Vì sao nhạc Taylor Swift lại hút fan đến thế? Tâm lý học giải thích | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 11, 2023
Tâm Lý Học

Vì sao nhạc Taylor Swift lại hút fan đến thế? Tâm lý học giải thích

Thành công của Taylor Swift không chỉ nhờ hình tượng cô xây dựng, mà còn vì âm nhạc được sáng tác một cách rất khoa học.
Vì sao nhạc Taylor Swift lại hút fan đến thế? Tâm lý học giải thích

Nguồn: Teen Vogue

Nữ ca sĩ Taylor Swift gần đây đã trở thành tỷ phú với khối tài sản ròng đạt 1.1 tỷ USD sau thành công của The Eras Tour. Đây là chuyến lưu diễn được cô miêu tả là “hành trình đi xuyên các kỷ nguyên âm nhạc của bản thân”.

Theo nhà phân tích tài chính Callie Cox, Taylor không chỉ là một biểu tượng nhạc pop đương đại mà còn là hiện tượng kinh tế. Mỗi thành phố cô dừng chân lưu diễn đều thu về hàng triệu USD, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương. Thậm chí tại Seattle, điệu nhảy của các fan trong concert còn tạo ra rung động tương đương cơn địa chấn 2.3 độ richter.

Ngoài yếu tố concept và văn hóa fandom thân thiện, thì âm nhạc của Taylor Swift thực sự đã thành công một cách rất khoa học. Theo chuyên trang về khoa học thần kinh Neuroscience, hầu hết các bài hát của Taylor thỏa mãn những yếu tố làm nhạc “hay” được các nghiên cứu chuyên sâu về âm thanh nhận định.

“Bước ngoặt giai điệu” khiến não phấn khích

Theo một nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Kelly Jabukowski và cộng sự, những ca khúc bắt tai thường mang các đặc điểm: cấu trúc đơn giản, tiết tấu nhanh, cao độ lên xuống không quá lắt léo và luôn lặp lại theo một khuôn mẫu. Bù lại, để ca khúc trở nên nổi bật, nó cần những “bước ngoặt giai điệu” (melodic turning point) giữa những phần khác nhau.

Để tạo ra yếu tố này, Taylor Swift đã áp dụng những giai điệu một nốt (one-note melody) vào từng đoạn nhạc trong bài. Điều này giúp tạo ra cấu trúc đơn giản và cao độ ổn định, khiến chúng ta không thể ngừng ngân nga bài hát trong đầu.

Đến đoạn nhạc tiếp theo, một nốt nhạc khác được đưa vào để tạo nên thay đổi thú vị. Nếu là nốt cao hơn đoạn nhạc trước, nó sẽ kích thích adrenaline rush và một lượng nhỏ dopamine khiến người nghe hưng phấn. Nếu là nốt thấp hơn, sẽ tạo cho người nghe cảm giác được giải phóng căng thẳng.

Những ví dụ điển hình của “giai điệu một nốt” có thể kể đến bài Our Song hay Out of the Woods. Câu “Our song is a slamming screen door” (tạm dịch: Bản nhạc của chúng ta là cái cửa đóng sầm), với từ “door” được hát cao bất ngờ, mang lại nguồn năng lượng tuôn trào sau phần giai điệu mở đầu.

Tìm thấy “mùi vị cũ” trong những bài hát mới

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science, niềm vui đến từ việc nghe nhạc gắn liền với quá trình dự đoán. Nói cách khác, khi nghe một bản nhạc mới, ta có xu hướng đoán xem nó nghe “quen” hay “lạ”, và dù đoán đúng hay sai thì não cũng có được một trải nghiệm thú vị.

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thí nghiệm chứng minh điều này. Người tham gia được nghe một bài hát mới lạ, và đánh giá độ yêu thích với nó. Họ được chụp cộng hưởng từ (MRI) để so sánh hoạt động ở các vùng não khác nhau. Với những ai thích bài hát, hệ thống phần thưởng và khu vực liên quan đến phân tích và trí nhớ trong não họ tương tác mạnh mẽ với nhau.

Điều này cho thấy khi nghe nhạc mới, não sẽ tự động tìm kiếm các đặc điểm quen thuộc ta đã nghe ở những bài hát khác. Từ đó, chúng ta “dự đoán” xem bài hát sẽ tiến triển như thế nào. Quá trình này có thể mang lại những cảm xúc mãnh liệt, và đã được Taylor Swift ứng dụng thành thạo trong âm nhạc của mình.

Các chuyên gia sáng tác đến từ tạp chí âm nhạc Switched On Pop giải thích, “Taylor rất giỏi tạo ra các kiểu mẫu (pattern) quen thuộc, rồi xoay vần nó theo nhiều cách khiến fan ngạc nhiên”.

Một ví dụ điển hình là hai phiên bản của ca khúc Love Story được thu âm năm 2008 và 2021. Fan được nghe lại đúng kiểu nhạc và bài hát ưa thích, nhưng vẫn không khỏi bất ngờ và thích thú khi phát hiện ra những điểm nhấn mới.

Thời gian đóng vai trò quan trọng

Ngoài giai điệu, còn nhiều yếu tố khác tác động lên cách não nhận thức và giúp bạn hình thành “gu” âm nhạc. Thời gian và bối cảnh ra đời của một bài hát/album là hai trong số đó, mà album folkloreevermore là ví dụ điển hình.

Theo Neuroscience, hai album này khác hẳn so với các sản phẩm âm nhạc trước đó của Taylor. Các bài hát không còn nhiều cấu trúc “bắt tai” hay các kiểu mẫu giai điệu - những yếu tố quen thuộc giúp cô hút fan. Vì vậy, chúng được nhận định là tác phẩm đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp của Taylor, khi âm nhạc của cô mang tính thử nghiệm nhiều hơn.

15nov2023screenshot20231115101553jpg
folkloreevermore được đánh giá là hai album đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp của Taylor Swift trong âm nhạc. | Nguồn: Pitchfork

Dù vậy cả hai album đều thành công vang dội, và folklore thậm chí còn ẵm giải Grammy 2021 cho hạng mục "Album của Năm". Theo Switched On Pop, thời gian là một yếu tố then chốt đứng sau sự thành công này.

Cả hai đều ra mắt năm 2020 - thời điểm thế giới bị COVID-19 hoành hành, và chúng ta đều trải qua các thay đổi lớn trong thời kỳ “bình thường mới”. Sự đồng bộ trong yếu tố chuyển tiếp (transition) giữa âm nhạc Taylor và tình hình thế giới khiến nhiều người “thấu cảm” với sự thử nghiệm của Taylor, bởi chính họ cũng đang phải thử nghiệm với cách sống mới.

Ngoài ra, việc đắm chìm trong những câu chuyện đậm tính thay đổi được cô kể trong những bài hát này cũng cho fan một lối thoát khỏi thế giới đang khủng hoảng về mọi thứ. Điều này lý giải vì sao folkloreevermore lại được công chúng đón nhận đến vậy, dù chúng khác hẳn những sản phẩm âm nhạc trước kia của Taylor Swift.

Những bài hát xuất hiện khắp mọi nơi

Dù không biết gì về Taylor Swift, có lẽ bạn cũng từng nghe bài Shake It Off hay Blank Space được bật ở siêu thị hay quán cafe nào đó. Cô có những bài hát mà gần như bạn đi đến đâu cũng nghe thấy, và sau khi nghe quá nhiều lần thì não bạn cũng vô thức thích chúng.

15nov2023screenshot20231115101942jpg
Dù không biết Taylor là ai, thì nhiều khả năng bạn cũng đã nghe Shake It Off ở đâu đó. | Nguồn: Taylor Swift/YouTube

Đây là ví dụ điển hình của hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect). Theo đó, khi tiếp xúc đủ nhiều và đủ lâu với một thứ gì đó, bạn dễ hình thành sự thiên vị cho nó. Thậm chí do tính chất “bắt tai” vốn có của nhạc Taylor, sẽ đến lúc bạn vô thức huýt sáo hay hát theo những ca khúc trên mà không biết.

Một nghiên cứu chụp MRI khác đăng tải trên PubMed cũng cho thấy, giai điệu quen thuộc kích hoạt hệ thống phần thưởng não nhiều hơn là ý thích chủ động của chúng ta. Nói cách khác, khi nghe thấy bài hát quen thuộc của Taylor vang lên, bạn tự khắc sẽ thấy hưng phấn dù có phải Swiftie hay không.