Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc "hoài cổ"? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc "hoài cổ"?

Bên cạnh việc cập nhật các bản nhạc thị trường sôi động, hào hứng, giới trẻ hiện đại đang ưa chuộng những dòng nhạc "ẩn dật" hơn, sâu lắng hơn nhưng đầy sức hút. Đó chính là Indie, Lofi, Jazz và các bản remake nhạc xưa.

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc "hoài cổ"?

“Gần đây giới trẻ thường nghe nhạc gì?” Câu trả lời đầu tiên bật ra trong đầu bạn có phải là các ca sĩ trẻ tên tuổi như Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Soobin Hoàng Sơn,… hay những bản nhạc trong bảng xếp hạng Kpop, Billboard? Đúng! Nhưng chưa đủ.

Bên cạnh việc cập nhật liên tục các bản nhạc thị trường sôi động, hào hứng, rất nhiều bạn trẻ hiện đại vẫn thường chia sẻ với nhau về những thể loại “ẩn dật” hơn, sâu lắng hơn nhưng đầy sức hút. Đó chính là Indie, Lofi, Jazz và các bản remake nhạc xưa.

Trước khi bước vào thế giới âm nhạc ấy, bạn thử trả lời tiếp một câu hỏi nhé! Bức ảnh dưới đây có quen thuộc với bạn không?

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc hoài cổ0
Hình nền của kênh streaming nhạc Lofi nổi tiếng trên YouTube – ChilledCow. | Illustration & Animation by Juan Pablo Machado.

Nếu câu trả lời là “có” thì chào mừng bạn đến câu chuyện dành cho chính mình. Nếu câu trả lời là “không” thì hãy cùng khám phá một thế giới âm nhạc mới, nơi rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn để trải lòng.

Nghe Indie để cởi bỏ cõi lòng

Indie music (independent music: âm nhạc độc lập) là dòng nhạc được tạo ra bởi những nghệ sĩ độc lập, không chịu sự tác động của nhà đầu tư hay chiến lược truyền thông. Indie đơn giản là những bản nhạc sinh ra từ chất liệu và góc nhìn riêng của người nghệ sĩ, bất kể thể loại và dòng nhạc, càng không có công thức tạo hit.

Cách phân biệt nhạc Indie cũng rất dễ dàng. Những bản nhạc này luôn đi cùng với chữ “tự”: tự sáng tác, tự hát, tự thu và… tự tình. Như cách người ta giãi bày vào nhật ký, nhạc Indie là nơi người nghệ sĩ nói lên tâm tư thông qua ngôn từ nhẹ nhàng và âm điệu đơn giản, không có quá nhiều tầng nhạc hay âm thanh điện tử xen vào. Nếu một ngày, bạn vô tình nghe được một bài hát như một lời tâm sự trong veo, đặt trên giai điệu của guitar, piano thêm một chút phối âm điểm xuyến, thì đó chính là Indie.

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc hoài cổ1
Một số bản nhạc Indie tiêu biểu nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới trẻ Việt.

Các kênh YouTube của nghệ sĩ Indie với hàng trăm ngàn lượt follow và hàng triệu lượt nghe đã chứng minh được sự yêu thích của giới trẻ đối với thể loại nhạc tự do này (như Lạ Lùng – Vũ đạt hơn 67 triệu view, Một Đêm Say – Thịnh Suy đạt hơn 23 triệu view, 1 Phút – Andiez đạt hơn 19 triệu view). Không chỉ dừng lại trên thế giới ảo, khi Indie bước ra sân khấu lớn, khán giả của họ cũng cuồng nhiệt không kém các lễ hội EDM. Tiêu biểu có thể kể đến lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon Music Festival hay Thơm Music Festival đều là sân chơi của nhiều cái tên nổi bật trên YouTube và Soundcloud Việt Nam.

Thả trôi mọi rắc rối trong Lofi

Khi dòng nhạc đại chúng đang dần tiến vào lãnh địa của âm thanh điện tử chất lượng cao, thì thể loại nhạc Lofi (viết tắt của Low-fidelity: chất lượng thấp) lại sử dụng những âm thanh chất lượng thấp với những lỗ hổng kỹ thuật chỉ gặp khi nghe băng đĩa cũ, như rè, giựt,… Thông thường Lofi chỉ toàn nhạc không lời với âm điệu chậm rãi, bay bổng của Soul, Jazz, hay sự phá cách của Hiphop. Hiếm hoi lắm mới có thể bắt gặp tiếng người dưới dạng lời thoại ngắn về một câu chuyện nào đó.

Thể loại âm nhạc chậm chạp, lãng đãng, có chút trầm buồn như thế này, ngạc nhiên thay lại rất được lòng một cộng đồng trẻ trên khắp thế giới. Đơn cử như kênh streaming nhạc Lofi nổi tiếng trên YouTube ChilledCow, lượt truy cập chưa bao giờ dưới 10.000, thỉnh thoảng còn vượt mức 100.000. Bên cạnh đó, một số trang nhạc Lofi nổi tiếng khác như Chillhop Music, The Jazz Hop Cafe, the bootleg boy cũng có số lượng theo dõi cao (hơn 2 triệu) và lượt nghe cao không kém.


Lofi là một đại diện cho sức quyến rũ của sự đơn giản, từ phần nhạc, phần hình đến phần tên. Nhạc Lofi hiện đại thường là những đoạn beat quen thuộc của các bài hát nổi tiếng, được xử lý thành âm thanh chất lượng thấp, với giai điệu lặp liên tục. Hình ảnh được sử dụng thường là hoạt hình hoặc hình chụp phim dạng tĩnh, dạo gần đây mới được thêm thắt một số chi tiết động, hoặc một đoạn phim anime được cắt ghép.

Đặc biệt, tên của các video Lofi thường gắn liền với ngữ cảnh, như “late night vibe” “raining in…” “for study”; hoặc với tâm sự, như “it’s 1am and I miss you” dành cho nỗi cô đơn, nhung nhớ, hay “Sunflowers” mang đến niềm hạnh phúc chìm đắm trong tình yêu như hoa hướng dương đón ánh mặt trời.

Tự do bay nhảy trong giai điệu của Jazz

Giai điệu lung tung, khó nghe, khó hiểu — đây có lẽ là ký ức tuổi thơ của khá nhiều người khi nhắc đến Jazz. Nhưng hiện tại, biết bao người trẻ đắm chìm trong những ca khúc của Lalaland, để bộ phim này giành trọn 2 giải Oscar 2017 cho “Nhạc nền xuất sắc” và “Ca khúc trong phim hay nhất”? Bao nhiêu phản hồi tốt đã mà bản nhạc “Cho” nhuốm màu Jazz của Ngọt Band đã thu về? So với các thể loại trên, Jazz kén người nghe hơn, nhưng số lượng người yêu thích thứ âm nhạc “khó nghe” này đang tăng lên, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc hoài cổ2
Bản nhạc “Cho” của Ngọt Band.

Jazz kén người nghe hơn các thể loại trên bởi sự tự do của nó không theo một quy luật định sẵn nào. Đó là những khúc nhạc không thể đoán định, phụ thuộc hoàn toàn vào ngẫu hứng của người chơi. Đồng thời, Jazz tận dụng tất cả những tiết tấu nghịch phách, đảo phách, giật, mang đến sự lạ tai khó nhầm lẫn.

Chính sự tự do của Jazz là điểm mê hoặc đối với giới trẻ. Những đoạn trầm tột độ, những khúc nhạc phấn khích tột đỉnh của Jazz rất dễ dàng hoà vào khung bậc cảm xúc lên xuống thất thường của các bạn trẻ. Tự do của Jazz cũng là tiếng nói của sự nổi loạn, vì bản thân nó đã là một cuộc nổi loạn thành công trong khuôn khổ âm nhạc vốn có rất nhiều quy tắc. Điều này lại một lần lại chạm đến khao khát của một bộ phận giới trẻ, những người “nổi loạn ngấm ngầm” dưới lớp vỏ bọc chuẩn mực, chưa muốn hoặc chưa dám bộc lộ cá tính của mình.

Lùi về quá khứ với những bản remake nhạc xưa

Làm mới những bản nhạc vang bóng một thời là trào lưu đã được nhiều nghệ sĩ Indie nước ngoài theo đuổi từ vài năm về trước. Chỉ với một chiếc guitar classic hay ukulele, cùng với chất giọng mộc mạc, ngọt ngào là đủ cho một bản cover nao lòng người nghe. Reneé Dominique, cô ca sĩ trẻ triệu view trên YouTube là một ví dụ khá thành công với nhiều bản cover các hit của thập niên 80, 90.

Đến khoảng năm 2017, dự án See Sing & Share của Hà Anh Tuấn mới bắt đầu dẫn dắt người trẻ Việt quay lại với âm nhạc Việt Nam đầu những năm 2000. Hàng loạt dự án “lùi về quá khứ” với những bản nhạc gắn liền với tuổi thơ 8x, 9x đời đầu đã thu hút nhiều tên tuổi lớn như Phương Vy, Quang Vinh, Trúc Nhân,…, những giọng ca Indie và thậm chí là giới underground như Kimese, Hà Lê.

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc hoài cổ3

Bằng cách tô điểm những sắc màu lạ vào những bài hit xưa cũ, những bản remake này đã tạo ra sự giao thoa cũ – mới được lòng giới trẻ.

Sự đón nhận của giới trẻ đối với những bản remake này không chỉ dừng lại ở những con số hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt nghe, mà còn ở những đoạn tâm tình, những kỷ niệm xưa được kể lại ở phần bình luận. Như Hà Anh Tuấn chia sẻ trong dự án của mình, thì ” sự liên tưởng cũ – mới trong một ca khúc sẽ dễ chiếm lĩnh tình cảm của khán giả”. Những bản hit tuổi thơ nhưng nay được tô điểm sắc màu lạ hơn, phù hợp hơn với thị hiếu âm nhạc hiện đại, nhờ đó mà được lòng giới trẻ, bởi họ biết âm nhạc này là ký ức của họ và được làm lại cho chính họ.

Điều gì đã đưa giới trẻ đến với bốn thể loại nhạc trên?

Mẫu số chung đầu tiên khiến các dòng nhạc trên được giới trẻ yêu thích, đó là sự hoài niệm và tấm lòng của người nghệ sĩ. Cả bốn thể loại trên đều không phải nhạc thị trường. Tất cả giai điệu, lời ca đều xuất phát từ tấm lòng thấu hiểu, đồng cảm chân thành của nghệ sĩ đối với khán giả, tạo nên sự kết nối trong tâm hồn.

Thật ra, dưới lớp vỏ bọc vui vẻ, năng động, giới trẻ ngày nay còn là một thế hệ khép kín, cô độc. Họ luôn cần một nơi để giải tỏa những tâm tư khó nói, những cảm giác khó giải, hoặc tìm kiếm những liều thuốc tâm hồn giữa quá nhiều rối ren, áp lực. Indie, Lofi, Jazz và các bản remake nhạc xưa đã thỏa mãn những yêu cầu đó. Giới trẻ đồng cảm với tâm sự thầm kín trong lời nhạc Indie, tìm thấy sự tự do đáng mơ ước trong những bản Jazz, hoài niệm tuổi thơ bình yên qua Lofi và các bản remake.

Vì sao giới trẻ ngày càng chuộng các dòng nhạc hoài cổ4
Indie, Lofi, Jazz và các bản remake nhạc xưa như một nơi trải lòng của người trẻ giữa thế giới đầy rối ren và áp lực.

Xu hướng âm nhạc “hoài cổ” của người trẻ còn có thể giải thích theo góc độ tâm lý. Theo nhiều báo cáo, những áp lực trong thế giới hiện đại đã làm gia tăng tỷ lệ stress và rối loạn lo âu trong giới trẻ. Âm nhạc là một trong những liệu pháp đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả nhất để giải tỏa căng thẳng. Đồng thời, những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, gợi nhớ những kỷ niệm đẹp thường mang đến hiệu quả làm dịu thần kinh tốt. Chính đặc điểm này đã khiến cộng đồng trẻ tìm đến, hoặc vô thức bật liên tục cả ngày những thể loại nhạc này.

Không cần quảng bá rầm rộ, những bản nhạc Indie, remake của một số nghệ sĩ vẫn được chờ đón ngay từ khi tung teaser chẳng thua gì nhạc thị trường. Những bản Lofi, Jazz vẫn được giới trẻ nghe đi nghe lại hằng ngày mà chẳng phải vì mục đích “cày” view. Cho dù mang phong cách đối chọi với những dòng nhạc thị trường hiện nay, cả bốn thể loại nhạc trên đang lan tỏa sức hút ngày càng mạnh mẽ và hấp dẫn thêm nhiều người cùng đồng cảm với những giai điệu nhẹ nhàng thân thương này.

Bài viết này được thực hiện bởi Vân Trần.

Đọc thêm:

[Bài viết] Dòng nhạc indie: Khám phá âm nhạc đa sắc màu cùng năm nghệ sĩ indie Việt

[Bài viết] Vũ Đinh Trọng Thắng – Ngọt: Thiền và sáng tạo