Tóm Lại Là: Vì sao hạn mặn Cửu Long không viral như cháy rừng Úc? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: Vì sao hạn mặn Cửu Long không viral như cháy rừng Úc?

7 Điều bạn chưa biết về hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao sự kiện môi trường này không nhận được nhiều sự chú ý như cháy rừng ở Úc?
Tóm Lại Là: Vì sao hạn mặn Cửu Long không viral như cháy rừng Úc?

Tóm Lại Là: Vì sao hạn mặn Cửu Long không viral như cháy rừng Úc?

1. Chuyện gì đang xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long?

Từ giữa tháng 02/2020, đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến hạn hán và xâm nhập mặn (hạn mặn) ở mức kỷ lục, gây thiệt hại nặng nề trong đời sống sinh hoạt và canh tác của bà con nông dân.

2. Thiệt hại đang là bao nhiêu?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 03/2020:

  • Tổng thiệt hại lúa vụ lên đến 32.000 héc ta;
  • 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt;
  • Giá nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu tăng từ 8.000VND/m3 lên 200.000VND/m3. Một gia đình 4 người mỗi tháng phải chi ít nhất hơn 1 triệu đồng mua nước ngọt.

3. Ai chịu thiệt hại nặng nề nhất?

Người dân các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

4. Khi nào thường xảy ra hạn mặn?

Tại khu vực Tây Nam Bộ, hạn hán và xâm nhập mặn là thiên tai thường xảy ra vào mùa khô hằng năm.

5. Tại sao có hạn mặn?

Những nguyên nhân chính của hạn hán, xâm nhập mặn là:

  • Mùa khô khiến lượng mưa giảm, nước sông cạn kiệt và nước biển cùng muối tràn vào theo các sông, kênh.
  • Biến đổi khí hậu làm cho các đại dương ấm lên và băng tan từ vùng cực, khiến nước biển dâng. Nước biển dâng mở rộng vùng xâm nhập mặn, thu hẹp diện tích vùng nước ngọt.
  • Các quá trình nhân tạo như thủy lợi, thủy điện, sử dụng phân bón và khai thác nước ngầm quá mức gây ô nhiễm và mất cân bằng trữ lượng nước ngọt.

6. Cháy rừng Úc và hạn mặn Cửu Long giống nhau ở đâu?

Hai sự kiện này đều:

  • Là thiên tai mùa khô;
  • Xảy ra hằng năm;
  • Gây thiệt hại nặng nề;
  • Diễn biến phức tạp, khó kiểm soát;
  • Trở nên tệ hơn do các yếu tố nhân tạo như biến đổi khí hậu.

7. Hai sự kiện này khác nhau như thế nào?

Cháy rừng Úc được chú ý hơn hạn mặn Cửu Long nhiều. Theo Google Trends, tại Việt Nam, lượng tìm kiếm về cháy rừng Úc gấp 25-100 lần hạn mặn Cửu Long ở đỉnh điểm.

Lý giải điều này, giám đốc truyền thông tại Hà Nội chia sẻ với Vietcetera:

  • Cháy rừng Úc có diện tích thiệt hại lớn gấp 6 lần hạn mặn Tây Nam Bộ;
  • Khi cháy rừng Úc thu hút truyền thông quốc tế đỉnh điểm và gây sốc ở Việt Nam, rừng đã cháy được 3 tháng rồi;
  • Số lượng ảnh và video về cháy rừng ở Úc trên mạng xã hội gấp nhiều lần về ngập mặn Tây Nam Bộ. Những nội dung về cháy rừng Úc hầu hết bằng tiếng Anh, cho phép ký giả quốc tế tiếp cận tình hình dễ dàng;
  • Ảnh hưởng truyền thông của dịch virus corona lấn át các sự kiện khác như ngập mặn Tây Nam Bộ.

Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kiêm ký giả tờ New York Times, cho rằng việc cháy rừng Úc được chú ý hơn hẳn các thảm họa môi trường khác là một tin buồn.

Krugman giải thích, hầu hết các thảm họa do biến đổi khí hậu xảy ra lâu và âm thầm. Chỉ những sự kiện “ăn ảnh” (photogenic) như cháy rừng Úc mới nhận được phản ứng dữ dội, “vì nhìn vào bức tường lửa là công chúng đã thấy độ nghiêm trọng, không cần đọc thêm gì nữa”.