Vì sao ta luôn cảm giác Tết xưa trọn vẹn hơn Tết nay? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao ta luôn cảm giác Tết xưa trọn vẹn hơn Tết nay?

Không ít người cho rằng Tết ngày nay “nhạt”, không còn vui như Tết khi xưa, dù những truyền thống ngày Tết không thay đổi quá nhiều.
Vì sao ta luôn cảm giác Tết xưa trọn vẹn hơn Tết nay?

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

28dec2022hclogopng

Tết Nguyên đán Quý Mão đã đến rất gần. Nhưng dù qua bao nhiêu mùa Tết, bạn luôn có một cảm giác hoài cổ về những cái Tết khi còn nhỏ. Một cách vô thức, bạn thấy Tết hồi ấy vui hơn Tết bây giờ.

Còn đối với ông bà, bố mẹ chúng ta, những mùa Tết của năm tháng xưa cũ tuy nghèo khó đủ đường, nhưng chúng vẫn có điều gì đó trọn vẹn. Đây dường như là tâm lý chung của hầu hết mọi người, dù cuộc sống ngày nay no đủ và sung túc hơn.

Tâm lý hoài cổ vốn không mới lạ, nhưng nó đặc biệt mãnh liệt vào dịp lễ cổ truyền như Tết Nguyên đán hay Trung thu. Vậy không khí Tết có điều gì khiến bạn luôn nhớ về ngày xưa?

Không khí sum vầy khiến bạn thêm hoài cổ

Ngày Tết là thời điểm nhiều thế hệ trong gia đình quây quần lại bên nhau, ôn lại kỷ niệm xưa cũ. Đây là ví dụ điển hình của hồi tưởng tường thuật (narrative reminiscence). Theo hai nhà tâm lý Lisa Watt và Paul Wong, kiểu hồi tưởng này có tác dụng kết nối mọi người và mang lại những cuộc trò chuyện tích cực.

Theo tạp chí Nature Human Behavior, con người vốn là một sinh vật xã hội, có xu hướng suy nghĩ và hành động theo những người xung quanh. Vì vậy để hòa mình vào không khí quây quần của người thân, bạn cũng thường nhớ về những cái Tết xưa kia.

Điều này đặc biệt đúng khi bạn có người thân không gặp mặt trong nhiều năm, và họ chủ yếu ấn tượng về bạn trước kia hơn là hiện tại. Họ sẽ kể lại những kỷ niệm ấy, khiến bạn nhanh chóng bước vào miền ký ức.

Thời gian tỉ lệ nghịch với sự phấn khích của bạn

Lần đầu tiên luôn là một cột mốc khó phai mờ. Vì vậy, bạn có xu hướng dùng nó để tham chiếu cho những trải nghiệm về sau. Thiên kiến này còn gọi là “hiệu ứng mỏ neo” (anchoring effect).

Những trải nghiệm ngày Tết cũng không phải ngoại lệ. Chắc hẳn bạn vẫn nhớ lần đầu tiên được tham gia gói bánh chưng, rồi thức canh nồi bánh xuyên đêm trong khi trò chuyện rôm rả với các anh chị em. Rồi được mua quần áo mới, được đi chúc Tết khắp nơi. Song khi những hoạt động đó lặp lại qua từng mùa Tết, bạn không còn ấn tượng mạnh với chúng như lần đầu.

05jan2023bonaointext1jpg
Lần đầu gói bánh chưng và thức trông nồi bánh chín trở thành “điểm tham chiếu” cho những lần sau.

Bên cạnh đó, theo nhà tâm lý học Joseph Bordelon, tuổi vị thành niên là thời điểm ký ức và khả năng nhận thức của chúng ta được ghi nhớ nhiều nhất. Nguyên nhân vì ký ức ở giai đoạn này liên quan đến nội tiết tố và quá trình hình thành bản dạng cá nhân của bạn.

Khi lượng hormone giảm dần theo thời gian và bản thể bạn trở nên ổn định, các trải nghiệm tương tự không còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trên vùng não cảm giác. Đây chính là lý do càng lớn, bạn càng thấy Tết “nhạt” và không còn vui như hồi nhỏ.

Tâm lý khan hiếm trôi đi theo ký ức

Trước đây gà luộc, xôi gấc hay bánh chưng trở thành “xa xỉ phẩm” vì bạn chỉ được ăn chúng vào mỗi dịp Tết đến. Điều này đặc biệt đúng với những người ở thế hệ 8x-9x đổ về trước, khi đất nước chưa bước khỏi vùng trũng đói nghèo.

Nhưng giờ đây bạn có thể thấy những món này bày bán trong chợ hay siêu thị hàng ngày. Chúng không còn là “của hiếm”, nên bạn cũng không còn quá hào hứng khi ăn chúng dịp Tết. Đây chính là ví dụ điển hình của tâm lý khan hiếm (scarcity psychology).

Theo National Geographic Society, con người có xu hướng đánh giá cao những món hàng quý hiếm, và đánh giá thấp khi chúng trở nên dư dả. Đây vốn là bản năng của não bộ giúp bảo toàn giống loài, nhưng nó có “tác dụng phụ” khiến trải nghiệm ngày Tết kém phần trọn vẹn so với trước kia.

Tâm lý này không chỉ xuất hiện trong mâm cỗ Tết. Khi bạn còn nhỏ, cuộc sống gần như là một vòng lặp xoay quanh việc đi học và về nhà, không có quá nhiều sự kiện nổi bật. Vì vậy ngày Tết thời đó trở nên đặc biệt, vì bạn được làm rất nhiều điều “không bình thường”: tụ tập ăn uống, đi chúc Tết, du xuân và sắm quần áo mới.

Còn giờ khi trở thành người lớn, bạn có thể tụ tập bạn bè và đi chơi bất cứ khi nào muốn. Việc mua sắm quần áo cũng trở nên dễ dàng bao giờ hết với các app mua sắm online. Chúng không còn là hoạt động bạn phải chờ đến Tết mới được làm, nên bạn cũng bớt phần hào hứng.

Trải nghiệm Tết thay đổi theo giai đoạn cuộc đời

Đôi khi bạn cảm thấy Tết khi xưa vui hơn chỉ đơn giản là do… bạn đã trưởng thành, và không còn vô lo vô nghĩ như hồi nhỏ.

Khi còn nhỏ, Tết với bạn đơn thuần là chuỗi ngày được nghỉ học, ăn nhiều món ngon, đi chơi và nhận lì xì. Nỗi lo lắng của một đứa trẻ, có chăng là đống bài tập Tết được giao hoàn thành.

Còn giờ đây, mỗi dịp Tết đến là bạn phải lo mua sắm đủ thứ, tân trang bản thân và dọn dẹp nhà cửa. Đó là còn chưa kể đến 7749 câu hỏi về lương, về chuyện tình cảm hay con cái mà bạn bị “phỏng vấn” bất đắc dĩ. Những điều này cộng lại đều khiến trải nghiệm Tết của bạn bây giờ kém vui hơn hồi nhỏ.

05jan2023bonaointext2jpg
Khi còn nhỏ, Tết với bạn là chuỗi ngày “ăn chơi”. Nhưng lớn lên, Tết lại đi kèm với nhiều nỗi lo hơn.

Làm gì để Tết nay vui không kém phần Tết xưa?

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, ngày Tết vẫn sẽ đến mỗi năm. Và dù là Tết xưa hay Tết nay, "linh hồn" của những ngày đặc biệt ấy vẫn nằm ở sự sum vầy, ở mâm cỗ với bánh chưng, với thịt kho hột vịt và những cành mai đào nở rộ.

Chính vì vậy, thay vì sống chung với tâm lý bồn chồn và lo lắng, bạn có thể gợi ý gia đình và bạn bè một số hoạt động để “làm mới” ngày Tết, giúp giây phút sum vầy thêm trọn vẹn:

Thay đổi phương thức lì xì dịp Tết: Thay vì đưa phong bao cho từng người, bạn tổ chức “bốc thăm may mắn” xem ai bốc được phong bao giá trị nhất. Cách này vừa giúp giảm áp lực về số tiền lì xì, lại vừa khiến mọi người hứng thú hơn.

Thay đổi cách nấu cỗ Tết: Bạn tham khảo một số công thức nấu khác cho các nguyên liệu truyền thống như gà, gạo nếp hay đậu xanh để đổi vị. Bạn cũng có thể kết hợp nấu món ăn truyền thống ngày Tết của các nước Á Đông khác, tạo thành một bàn tiệc “đa văn hóa” thú vị. Cách này sẽ tạo nên bàn tiệc độc đáo, góp phần kích hoạt “tâm lý khan hiếm” cho mọi người.

Cho trẻ em trải nghiệm những hoạt động Tết xưa: luộc bánh chưng, dựng cây nêu hay khai bút. Giờ đây bánh chưng bán sẵn nhiều, nhưng bạn vẫn có thể tự mua nguyên liệu về cùng làm với gia đình. Cách này vừa giúp các bé có trải nghiệm mới, vừa cho người lớn cơ hội sống lại những năm tháng Tết xưa.

Sẻ chia để Tết nay thêm vui: Bạn có thể tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu hay nấu cơm từ thiện. Bởi khi làm những việc này, hormone phần thưởng dopamine sẽ gia tăng cảm giác hài lòng. Chúng không chỉ giúp những mảnh đời kém may mắn, mà còn khiến cái Tết của bạn trở nên tròn vẹn hơn.

Vượt một hành trình dài, chuyến xe Home Love đã mang một mùa Tết tròn vẹn đến với các em bé tại Khao Mang, Mù Cang Chải. Home Love - dự án ra đời từ sự sẻ chia, là một trong những hoạt động chính trong hành trình vì cộng đồng của công ty Tài chính số Home Credit tại Việt Nam. Tết 2023, hãy cùng Home Credit lan tỏa yêu thương, và tựu chung một mùa Tết tròn Tết vui tại đây nhé!