Bổ Não: Vì sao cứ mở cửa tủ lạnh ra là quên mất cần lấy gì? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 09, 2020
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Bổ Não: Vì sao cứ mở cửa tủ lạnh ra là quên mất cần lấy gì?

Hiệu ứng Doorway — Bước qua cửa sẽ 'xoá trí nhớ' của bạn.

Bổ Não: Vì sao cứ mở cửa tủ lạnh ra là quên mất cần lấy gì?

Nguồn: Enimados/Shutterstock

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.

Một buổi tối cuối tuần thảnh thơi, bạn đang xem phim thì thấy hơi ‘buồn miệng'. Nhớ ra trong tủ lạnh còn vài món ngon tích trữ sẵn, bạn vừa ngâm nga vừa bước ra khỏi phòng ngủ, hướng đến phòng bếp, mở tủ lạnh ra.

Khoan, mình đang định tìm gì ấy nhỉ?

Bạn nhìn quanh, hy vọng một vật thể nào đó sẽ gợi ý cho bạn, nhưng vẫn vô dụng. Bạn bắt đầu đổ lỗi cho chứng suy giảm trí nhớ tuổi già, hoặc do dạo này thức khuya nên ảnh hưởng đến đầu óc.

Tin vui là không phải do bạn ‘não cá vàng' hay do chứng suy giảm trí nhớ nào cả, mà chính cái cửa phòng mới là nguyên nhân. Tâm lý học gọi hiện tượng này là hiệu ứng Doorway.

Hiệu ứng Doorway là gì?

Hiệu ứng Doorway (tạm dịch: Hiệu ứng Qua cửa) là khoảnh khắc ký ức bị ‘bay màu’ khi bạn vừa bước vào một căn phòng, khiến bạn quên mất đang định làm gì ở đây.

Đây là nghiên cứu của giáo sư ngành Tâm lý học Gabriel Radvansky, cho thấy một lời giải hoàn toàn khác lạ so với nguyên nhân thường được đưa ra như không chú ý, trì hoãn lâu, hoặc do việc đó chưa đủ quan trọng.

Hiệu ứng này còn được biết đến với cái tên khác là location-updating effect (tạm dịch: Hiệu ứng đổi mới địa điểm).

Với 100 tỉ nơ-ron, não là một hệ thống điều khiển cơ thể kỳ diệu, giúp chúng ta thực hiện những điều phức tạp như suy nghĩ, tính toán, giao tiếp,... Nhưng đồng thời, những hoạt động tưởng chừng như đơn giản nhất lại dễ dàng trượt khỏi tầm kiểm soát của não.

Hiệu ứng Doorway là một ví dụ trong số đó. Để giải thích cho điều này, có hai lý thuyết song hành như sau:

Thuyết thiên kiến sự kiện (event cognitive theory)

Não luôn phân chia và mô phỏng trải nghiệm của chúng ta thành các mô hình sự kiện (event model). Các mô hình này không chỉ bao gồm các thông tin về môi trường mà còn về chính chủ thể trong đó — cũng chính là điều bạn đang làm.

Khi bước vào căn phòng khác, não tự động tạo ra mô hình của môi trường mới và xoá đi cái cũ. Đó là cách chúng ta ‘mất trí nhớ'.

Ảo tưởng nhận thức (Illusions of awareness)

Con người không nhận thức về xung quanh chi tiết như mình tưởng. Thật ra chúng ta chỉ giữ một mô hình giới hạn trong nhận thức. Các mô hình này không rõ nét lắm, vì não biết nó luôn có thể lấy thêm thông tin từ môi trường xung quanh bất cứ khi nào nó cần.

Hậu quả là khi bước sang một môi trường mới, mô hình cũ bị xoá mất trong khi ta mới chỉ hình dung rất mờ nhạt trong đầu và chưa kịp có ấn tượng gì cả.

Chúng ta có thể làm gì?

Nghiên cứu của giáo sư Radvansky cũng tìm ra:

  • Không chỉ ở thực tế, hiệu ứng Doorway cũng ảnh hưởng lên người trên môi trường ảo (như video games).
  • Quay về lại căn phòng ban đầu chưa chắc đã giúp bạn nhớ ra được.
  • Đôi khi không thể tránh khỏi nó, trừ khi bạn sống trong một căn nhà hoàn toàn không có cánh cửa nào ngăn cách các phòng.

Đừng lo, hiệu ứng này không nói lên vấn đề nào về trí tuệ hay năng lực của bạn cả. Chỉ cần cố đừng để chén đĩa chất đống trong bếp, hay giỏ quần áo chờ giặt cả tuần vì mỗi lần bước ra khỏi phòng lại quên là được.

#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.