Vì sao bạn không thể ngừng ngân nga một giai điệu trong đầu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 02, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao bạn không thể ngừng ngân nga một giai điệu trong đầu?

"Con bướm xuân", "Baby Shark" có gì mà bám chặt trong đầu bạn đến thế, dù bạn thích hay không?

Vì sao bạn không thể ngừng ngân nga một giai điệu trong đầu?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nếu bạn nhấn vào bài viết này vì đã từng có chung trải nghiệm, vậy thì bạn cũng giống 90% trong tổng số hơn 12,500 người dùng Internet từng tham gia khảo sát về hiện tượng một bài hát nào đó cứ tua đi tua lại mãi trong đầu mà không có nút tắt.

Đacircy lagrave một tấm higravenh biết haacutet Vigrave sao bạn khocircng caacutech nagraveo loại bỏ tragraveng doo doo doo
Đây là một tấm hình biết hát. Vì sao bạn không cách nào loại bỏ tràng "doo doo doo" ra khỏi đầu dù cực ghét nó?

Những giai điệu như vậy được gọi là ‘earworm' bởi khả năng bám dính mãi trong đầu. Những chú ‘sâu tai' này có lai lịch ra sao?

Thật sự có sâu trong tai chúng ta?

Sở dĩ được gọi là ‘earworm', dựa theo từ ‘ohrwurm’ trong tiếng Đức, vì cái tên này truyền tải rõ rệt tính bám dính của những giai điệu, như thể một con sâu luôn quanh quẩn bên tai.

Để được lưu trú lâu dài trong não, ‘earworm' lợi dụng vùng vỏ não trước – nơi chịu trách nhiệm cho nhận thức, cảm xúc, trí nhớ và suy nghĩ tự phát. Vùng này thường được kích hoạt mỗi khi nghe nhạc, và thỉnh thoảng khi chúng ta đang thoải mái, mơ màng, rơi vào trạng thái hoài niệm hay căng thẳng.

Cụ thể, trong vùng vỏ não trước này có một “vùng lặp âm vị" (phonological loop) – là hệ thống ghi nhớ ngắn hạn, thường ‘ghi âm' lại một phần nhỏ các thông tin từ thính giác, chẳng hạn như điệp khúc của một bài hát.

Hầu hết các thông tin được lưu tạm trong bộ nhớ ngắn hạn sẽ được xử lý bằng cách lưu trữ hoặc loại bỏ sau một thời gian. Tuy nhiên, những bài hát tạo ra ‘earworm' lại nằm ở vùng này lâu hơn, nhờ một số yếu tố đặc biệt.

Điều gì đã “nuôi dưỡng” nên một ‘earworm'?

Để một giai điệu có thể đeo bám dai dẳng, nó cần cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, và chúng là:

Đúng thời điểm

Những bài hát có “tính truyền nhiễm" cao thường là những bài mà trong thời gian gần đó đi đâu bạn cũng nghe, đến quán cà phê nào cũng phải bật vài ba lần. Ngoài ra, nếu bài hát đó gắn liền với một cảm xúc riêng, nó lại càng dễ ‘ám ảnh’ bạn. Chẳng hạn như "Con bướm xuân" mỗi dịp Tết đến.

Giai điệu bắt tai

Nhà tâm lý Kelly Jakubowski và các đồng nghiệp nhận ra điểm chung của những giai điệu này là phải có cấu trúc đơn giản, tiết tấu nhanh, cao độ lên xuống không quá lắt léo để người nghe dễ hát theo, và luôn lặp lại theo một khuôn mẫu giúp dễ ghi nhớ.

Bù lại, để giai điệu này khác biệt và nổi bật, nó phải có những quãng nhạc (khoảng cách về cao độ) độc đáo, vừa đủ để tạo tính bất ngờ, nhưng vẫn duy trì được cấu trúc đơn giản.

Nếu cảm thấy khó hình dung, hãy thử nhẩm theo bài “Twinkle Twinkle Little Star" hoặc “Bad Romance” của Lady Gaga đi và bạn sẽ hiểu.

Nền tảng âm nhạc, tính cách và ảnh hưởng của một số hội chứng tâm lý

Ngoài việc có tính cách cởi mở với trải nghiệm mới, nếu bạn bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn thần kinh, xác suất trở thành ‘con mồi' của bọn ‘sâu tai' này cũng cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người nhạy cảm với âm nhạc, ví dụ như nhạc sĩ, sẽ dễ bị ‘earworm' hơn những người khác. Bởi vì càng tiếp xúc nhiều với âm nhạc, cấu trúc và chức năng của vùng vỏ não trước sẽ thay đổi.

‘Earworm' tốt hay xấu?

Hai phần ba số người tham gia một nghiên cứu về phản ứng của người nghe cho rằng ‘earworm' có mặt tốt, hoặc không tốt cũng chẳng xấu; một phần ba còn lại cho rằng đây là một hiện tượng phiền phức.

Không phải chú ‘sâu tai' nào cũng lành tính. Đôi khi nó khiến bạn mất tập trung, đau đầu hoặc ù tai. Thậm chí, nó còn tăng thêm khổ sở cho những người đã có sẵn bệnh về thần kinh hoặc đang mắc các hội chứng tâm lý. Nó cũng có thể kéo theo tình trạng palinacousis – khi bạn vẫn nghe thấy âm thanh dù tiếng động trước đó đã tắt.

Tuy nhiên, bản chất của âm nhạc là sự lặp lại. Chúng ta thẩm thấu một bài hát thông qua quá trình nghe lại nhiều lần, và mỗi lần sẽ là một cách hiểu mới, một cảm nhận khác đi. Làm sao một bài hát trở thành ‘hit' được nếu nó không khiến nhiều người phải phát đi phát lại bài hát đó, dù là chủ động hay vô thức?

Ngoài ra, ‘earworm' là một dạng hoạt động trí não tự phát. Trạng thái ‘mơ màng' đó đã được chứng minh là mang lại ích lợi cho não bộ, mà rõ rệt nhất là về tính sáng tạo.

Earworm cũng mang lại lợi iacutech một trong số đoacute lagrave tiacutenh saacuteng tạo
'Earworm' cũng mang lại lợi ích, một trong số đó là tính sáng tạo.

Dành cho nhóm một phần ba không thích ‘earworm'

Vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm ra cách diệt ‘sâu tai' hiệu quả. Nhiều người chỉ đang truyền miệng những cách như hát to thành lời hoặc nghe hết cả bài, vì họ tin rằng hiện tượng này xảy ra khi bạn chỉ nhớ một phần của bài hát; hoặc nhai kẹo cao su để phân tán sự chú ý.

Tuy nhiên, nhà tâm lý học Daniel Wegner cảnh báo rằng việc chống đối có thể sẽ khiến bài hát càng đeo bám dai dẳng hơn.

Còn nếu không thấy phiền đến mức đó, lời khuyên của các chuyên gia là cứ mặc kệ! Bạn vẫn có thể lợi dụng những lợi ích của nó, và cứ xem như đang nghe lại (vài lần) một đoạn nhạc thôi.

Đọc đến đây rồi, đầu bạn còn chạy bài "Con bướm xuân" không?