Câu chuyện Nờ Ô Nô và việc lắng nghe tiếng nói của nhóm yếu thế | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
28 Thg 11, 2022
Đời sốngNhật Ký

Câu chuyện Nờ Ô Nô và việc lắng nghe tiếng nói của nhóm yếu thế

Khi nào kẻ yếu không thể tự lên tiếng cho chính mình mà phải được “phát ngôn hộ” bởi người khác, khi ấy các bất công xã hội vẫn còn.
Câu chuyện Nờ Ô Nô và việc lắng nghe tiếng nói của nhóm yếu thế

Nguồn: TikTok Nờ Ô Nô

Tôi có lần đầu tiên nhìn rõ sự chênh lệch về mức sống và đặc quyền xã hội khi thành phố Hà Nội có đợt giãn cách lần đầu tiên 2 năm về trước. Nhà tôi ở khu Cửa Nam và thi thoảng trong những đêm mát trời, tôi vẫn có thể ra khỏi nhà và đi dạo trên phố Tràng Thi.

Hình ảnh mọi người nằm la liệt trên con phố ấy không phải điều quá kỳ lạ. Trước dịch bệnh, nhiều người vô gia cư vẫn trải chiếu tại các vỉa hè gần cổng bệnh viện. Đêm giao thừa, gia đình tôi đi bộ trên con phố này để ra hồ Gươm xem pháo hoa. Hàng quán đóng cửa từ sớm nên nhiều người đã ngồi la liệt trên vỉa hè từ ban ngày. Là một đứa trẻ ít trải nghiệm sống, chỉ xem vô tuyến và đọc sách giáo khoa, tôi khi ấy bất ngờ trước việc ở thành thị vẫn có nhiều người sống trong cảnh khó khăn như vậy.

Nhưng tôi của ngày nhỏ tuổi hơn chỉ nghĩ, giàu nghèo đơn thuần là sự chênh lệch về của cải. Và giải pháp cho đói nghèo, như tôi viết vào vở ô li để nộp cho cô giáo, là làm sao để người ít của có nhiều của hơn. Làm từ thiện dường như là cách duy nhất các nhà trường dạy tôi để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Giải quyết được miếng ăn thì dường như dân trung lưu thành thị không còn trách nhiệm gì nữa.

2 năm trước, khi trốn đi bộ ở phố Tràng Thi lúc nửa đêm, tôi nhìn thấy thêm các bức tranh cuộc đời đằng sau những thân phận thường bị ẩn đi danh tính trên truyền thông. Qua nói chuyện ngắn với một số cô bác, tôi biết có những người lên đây chưa kịp thuê trọ, chỉ ở cơ nhỡ trong khuôn viên bệnh viện vì có người nhà chạy chữa. Khi dịch đến, bệnh viện kín chỗ còn đường đi tỉnh đã không thể di chuyển được nữa. Họ đành ở lại.

Những câu chuyện như vậy hiếm khi xuất hiện trên truyền thông, đặc biệt là trong các chương trình từ thiện, nơi danh tính của bao con người được cô đọng lại chỉ còn là “người nghèo.” Và ngay cả khi các thân phận có được truyền thông khai thác vừa “chân thực,” vừa khéo léo đi chăng nữa, thì độc giả chỉ tiếp nhận các thân phận này với tư cách đối diện với “họ” - kẻ lạ, với khoảng cách cuộc sống cách xa và có phần không liên đới đến với “chúng ta.”

Giống như clip TikTok của Nờ Ô Nô đang bị phê phán mạnh mẽ, trong thực tế các bà cụ già sống trong cảnh nghèo đói, ngồi ngoài phố, chỉ được cất tiếng qua sự cho phép của người có nhiều đặc quyền hơn. Họ được trao cho của bố thí một cách bị động, cái nghèo của họ được diễn giải qua câu từ của TikToker. Và với vị trí “mâm trên,” những người như Nờ Ô Nô có thể phán xét cuộc sống của người nghèo khó một cách vô cảm.

Sự tiếp cận và trao đổi thiếu nhạy cảm của Nờ Ô Nô và nhiều người khác khi tiếp xúc với nhóm yếu thế không phải không phổ biến. Cách ứng xử thiếu nhạy cảm ấy dẫn tới việc những người này tước đi khả năng tự chủ lên tiếng của nhóm yếu thế. “Ngày xưa ăn quá trời rồi” - “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa.”

“Người nghèo” là danh phận đã bị giản lược. Tư tưởng bố thí khiến chữ “nghèo” chỉ còn một nội hàm, đó là sự thiếu vắng vật chất. Trong khi ấy, nhu cầu văn hoá, giáo dục, thư giãn, có các mối quan hệ lành mạnh, và nhu cầu gìn giữ danh dự bằng cách tự quyết định cuộc đời mình, bị cố tình lãng quên.

Thật khó để đưa ra giải pháp một đập ăn quan, trong tương lai bao lâu thì xoá được đói nghèo. Với tôi, mọi sự giúp đỡ hoặc mọi hành động nhân danh sự giúp đỡ đều cần thiết có tiếng nói đồng ý của người nhận. Sự cất giọng và mưu cầu nhận được sự tôn trọng của họ có giá trị tương đương với bất cứ gói hỗ trợ vật chất nào.