Vì sao nên ứng dụng khoa học dữ liệu trong kinh doanh bất động sản? - Recap “Vietnam Innovators” tập 36 | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao nên ứng dụng khoa học dữ liệu trong kinh doanh bất động sản? - Recap “Vietnam Innovators” tập 36

Huỳnh Ngọc Tấn chia sẻ về cách ứng dụng khoa học dữ liệu trong ngành bất động sản để hoạt động kinh doanh trở nên rõ ràng, minh bạch, giúp cải thiện doanh thu.
Vì sao nên ứng dụng khoa học dữ liệu trong kinh doanh bất động sản? - Recap “Vietnam Innovators” tập 36

Data Director Huỳnh Ngọc Tấn. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Bối cảnh đại dịch cùng sự phát triển của công nghệ tân tiến đã tạo ra nhiều xu hướng mới, buộc các ngành công nghiệp phải nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động. Do đó, khoa học dữ liệu giờ đây được xem như một yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp, bất kể là về nguồn lực nhân sự, sản phẩm, hay doanh thu.

Tuy nhiên, ngành bất động sản hiện nay còn thích ứng khá chậm với những thay đổi và xu hướng thị trường mới. Người trong ngành vẫn chủ yếu xử lý công việc dựa trên thủ tục giấy tờ, nhiều khi chỉ dựa vào “trực giác”.

Theo Data Director Huỳnh Ngọc Tấn, trên thực tế, bất động sản là một “sân chơi lớn” để ứng dụng dữ liệu. Ngọc Tấn từng làm việc tại Thung lũng Silicon ở California, với hơn 10 năm kinh nghiệm kinh doanh thông minh (business intelligence) trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Anh chia sẻ, các công ty nên theo dõi và dựa vào dữ liệu để nhanh chóng nắm bắt thông tin chi tiết, sau đó đưa ra giải pháp hợp lý.

“Chúng ta có thể ứng dụng dữ liệu ở nhiều điểm chạm (touchpoints) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Ví dụ như khi lựa chọn khu đất phù hợp để xây dựng dự án, hoặc trong việc quản lý tài sản sau khi bán bất động sản, dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng,” Ngọc Tấn chia sẻ.

Quy trình ứng dụng dữ liệu

Việc tìm hiểu và ứng dụng khoa học dữ liệu cùng các thủ tục liên quan trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần thời gian, nhiều khi còn đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cấp quản lý. Trong lĩnh vực bất động sản nói riêng, các nhà phát triển và nhà môi giới nên ứng dụng dữ liệu để có thể khai mở một số tiềm năng nhất định.

Để thu được kết quả tốt nhất, quy trình ứng dụng dữ liệu cần theo từng bước chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt thứ tự: thu thập, kiểm tra, phân tích, cải tiến, và kiểm soát. Ở cương vị Data Director tại một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, Huỳnh Ngọc Tấn có trách nhiệm khởi tạo quy trình này, thành lập đội ngũ thực hiện quy trình, và dựa trên dữ liệu đã phân tích để định hướng bước đi tiếp theo.

Ứng dụng dữ liệu trong ngành bất động sản

Đối với mọi dự án chuyển đổi, việc xây dựng văn hóa dữ liệu bất động sản vững mạnh đóng vai trò quyết định tới tiến độ triển khai và phát triển, không chỉ của doanh nghiệp sở hữu dự án, mà còn của chính dự án và các đối tượng khách hàng.

“Ngành bất động sản nói chung bao gồm 5 trụ cột chính: đất đai hoặc dự án (quyết định mật độ dân số), thiết kế sản phẩm (công trình xây dựng trên khu đất đó), triển khai dự án, bán hàng và tiếp thị, quản lý tài sản (cho thuê hoặc phát triển tiện ích). Những hoạt động này hoàn toàn có thể được tối ưu hóa thông qua sắp xếp, sàng lọc và định tính dữ liệu một cách hiệu quả.”

Dữ liệu có thể được sử dụng để xác định và quản lý rủi ro, dự đoán các vấn đề có thể xảy ra hoặc dự đoán hành vi của người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp điều chỉnh các giải pháp và chiến lược phù hợp với các vấn đề hoặc cơ hội cụ thể. Việc áp dụng dữ liệu cũng sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn liên quan đến dự án bất động sản.

Dù hoạt động chuyển đổi dữ liệu đòi hỏi một khoản chi phí không nhỏ, nhưng theo Ngọc Tấn nhận định, đây là một khoản đầu tư “sinh lời”.

“Khi tận dụng hệ thống dữ liệu, bộ phận lãnh đạo sẽ có một cái nhìn tổng thể và rõ ràng về mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Tiếp đó, công ty sẽ đạt được sự minh bạch, bởi dữ liệu đảm bảo công khai những thông tin cần thiết khi việc kinh doanh diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Và cuối cùng, khi công ty nhận thấy rõ mối liên hệ giữa các biện pháp và khả năng tận dụng khác nhau, họ có thể phát triển các mô hình kinh doanh mới nhằm cải thiện doanh thu.”

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân