Tìm kiếm một điều gì đó mà bản thân không nhiều hiểu biết hay kinh nghiệm thật khó nhằn. Đặc biệt ở thời điểm bùng nổ thông tin với sự phát triển của mạng internet, kèm theo vô số cách thức PR khác nhau, ta như rơi vào một biển lựa chọn với sự hoang mang và nỗi lo lắng không biết cái nào mới phù hợp với mình.
Như vậy, một dịch vụ đặc thù như trị liệu tâm lý lại càng trở nên thách thức hơn. Bởi khi quyết định tìm tới nhà trị liệu, có lẽ ta đang ở trong giai đoạn nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Bài viết này sẽ mang tới cho bạn những gợi ý có định hướng khi đi tìm một nhà trị liệu phù hợp với bản thân.
Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần tìm tới nhà trị liệu?
Việc tìm tới dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp vẫn chưa phải là điều phổ biến, nên rất nhiều bạn đã trăn trở rằng bản thân họ có đang nhạy cảm hay làm quá lên không. Lý giải điều này thì theo quan điểm của xã hội nói chung, vấn đề tâm trí thường được giải quyết khi nó tệ đến mức ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hằng ngày.
Bởi một trong những điều quan trọng nhất mà xã hội quan tâm là bạn có đang trong phổ bình thường - làm được điều mà nhiều người trong độ tuổi của bạn cũng làm được hay không.
Ví dụ như ở độ tuổi lao động, nếu bạn vẫn có đủ khả năng làm việc cống hiến thì đó là bình thường. Đó là lý do nhiều người khi không thể chịu đựng được nữa mới tìm đến dịch vụ tâm lý.
Tuy nhiên, đừng để người khác quyết định khi nào thì bạn sẽ tự giúp đỡ chính mình. Dưới đây là một vài các câu hỏi phổ biến để các bạn có thể tự hỏi bản thân trước khi quyết định tìm kiếm dịch vụ trị liệu tâm lý:
- Bạn có cảm thấy vấn đề của mình thường xuyên khiến bạn rơi vào trạng thái tồi tệ?
- Bạn có cảm thấy vấn đề của mình không cải thiện trong thời gian dài, dù đã tự mình giải quyết và mọi người xung quanh cũng đã hỗ trợ hết sức?
- Bạn có mong muốn cải thiện vấn đề bản thân gặp phải và cuộc sống của mình hiện tại không?
- Bạn có thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày - điều mà trước đó bạn vẫn có thể làm bình thường?
- Bạn có thực hiện các hành động nguy cơ gây hại tới bạn và người khác không? (chẳng hạn sử dụng nhiều chất kích thích, trở nên dễ cáu gắt, hung hăng..)
Chỉ cần trả lời "Có" cho một trong năm câu hỏi trên, là bạn đã có thể tìm tới sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Nhà trị liệu là ai và tìm ở đâu?
Sau khi quyết định tìm tới nhà trị liệu, thì bước đầu tiên bạn cần hiểu đúng về họ. Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, nhà trị liệu là những người cung cấp dịch vụ đánh giá và trị liệu các rối loạn về tinh thần, cảm xúc hay hành vi. Tuy nhiên định nghĩa này vẫn khá rộng.
Tại Việt Nam, nhà trị liệu (clinical psychologist) là người có bằng cấp thạc sĩ trở lên về chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng (clinical psychology). Họ có thời gian đào tạo dài với khoảng 6 năm trở lên.
Hiện nay có một số người tự xưng là nhà trị liệu tâm lý nhưng chủ đích mập mờ về bằng cấp, chuyên ngành. Ở đây có điểm ta cần lưu ý là chứng nhận hay chứng chỉ khóa học ngắn hạn không phải bằng cấp và ngược lại.
Người hoàn thành chứng chỉ/chứng nhận một khóa học nào đó không phải là cử nhân của chuyên ngành đó. Ví dụ một người có bằng cấp ngành kinh tế, học xong chứng chỉ tham vấn học đường không đồng nghĩa họ là cử nhân tham vấn học đường.
Tìm nhà trị liệu ở đâu?
Ở nước ngoài có nhiều hệ thống khác nhau giúp cho thân chủ tìm tới đúng người mình cần, chẳng hạn thông qua bác sĩ gia đình, hệ thống bảo hiểm hay trang web của các hiệp hội tâm lý uy tín tổng hợp những nhà trị liệu cấp phép theo khu vực.
Nhưng dịch vụ trị liệu tâm lý ở Việt Nam đều chưa có những cách thức này. Thay vào đó, mọi người thường tìm qua các bệnh viện uy tín có dịch vụ trị liệu tâm lý, người quen giới thiệu hoặc tìm các trung tâm tâm lý qua mạng.
Vậy trước đầy rẫy các trung tâm và nhà trị liệu, làm sao để bạn quyết định ai phù hợp với mình? Hãy tham khảo 2 giai đoạn để tìm nhà trị liệu "chân ái":
Giai đoạn 1: Tìm hiểu trước khi quyết định trị liệu
Kiểm tra bằng cấp
Bằng cấp sẽ là điều kiện cần đầu tiên để bạn nhìn vào khi tìm kiếm một nhà trị liệu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, để giúp mọi người xác định nhà trị liệu và các chuyên viên/chuyên gia khác về sức khỏe tinh thần thì ở các nước phát triển, từng ngành nghề khác nhau có chứng chỉ hành nghề rất rõ ràng.
Việt Nam cũng đang hướng tới một tương lai như vậy. Theo luật khám chữa bệnh 2023 mới nhất, vào ngày 1/1/2029, Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề đối với ngành tâm lý lâm sàng.
Xác định phương pháp chính mà nhà trị liệu sử dụng
Mọi người thường cho rằng nhà trị liệu sẽ chỉ nói chuyện một vài câu, cho một số lời khuyên mà ai cũng biết. Nhưng điều đó là không chính xác. Những gì họ trò chuyện với thân chủ đều cần dựa theo các liệu pháp đã được chứng minh qua nghiên cứu.
Một số liệu pháp phổ biến mà các nhà trị liệu Việt Nam sử dụng bao gồm: liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), nhận thức, hành vi, DBT, ACT, phân tâm học/tâm động học, nhân văn/nhân vị trọng tâm, hệ thống gia đình, giải mẫn cảm và xử lý chuyển động mắt (EMDR), tâm lý học cá nhân Adler, hiện sinh, Gestalt, trị liệu nghệ thuật, trị liệu trò chơi, chánh niệm…
Bên cạnh đó, một phương pháp phổ biến khác là lập trình ngôn ngữ tư duy - NLP (Neuro-linguistic programming). Đây là phương pháp được các nhà khai vấn sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, phương pháp này còn nhiều tranh cãi về mức độ hiệu quả để giải quyết các khó khăn hoặc đau khổ phức tạp về tâm lý như rối loạn trầm cảm, lo âu.
Thay vào đó, NLP được dùng như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển, hiệu suất cá nhân dành cho người khỏe mạnh, đang không gặp vấn đề tâm lý. Vì thế, ta có thể hiểu NLP không được sử dụng làm phương pháp chính để trị liệu.
Làm rõ kỳ vọng của bạn
Sau một loạt các bước, bạn đã lọc ra các nhà trị liệu có bằng cấp chính quy và sử dụng các liệu pháp được chứng minh hiệu quả. Hãy tiếp tục thu hẹp phạm vi với các câu hỏi sau:
- Bạn đang tìm dịch vụ cho ai: Bạn đang tìm kiếm liệu pháp cho cá nhân, cặp đôi, cho nhóm hay gia đình? Điều mà nhiều thân chủ không biết là để làm việc được với các đối tượng khác nhau, các nhà trị liệu phải được đào tạo theo từng chương trình riêng.
- Nhà trị liệu có những đặc điểm nào khiến bạn thoải mái và tin tưởng hơn: Bạn cảm thấy một nhà trị liệu nam hay nữ sẽ phù hợp với mình? Bạn muốn làm việc với nhà trị liệu là người nước ngoài hay Việt Nam?
- Có khía cạnh nào nhạy cảm và đặc biệt trong vấn đề của bạn khiến bạn có những yêu cầu cụ thể với nhà trị liệu không: Chẳng hạn một người nữ từng bị xâm hại tình dục bởi một người nam có thể muốn nhà trị liệu là nữ và có hiểu biết, kinh nghiệm về vấn đề này. Hay một người thuộc cộng đồng LGBT sẽ muốn nhà trị liệu của mình người cởi mở, có hiểu biết về kiến thức đa dạng tính dục.
- Bạn muốn làm việc trực tuyến hay trực tiếp: Một số nghiên cứu cho thấy trị liệu trực tuyến có hiệu quả tương đương với trực tiếp. Tuy nhiên có một số vấn đề đặc thù được khuyến nghị không nên làm việc trực tuyến như sang chấn, sang chấn phức tạp hay nguy cơ tự làm hại bản thân. Bởi khi có nguy cơ diễn ra trong phiên, nhà trị liệu sẽ gặp khó khăn trong việc can thiệp ngay lập tức nhằm đảm bảo an toàn cho bạn.
- Mục tiêu trị liệu của bạn: Điều gì thúc đẩy bạn tới quyết định trị liệu trong thời điểm này? Đó không nhất thiết phải là mục tiêu rõ ràng và cụ thể, nó có thể chỉ là khía cạnh hay vấn đề mà bạn muốn làm việc.
Lưu ý: Bạn có thể tìm kiếm các thông tin này trên trang web nơi nhà trị liệu làm việc, hoặc hỏi trực tiếp nếu họ không công khai.
Nếu bạn đã có hầu hết câu trả lời cho mình sau 3 bước trên, thì việc tìm nhà trị liệu đã thành công được 50%. 50% còn lại sẽ đến từ giai đoạn 2 - thử nghiệm làm việc trực tiếp với nhà trị liệu đó và tiếp tục đánh giá mức độ phù hợp. Hẹn bạn ở phần tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
American Psychological Association. (2022). How to choose a psychologist. APA. https://www.apa.org/topics/psychotherapy/choose-therapist
Stanborough, R. J., & Lee, M. (2024, August 19). How to find a therapist: 8 tips from experts on searching for the right fit. Healthline. https://www.healthline.com/topics/psychotherapy/choose-therapist
Falconer, K. (n.d.). Knowing your scope of practice. ANLP. Retrieved from https://anlp.org/knowledge-base/knowing-your-scope-of-practice
Witkowski, T. (2010). Thirty-five years of research on Neuro-Linguistic Programming. NLP research data base. State of the art or pseudoscientific decoration? Polish Psychological Bulletin, 41(2), 58-66. https://doi.org/10.2478/v10059-010-0008-0
UK Council for Psychotherapy. (n.d.). How to choose a psychotherapist. Retrieved from https://www.psychotherapy.org.uk/seeking-therapy/how-to-choose-a-psychotherapist/