Yêu bản thân để không đánh mất mình trong thế giới muôn hình vạn trạng | Vietcetera
Billboard banner

Yêu bản thân để không đánh mất mình trong thế giới muôn hình vạn trạng

Tìm bản thân đã khó, giữ được sự vẹn nguyên của bản thân trong sự xô bồ của đời sống còn khó hơn. Khi ấy, việc chú trọng cảm xúc và tâm trạng của cá nhân chính là chìa khóa để ta quý trọng chính mình.
Yêu bản thân để không đánh mất mình trong thế giới muôn hình vạn trạng

Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Mỗi người chúng ta đều đang diễn nhiều vai trên sân khấu của cuộc đời mình. Hầu hết các vai diễn đều yêu cầu ta phải cười nói, phải hòa đồng, phải tham gia vào những hoạt động mà chưa chắc ta đã thực sự muốn. Dần dà, ta quên mất rằng mình đang diễn, không thể phân biệt nổi con người mình giữa những nhân vật mà ta dựng nên, và mắc kẹt mãi ở trên sân khấu.

Điều này diễn ra bởi trong quá trình cười nói ấy, ta quên mất những cảm xúc thật của mình để nhường chỗ cho những sự trình diễn. Do đó, cách để quay trở về với bản nguyên chính là tập trung ghi nhận những gì đang diễn ra bên trong ta, từ đó trung thực và thân thiện hơn với chính bản thân mình.

Muôn kiểu không là chính mình trong xã hội hiện đại

Trong quá trình trưởng thành, sự áp đặt là thứ mà ta luôn phải đón nhận. Cha mẹ nhân danh tình thương để vạch ra những con đường sẵn có cho con mình dựa trên kinh nghiệm sống của họ, nhưng đôi khi không hay rằng những kinh nghiệm sống ấy và chặng đường ấy không phù hợp với con họ, hoặc với thời đại này.

27jul2023pexelsmonicasilvestre713149jpg
Mỗi chúng ta đều đang độc diễn trên sân khấu của cuộc đời mình. | Nguồn: Pexels

Tuy vậy, hầu hết chúng ta vẫn phải sống theo sự sắp đặt của những người đi trước. Ta đi học, đi làm, lập gia đình và sinh con vì đó là những dấu mốc mà người trước đã vạch sẵn. Dần dà, ta không còn biết mình là ai và muốn gì, và cam tâm gạt ước mơ của mình ra để sống cho nhu cầu của người khác.

Những áp lực của công việc và đời sống công sở cũng dễ lôi kéo ta vào những cảm xúc tiêu cực. Làm việc quá nhiều khiến ta căng thẳng, mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng và rất dễ cau có, bực bội với những người xung quanh và cả chính ta.

Vòng xoáy công việc nuốt chửng nhiều người cả về thể xác lẫn tinh thần. Dần dà, họ lao theo những hơn và thua, những được và mất mà không còn ý thức gì về bản thân và những giá trị riêng. Việc mưu sinh khi ấy trở thành mục đích, và cuộc sống trở thành một chuỗi dài của những tháng ngày lăn lộn và chật vật.

Nhưng có lẽ cách mất mình đáng sợ nhất là lạc lõng trong một thế giới công nghệ. Bởi chiếc điện thoại bé xíu lại là cánh cổng dẫn tới hầm trú ẩn mang tên internet, nên sự lạc lõng này có thể xảy ra với tất cả chúng ta. Nó kéo ta khỏi thực tại và nhấn chìm ta vào vô vàn thứ hỉ, nộ, ái, ố - những cảm xúc thoáng qua sẽ trôi tuột đi ngay khi ta bỏ chiếc điện thoại xuống.

27jul2023dsc02099jpg
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Các nhà khoa học khẳng định rằng sự chìm đắm trong thế giới mạng là một trong những tác nhân chính gây ra những chứng bệnh tâm lý thời đại. Khi chiếc điện thoại hay cái máy tính trở thành một phần nối dài của con người, ta mất dần sức sống và trở nên khô cằn như những chiếc máy. Cảm xúc khi ấy trở thành một món hàng xa xỉ, và ta cứ vật vờ qua ngày trong sự lãnh đạm của tâm trí.

Có lý trí rồi sao vẫn cần thể hiện cảm xúc?

Ta thường xuyên đặt cảm xúc xuống đằng sau lý trí, bởi lý trí là sự mạch lạc và minh mẫn, còn cảm xúc là những yếu tố bốc đồng khó kiểm soát và quy đổi. Mọi người cố gắng sống một cách lý trí nhất có thể, tưởng rằng như vậy là có khả năng kiểm soát bản thân cao, khiến cuộc sống minh triết hơn và bớt trần tục hơn.

Có lẽ đó là lý do khiến những cảm xúc của ta chảy ngược vào trong. Ta tránh thể hiện suy nghĩ và cảm giác của mình không chỉ bởi đã quen với những sự sắp đặt sẵn, mà còn để tránh bị suy diễn là “cứng đầu,” “thiếu ngoan ngoãn” hay là "cảm tính."

Sự thiếu vắng của cảm xúc sẽ khiến lý trí trở thành thứ công cụ lạnh lùng. Sống lý trí mà không có cảm xúc chẳng khác nào lái một chiếc ô tô không có vô lăng. Điều này khiến ta lấp đầy bản thân mình bằng sự vụn vỡ của cảm xúc, và ta chỉ nhận ra điều đó khi cơn lũ của cảm giác tiêu cực quét ta đi trong vô vàn ý nghĩ.

Bên cạnh đó, việc đè nén cảm xúc sẽ phát triển thành một thói quen đối phó, một thứ văn hóa trình diễn đầy giả tạo mà ta vừa là tác giả, vừa là tác nhân. Ta vì những lợi ích và sự yên ổn trong ngắn hạn mà đè nén bản thân, coi việc chôn giấu cảm xúc như một thứ tài năng hay kỹ năng mà không nhận ra những tác hại ngầm ẩn mà lâu dài của nó.

27jul2023dsc01372jpg
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Do đó, thể hiện cảm xúc là điều tối quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thế giới càng máy móc và công nghệ hóa thì lại càng trở nên cằn cỗi và bắt ta phải gồng mình. Trong hoàn cảnh đó, cảm xúc thật là thứ duy nhất để ta níu kéo và đối chọi lại với thế giới khô cằn.

Rèn luyện cảm xúc để là chính mình

Để có thể trân trọng và biểu lộ cảm xúc của bản thân, ta cần hiểu cách mà lý trí đang chi phối những xúc cảm ấy. Từ đó, ta từng bước bóc tách những lớp ngăn cách bản thân với cảm xúc thật, như là bóc từng lớp vỏ của một củ hành.

Ngoài ra, ta cũng phải tính tới việc thể hiện cảm xúc sao cho không tác động xấu tới bản thân cũng như những người xung quanh. Bởi có cả những cảm xúc xấu, những cảm xúc độc hại. Trong bối cảnh này, việc rèn luyện chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) sẽ giúp ta làm chủ cảm xúc của mình và mang lại nhiều cơ hội, nhiều sự hạnh phúc và thương yêu hơn trong cuộc đời.

Có nhiều cách để ta cải thiện EQ và trở nên nhân từ hơn, thành thật hơn với bản thân. Nhìn chung, việc nâng cao EQ sẽ khiến ta nhận thức rõ hơn về cảm xúc cá nhân và hiểu được tầm ảnh hưởng của bất kỳ cảm xúc nào khi bộc lộ ra bên ngoài. Từ đó, ta sẽ quản lý cảm xúc tốt hơn, tức là biết cách để thể hiện cảm xúc một cách phù hợp trong từng trường hợp.

Sự quản lý ở đây không đồng nghĩa với hành động che giấu cảm xúc đã nhắc ở trên, mà là học cách điều hướng cảm xúc tới đúng đối tượng, vào đúng thời điểm. Khi đã nhuần nhuyễn trong việc nhận thức và quản lý, ta tiến tới sự cảm thông với chính mình và cả với những người xung quanh.

Cuộc sống đặt lên ta vô vàn áp lực và kỳ vọng từ xã hội, gia đình và cả bản thân. Những tiêu chuẩn và mô hình về một người hoàn hảo, xinh đẹp, thành công, hay hạnh phúc khiến ta cảm thấy không đủ tốt, không xứng đáng, hoặc thiếu tự tin về bản thân. Ta bức bối và muốn vùng lên. Nhưng bắt đầu từ đâu?

Tập đầu tiên của Podcast Bạn Thân Bản Thân đã sẵn sàng đưa bạn bắt đầu cuộc hành trình tìm mình. Cùng nghe podcast và gặp gỡ host Thùy Minh, thầy Minh Niệm nhé.