Vì sao chúng ta khó quên tình đầu, tâm lý học giải thích | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 10, 2020
Cuộc SốngThương

Vì sao chúng ta khó quên tình đầu, tâm lý học giải thích

"Tình đầu khó phai" là thật, nhưng bằng cách nào? Tâm lý học giải thích.
Vì sao chúng ta khó quên tình đầu, tâm lý học giải thích

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Tình đầu đến sớm với một số người và muộn hơn so với số người còn lại. Nhưng ở độ tuổi nào, tình yêu đó cũng mở ra phần thế giới nội tâm mà ta chưa từng trải qua trong đời. Và không như những mối tình đến sau, tình đầu luôn là một quá khứ không thể yên vị tại quá khứ.

Dù dài hay ngắn, tốt đẹp hay không thì sau khi kết thúc, nó cũng để lại một mức ảnh hưởng nhất định lên chúng ta và các mối quan hệ sau này. Nhưng bằng cách nào?

Não bộ luôn ưu ái những lần đầu tiên

Những trải nghiệm đầu tiên thường ở lại trong bộ nhớ của chúng ta lâu hơn những lần kế tiếp.

Mỗi khi bước vào một môi trường nào, não bộ đều sẽ mô phỏng chúng trong đầu để tìm lại thông tin khi cần. Đặc biệt là khi bước ra khỏi môi trường an toàn, không biết sẽ có nguy hiểm gì không, chúng ta sẽ vận dụng tất cả giác quan để chú ý đến mọi dấu hiệu xung quanh.

Tình đầu cũng đồng nghĩa với việc trải qua nhiều tình huống hoàn toàn mới lạ. Chính điều này khiến não bộ của chúng ta càng thêm cảnh giác, nhờ vậy mà những ký ức này ‘bám trụ' bền bỉ và dễ gợi lại hơn cả.

Trải nghiệm lần đầu luocircn được ghi nhớ lacircu hơn những lần kế tiếp
Trải nghiệm lần đầu luôn được ghi nhớ lâu hơn những lần kế tiếp.

Cảm xúc của lần đầu luôn được phóng đại

Art Aron, giáo sư tâm lý học chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ thân thiết giải thích: “Tình đầu được ghi nhớ sâu sắc có lẽ là do chứa nhiều kích thích và phấn khích hơn, thậm chí là có phần nào đó đáng sợ nữa. Đó là nỗi sợ bị từ chối, sợ không đáp ứng được mong đợi của người ta. Lo lắng cũng là một phần quan trọng khi yêu, nhất là lần đầu.”

Sở dĩ nó được phóng đại là vì khoảng thời gian ta bắt đầu biết yêu thường là lúc hormone đang ‘hoành hành'. Đây là tác nhân khiến tình đầu, dù chưa hẳn đã là tình đậm sâu nhất, nhưng để lại ký ức về cảm xúc mãnh liệt nhất. Vô hình trung còn khiến nhiều người nhầm lẫn rằng mình yêu người đầu tiên hơn cả.

“Đa phần, tình yêu đầu tiên đến với ta trước khi bộ phận lý trí của não bộ phát triển hoàn thiện, và những hormones của tuổi dậy thì còn đang ngập tràn cơ thể. Do đó ta dễ dàng bị cảm xúc chế ngự." – David Bennett, cố vấn tâm lý, chuyên gia về các mối quan hệ tình cảm cho biết.

Bởi cảm xuacutec lần đầu được phoacuteng đại ta nhầm tưởng rằng migravenh yecircu người đầu tiecircn sacircu đậm nhất
Bởi cảm xúc lần đầu được phóng đại, ta nhầm tưởng rằng mình yêu người đầu tiên sâu đậm nhất.

Tình đầu cũng giống như lần đầu tiếp xúc với chất gây nghiện

Bởi vì những chất hoá học góp mặt trong mối tình đầu tiên cũng là những chất hoá học được tiết ra khi ta nghiện.

Đầu tiên là oxytocin, còn được gọi là hormone tình yêu, bởi nó giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với nhau, giảm sự e ngại và dễ mở lòng với nhau hơn.

Dopamine tiết ra tạo nên hiệu ứng trao thưởng, khiến bạn xôn xao, hưng phấn với những cái chạm hay nụ hôn. Đây cũng là nhân tố khiến tình yêu gây nghiện.

Mức serotonin trong não hạ thấp, cũng tương tự với tình trạng của những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Điều này phần nào giải thích cho xu hướng ‘ám ảnh' của bạn khi yêu.

Sự kết hợp của những chất hoá học này là một phần nguyên nhân khiến tình đầu thường là những liên kết về mặt cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và khó quên.

Trải nghiệm đầu tiên luôn là cột mốc để so sánh

Não bộ có xu hướng ‘neo’ lại những thông tin, những kinh nghiệm đầu tiên chúng ta có được, hiện tượng này còn được gọi là ‘Hiệu ứng mỏ neo’ (Anchoring effect). Đây là một dạng thiên kiến nhận thức thường gặp.

Dù cho tình đầu đã phai nhạt vào dĩ vãng, những cảm xúc khi đó vẫn sẽ định hình tiêu chuẩn cho những cuộc tình tiếp theo. Chúng ta thường so sánh mối quan hệ hiện tại với mối quan hệ đầu tiên để xác định xem cảm xúc dành cho người yêu hiện tại có giống với định nghĩa về tình yêu mà chúng ta đã trải nghiệm ở tình đầu hay không.

Nhiều người vô thức trông chờ cảm xúc tương tự ở mối quan hệ mới, thậm chí còn mong muốn hàn gắn cùng người yêu đầu tiên với hy vọng tìm lại những xúc cảm này. Điều này sẽ khá nguy hiểm nếu mối tình đầu của họ đầy biến động và thiếu lành mạnh.

Những cảm xuacutec của tigravenh đầu sẽ định higravenh tiecircu chuẩn cho những cuộc tigravenh tiếp theo
Những cảm xúc của tình đầu sẽ định hình tiêu chuẩn cho những cuộc tình tiếp theo.

Và định hình cách nhìn nhận về tình yêu của mỗi người

Tình đầu còn ảnh hưởng đến những mối quan hệ sau này của bạn qua những bài học mà nó để lại. Bạn biết rằng mình mong mỏi và được mong mỏi ở một người. Bạn biết về ngôn ngữ tình yêu của mình. Bạn lần đầu trải nghiệm cảm giác tan vỡ khi nó kết thúc. Và trên hết, có thể giờ đây bạn mới nhận ra những thiếu sót của mình.

Khi lần đầu tiếp xúc với tình yêu, mọi thứ đều mới mẻ, nên chính bạn và đối tượng của bạn sẽ là người quyết định ‘yêu' là thế nào. Vì thế, giai đoạn này đóng vai trò phát triển nhận thức trong đời sống tình cảm của chúng ta và định hình cách chúng ta nhìn nhận tình yêu trong tương lai.

Tuy nhiên,

Trên đây chỉ là một số góc nhìn tình đầu dưới khía cạnh tâm lý học. Tình đầu của mỗi người đều khác nhau, nên vẫn còn vô vàn lý do khác khiến nó đặc biệt và khó quên. Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ vì nó khó quên không có nghĩa nó là tình yêu đích thực duy nhất bạn có trong suốt quãng đời. Hãy xem đây như một bài học để bạn có những góc nhìn rộng mở hơn, nhận thấy được những điều mà bạn của thời non trẻ vẫn chưa thể.