Hồi nhỏ đã bao nhiêu lần bạn bị mắng vì tội tìm đồ chưa kỹ mà đã í ới gọi mẹ, để rồi thấy mẹ lôi ra đúng món đồ ấy, ngay tại vị trí mà bạn vừa tìm toát mồ hôi? Nỗi ấm ức này biết tỏ cùng ai.
Nhưng khi vào series #Bổ Não này, như thường lệ, chắc hẳn bạn đã biết đối tượng nào nên bị mắng.
Não bộ mới là kẻ nắm quyền điều khiển thị giác
Theo nhà tâm lý học Dobromir Rahnev, chúng ta luôn tưởng rằng thị giác của mình giống một chiếc máy ảnh, nhưng thật ra não bộ xử lý thị giác theo cách cồng kềnh hơn nhiều. Nó không chỉ ‘nhìn', mà còn tự xây dựng một hình ảnh trực quan và đưa ra quyết định về những gì chúng ta được thấy.
Quá trình này được gọi là nhận thức thị giác (visual perception), được kiểm soát bởi phần vỏ não trước (frontal cortex) và bao gồm 3 giai đoạn cơ bản:
- Lựa chọn: Phần sau (của vỏ não trước) lựa chọn một vài phần trong số những gì diễn ra trước mắt để chúng ta thật sự chú ý.
- Kết hợp: Phần giữa kết hợp thông tin với hình ảnh để xử lý.
- Đánh giá: Phần trước quyết định xem sẽ cho “thân chủ" nhìn thấy điều gì.
Bạn cứ tưởng mình đang nhìn toàn bộ cảnh tượng trước mắt, nhưng thực chất chúng chỉ là một phần được não lựa chọn cho bạn nhìn. Và tiêu chuẩn để nó lựa chọn dựa trên mong đợi/hình dung của chúng ta.
Khi tìm kiếm đồ vật cũng vậy. Nếu bạn không “mong đợi" nhìn thấy thứ bạn tìm ở nơi bạn đang đi tìm, não sẽ chuyển đổi “mong đợi" đó thành thị giác và “che mắt" bạn.
Não tìm kiếm đồ vật theo mong đợi như thế nào?
Theo nghiên cứu đăng tải trên trang khoa học Current Biology, trước hết não sẽ ‘quét’ một lượt toàn bộ khung cảnh trước mắt, đồng thời suy xét mối liên hệ giữa thứ mình đang tìm với đồ vật xung quanh — có thể là qua vị trí thường đặt hoặc kích cỡ so với những vật thể khác. Chúng đều là các thông tin đóng góp cho “mong đợi" của chúng ta", đồng thời cũng là “lối tắt" để não tìm kiếm nhanh hơn.
Nhưng khi mong đợi của chúng ta về vật thể đó không đồng nhất với thực tế, lối tắt biến thành bế tắc.
Ví dụ, hãy thử tìm bàn chải đánh răng trong hình dưới đây:
Lúc này, não sẽ tự động liên kết với vị trí xung quanh bồn rửa mặt, hoặc bất cứ nơi nào bạn thường đặt bàn chải. Đây là cách não hình dung một vật thể theo vị trí thường đặt.
Bằng “lối tắt" này, có lẽ bạn đã ngay lập tức nhìn thấy chiếc bàn chải ở mép bồn rửa mặt. Nhưng bạn có nhận ra rằng trong bức hình vẫn còn một chiếc bàn chải nữa không?
Điều này xảy ra vì não đã hình dung kích cỡ của vật thể đang tìm với cảnh vật xung quanh. Nếu kích cỡ thực tế của vật thể mâu thuẫn với cảnh vật xung quanh, khả năng cao là chúng ta sẽ lướt qua nó. Với trường hợp của chiếc bàn chải màu đen trên hình, kích cỡ của nó lớn hơn nhiều so với mong đợi.
Hiện tượng “mù thiếu chú tâm"
Inattentional blindness (tạm dịch: mù thiếu chú tâm) là hiện tượng khi chúng ta không thể nhìn thấy một vật thể rành rành trước mắt (nhưng bất ngờ xuất hiện), bởi vì đang bận tập trung vào một điều gì khác.
Có rất nhiều thí nghiệm chứng minh cho hiện tượng này, trong đó nổi tiếng nhất là thí nghiệm bên dưới đây: Bạn hãy thử xem video sau và đếm số đường chuyền của những người mặc áo trắng.
Ba người mặc áo trắng rất nổi bật và chuyền bóng cũng không nhanh, câu trả lời hoàn toàn trong tầm tay, miễn là bạn tập trung.
Nhưng bởi vì quá tập trung, bạn sẽ không thể phát hiện ra khoảng 9 giây giữa video, có một con khỉ đột cao - to - đen chậm rãi bước vào màn hình, đối diện với máy quay và đập mạnh vào ngực.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, xu hướng bỏ qua các vật thể nằm ngoài mong đợi là “kết quả phụ cho một chiến lược của não bộ”. Mục đích của nó là giảm thiểu tức thì các yếu tố có thể gây mất tập trung. Tuy nhiên nó lại vô tình chắn mất tầm nhìn và khiến chúng ta nghi ngờ thị giác của bản thân.
Thí nghiệm này nổi tiếng bởi nó khiến chúng ta phải suy xét lại niềm tin trực giác của mình: Chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều điều đang diễn ra xung quanh mà không hề hay biết rằng mình đang bỏ lỡ.