy tư, đậm chất tình ái. Sự dịu dàng của Werther cùng với cách anh đằm chìm trong tình yêu khiến cuốn tiểu thuyết trở nên phổ biến trong giới trẻ.
Coi tình yêu là lý tưởng tới cực đoan, Werther chọn cái chết để chấm dứt bi kịch của cuộc đời mình. Cái chết trên trang giấy nhanh chóng lan ra ngoài đời thật. Năm 1973, các chàng trai si tình tuyệt vọng tìm tới cái chết cùng một khuôn mẫu Werther: mặc cùng loại trang phục và cách thức tự sát.
Cuốn sách bị cấm xuất bản và Hiệu ứng Werther (Werther-effect) ra đời để chỉ hành động “bắt chước tự sát" . Nghe thật kỳ lạ khi mà sự tự sát lại có thể lây lan. Nhưng khuôn mẫu của sự việc này cứ tiếp tục xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ năm này sang năm khác.
Ngọn lửa "tự sát" bị thổi phồng lên như thế nào?
Bất kể động cơ, cách mà báo chí, truyền thông liên tục đăng tin về tự sát một cách chi tiết đã góp phần làm lây lan hiện tượng này. Có 2 loại “cụm" tự sát chính: cụm tự sát diện rộng (mass cluster) và cụm điểm tự sát (point cluster).
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các cụm tự sát diện rộng (mass cluster) xảy ra ở nhiều địa điểm trong một khoảng thời gian, thường tăng cao sau cái chết của một người nổi tiếng.
Còn hiện tượng tự sát xảy ra theo điểm (point cluster) thường xảy ra trong một khoảng thời gian, ở một khu vực nhỏ hơn. Các khu vực này có thể là bệnh viện, trường học, gia đình hay cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sang chấn tâm lý xuất phát từ việc tự tử bất thành, có người thân trong gia đình tự tử,... cũng là một trong những tác nhân "lây" tự sát.
Tại Việt Nam, UNICEF lo ngại rằng hiện tượng bắt chước tự sát có khả năng xảy ra với các thanh thiếu niên người H'mông. Cộng đồng người H'mông có một tập quán xấu đó là ăn lá ngón để tự tử. Thói quen này đã xuất hiện trong văn học qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" với hình ảnh Mị tìm tới lá ngón để kết thúc cảnh "sống không bằng chết".
Các thiếu niên H'mông, đặc biệt là các bé gái, chọn lá ngón để tự tử khi gặp những vấn đề không thể giải tỏa. Khi đưa tin, truyền thông lại có xu hướng "thổi phồng" và "thêm dầu vào lửa". Điều này gây lo ngại khi nó có khả năng gây ra nhiều vụ tự sát hơn vì người đọc có xu hướng "học" theo.
Hành vi tự sát có thể học được khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó có sự liên quan với Học thuyết học tập xã hội (Social learning theory). Theo lý thuyết này, phần lớn hành vi con người được học đều qua sự quan sát hành động của người khác. Việc tiếp xúc với hành vi tự sát, dù trực tiếp hay gián tiếp đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tự sát ở tuổi vị thành niên.
Tại sao nói văn học lãng mạn hóa tự sát?
Cái chết - đặc biệt là cái chết do chính tay một người gây ra - từ lâu đã là một phép ẩn dụ lãng mạn cho các thái cực của đam mê và cảm xúc. Từ Tây sang ta, sự hiện diện của “tự sát" luôn ẩn mình như một trang bị cho tâm hồn mơ mộng và lãng mạn. Ta tìm được nó trong các tác phẩm văn học như Romeo và Juliet, cho tới cuộc đời của nhà văn Dazai Osamu.
Nhắc tới Dazai Osamu người ta chỉ thường nhớ tới 5 lần ông cố gắng kết liễu đời mình và cách ông kết thúc cuộc sống bằng cách “tự tử đôi". Việc bình thường hóa sự mỹ học trong vấn đề tự sát ảnh hưởng lên góc nhìn của người Nhật Bản, phản ánh rõ nhất qua những truyền thống như: Tự sát đôi (joshi), tự sát theo nhóm (shinju), tự sát gia đình (ikka shiju), nghi thức mổ bụng (seppuku),...
Tại Việt Nam năm 1920, hiện tượng tự sát hàng loạt của phụ nữ cũng đã từng được cho là liên quan tới văn học ngôn tình bi đát. Những vụ việc phụ nữ trầm mình ở Hồ Gươm nhanh chóng lan rộng tới miền Nam.
Đi kèm với “đại dịch" là sự ra đời của một loạt các tác phẩm từ tiểu thuyết tới phân tích, phê phán. Tuy nhiên có một điều phải làm rõ là trong giai đoạn này, sự giao thoa giữa văn hóa Á-Âu, sự thay đổi trong hệ tư tưởng cũng là một trong nhiều những tác nhân gây ra "đại dịch'.
Khi nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam cho rằng “tiểu thuyết, kịch trường, báo chí phân tích, phản ánh việc phụ nữ tự sát, nhưng bản thân các tác phẩm ấy cũng có thể là nguyên nhân khiến “nạn dịch” càng thêm trầm kha.”
Điều gì "hấp dẫn" ở cái chết trẻ của những ngôi sao?
Năm 1994, cả một thế hệ rơi nước mắt khi nghe tin Kurt Cobain đã tự kết liễu cuộc đời của mình. Người ta gọi rằng đây không đơn thuần là cái chết của một nhân vật mà còn là sự kết thúc của một thế hệ. Sự ra đi của Kurt Cobain được cho là có khả năng gây ra hiện tượng "bắt chước tự sát."
Kết thúc cuộc đời năm 27 tuổi, như một lẽ dĩ nhiên anh gia nhập “Câu lạc bộ 27”, câu lạc bộ của những nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Cái chết trẻ của nghệ sĩ biến thành một biểu tượng, được tôn thờ bởi giới trẻ. Frances Bean Cobain, con gái của Kurt Cobain đã chia sẻ rằng: “Chết trẻ không có gì ngầu. Cái chết của nghệ sĩ trẻ không phải thứ ta nên lãng mạn hóa.”
Mối quan hệ xã hội một chiều (parasocial relationship) của chúng ta với người nổi tiếng trở nên không lành mạnh. Sự đầu tư thời gian và cảm xúc vào một người nổi tiếng đã làm ảnh hưởng lên cách ta nhìn nhận mối quan hệ giữa tự sát và sự lãng mạn.
Có thể thấy, trào lưu “Sống nhanh, chết trẻ” (Live fast, die young) tồn tại một cách cố hữu trong nền văn hóa đại chúng, trong từng tác phẩm. Đáng buồn hơn khi nó tác động lên cả chính những người đang thở.
Chúng ta nên viết tin về tự tử như thế nào?
Xu hướng lá cải hóa của báo chí tại Việt Nam cũng như nhiều nước từ Tây sang Á cũng góp một phần không nhỏ vào vấn nạn “bắt chước tự tử". Để thu hút sự chú ý của công chúng, các vụ án ly kỳ, rùng rợn thường được giật gân bằng các tình tiết được mô tả tỉ mỉ.
Nhiều hướng dẫn về cách đưa tin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm giảm tối thiểu nguy cơ của “tự sát bắt chước”. Trong đó có nhắc đến việc tránh miêu tả chi tiết của cái chết, viết lại sự việc theo những định kiến khuôn mẫu về tự tử, đơn giản hóa hay giật gân vấn đề này.
Hiệu ứng Pageno - khắc tinh của hiệu ứng Werther
Hiệu ứng Pageno được đặt theo tên nhân vật trong vở opera “Cây sáo thần" (Mozart), nhân vật này cũng lên kế hoạch để tự sát vì tình như Werther. Tuy nhiên, trong giây phút quyết định, anh đã được ba cậu bé ngăn cản và anh nhận ra rằng có nhiều những lựa chọn để thay thế cái chết.
Tin tức tác động cả tiêu cực tới tích cực tới người đọc. Vậy nên, khi đưa tin ta nên cân nhắc tới sức ảnh hưởng cũng như mục đích của bài viết. Áp dụng hiệu ứng Pageno, ta nên khai thác những khía cạnh khác về chủ đề tự tử như các báo cáo về vấn đề hay những giải pháp giúp đỡ.
Có những bài báo đưa tin về tự tử nhưng cũng có những bài báo dùng nó để phá vỡ định kiến về vấn đề này, nhắc những người đọc rằng vẫn có người ở đó lắng nghe họ. Tương tự như cách mà sự qua đời của Robin Williams làm lây lan sự tự sát, nhưng đồng thời vẫn có những cuộc gọi tới tổng đài, những cuộc ghé thăm tới trung tâm y tế nhằm ngăn chặn ý định này.
Có thể thấy hiệu ứng Pageno và Werther như hai mặt của đồng xu, thể hiện tầm quan trọng của trách nhiệm và thái độ của người viết đối với tự tử - vấn đề liên quan tới sức khỏe cộng đồng.
Tại sao Albert Camus nói cuộc sống phi lý? Phi lý thì liên quan gì tới tự tử?
Albert Camus là một triết gia người Pháp, là một đại diện tiêu biểu của triết học hiện sinh. Các tác phẩm của Albert thường có sự chiêm nghiệm giữa cái chết và sự phi lý (absurdity) của cuộc sống. Mở đầu Huyền Thoại Sisyphus, Camus nói ngay:
"Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học."
Sử dụng hình ảnh nhân vật Sisyphus bị trừng phạt phải lăn hòn đá lên xuống suốt cả cuộc đời. Camus đặt ra câu hỏi nếu cuộc đời vô nghĩa, sống chỉ để đẩy đá, vậy tại sao lại không tự tử để chấm dứt sự vô nghĩa này?
Có sự tương đồng nhất định giữa hình phạt của Sisyphus và mỗi người chúng ta, đặc biệt là cách ta chấp nhận sống theo một guồng quay, lặp đi lặp giữa thức dậy - đi làm - về nhà.
Trong một bài tiểu luận, Camus đã nói rằng “đối với những người tự sát thì thường là họ tin vào ý nghĩa của cuộc sống". Vậy nên, Camus tin rằng không cần phải đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống, mà chỉ đơn giản là sống thôi.
Trong sự phi lý của cuộc đời, chúng ta tiếp tục tồn tại bằng cách chấp nhận nó, như Sisyphus tiếp tục sống, vì nếu còn sống, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự hạnh phúc.