Vì sao ta cảm giác ai phát biểu trên mạng cũng “sai bét”? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 03, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Vì sao ta cảm giác ai phát biểu trên mạng cũng “sai bét”?

Theo Mark Manson, có những câu phát biểu ngoài đời thì không sao, nhưng nói trên mạng là sẽ gây tranh cãi. Điều này xảy ra do trên mạng thiếu đi ngữ cảnh - yếu tố giúp câu nói được hiểu đúng nghĩa.
Vì sao ta cảm giác ai phát biểu trên mạng cũng “sai bét”?

Nguồn: Avi Richards @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “Why Everyone on the Internet Is Wrong” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Mạng internet dường như có một ma lực nào đó làm gia tăng những cuộc tranh cãi tẻ nhạt về những điều ngớ ngẩn. Có ít nhất 3 ngụy biện logic thường xảy ra (và bị thổi phồng) khi chúng ta dùng internet. Điều này khiến ta vô thức nghĩ rằng tất cả mọi người trên internet đều sai (và ta có trách nhiệm “chỉnh” lại họ).

1. Cái gì không trắng không có nghĩa là nó đen (và ngược lại)

Có một dòng tweet khá nổi tiếng lấy ví dụ cho câu này. Nó được share nhiều đến nỗi tôi đã quên ai là người đăng đầu tiên, nhưng đại ý là nó như thế này:

A: Tôi thích cam, nó rất ngon.

B: À thế nghĩa là ông ghét chuối hả? Nếu ông cởi mở hơn với việc thử nhiều loại quả khác nhau thì chưa chắc ông đã nói thế này. Tự xem lại bản thân ông đi!

Tôi nhớ có một câu châm ngôn rằng, thiếu đi dẫn chứng không phải là dẫn chứng của việc thiếu sót. Không phải tôi nói tôi thích cam thì nghĩa là tôi ghét chuối. Cái ngụy biện này chiếm phải đến 30% trong số các chỉ trích tôi nhận được, và 50% trong các cuộc tranh cãi tôi thấy trên mạng xã hội.

Chẳng hạn tôi từng có bài viết về 6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường. Và sau khi đăng nó, tôi nhận được hàng chục email giận dữ từ độc giả. Lý do vì điều độc hại đã xảy đến trong mối quan hệ của họ không được tôi nhắc tới trong bài viết. Họ trách móc tại sao tôi lại vô tâm đến mức không biết về nó, rằng tôi chỉ giỏi “chém gió” chứ chưa thực sự yêu đương bao giờ… vân vân và mây mây.

29aug2023pexelsartemlupanchuk866868jpg
Cái gì không trắng không có nghĩa là nó đen - và cuộc đời cũng vậy. | Nguồn: Unsplash

Quay trở lại ví dụ về cam và chuối. Tôi cho rằng ngụy biện tư duy này phổ biến hơn trên internet, bởi khi trò chuyện ngoài đời, bạn chỉ cần ngắt lời người kia một chút và hỏi xem họ đã cân nhắc đến chuối chưa. Biết đâu họ cũng thích chuối, nhưng họ đang nói về cam trước. Thế là xong thôi mà?

Nhưng chúng ta không có được yếu tố “thời gian thực” như thế khi trò chuyện qua mạng. Những gì bạn nói sẽ vĩnh viễn được người khác “đóng khung” thành một quan điểm đầy đủ, dù thực tế không phải như vậy.

2. Ông nói gà, bà nói vịt

Ngữ nghĩa có lẽ là yếu tố gây hiểu lầm lớn thứ nhì trên internet. Chúng ta không hình dung được nhiều từ ngữ có thể mơ hồ đến mức nào.

Chẳng hạn 2 năm trước, tôi từng viết trong newsletter rằng ở hầu hết các nước phát triển, sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra đã “gần như kết thúc”. Đối với tôi, sau 15 tháng hỗn loạn phong tỏa rồi lại nới lỏng, 3-4 tháng ổn định có thể coi là “gần như kết thúc” rồi.

Và rồi tôi lại nhận về một đống email giận dữ từ độc giả. Lúc này tôi mới nhận ra rằng quan niệm của người ta về “gần như” nó khác nhau đến mức nào. Với một số người thì là vài ngày, số khác thì 1-2 tuần, hoặc cũng có người chỉ cần một buổi sáng là đã “gần như” được rồi. Sau khi tôi giải thích rằng với tôi “gần như” là vài tháng, họ mới thôi chất vấn tôi.

04mar2024pexelsrdnestockproject6669865jpg
Nếu thiếu đi ngữ cảnh, cuộc nói chuyện sẽ rất dễ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. | Nguồn: Pexels

Thực tế những hiểu lầm liên quan đến ngữ nghĩa xảy ra nhiều hơn chúng ta nghĩ. Những từ như “đau khổ” (suffering), “công bằng” (fairness), “mất mát” (loss) hay “thất bại” (failure) đều có tính chủ quan cao, mang nhiều sắc thái khác nhau.

Chẳng hạn tôi có thể phát biểu rằng, “truyền thông chính thống năm vừa qua khá thất bại”. Nhưng thất bại về cái gì? Về tính thông cáo, về khả năng đóng khung các cuộc tranh luận, hay là về tính giải trí/trung thực/hữu ích? Có vô số cách để định nghĩa từ “thất bại” trong câu trên.

Và một lần nữa, điều này xảy ra trên mạng nhiều hơn ngoài đời. Bởi nếu tôi nói câu này ngoài đời với bạn, bạn sẽ nhìn vào ngôn ngữ cơ thể, tông giọng và định hướng cuộc trò chuyện mà hiểu ngay ngữ cảnh tôi định nói là gì. Nhưng thử ném nó vào một cuộc thảo luận nào đó trên mạng mà xem - tôi đảm bảo nó sẽ gây ra một cuộc tranh cãi không hồi kết.

3. Ngụy biện liên kết cảm xúc

Đây là hiện tượng xảy ra khi bạn đồng ý/bất đồng với một quan điểm nào đó chỉ vì nó biện minh cho điều bạn đã trải nghiệm. Ngụy biện này được nhà kinh tế học Tyler Cowen phát hiện và đặt tên năm 2011. Nó thường xảy ra trong kinh tế và chính trị, nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy nó cũng khá phổ biến trong những câu chuyện hằng ngày.

Chẳng hạn tôi từng đùa về việc người ta không ưa gia đình chồng/vợ của mình, và trò đùa này không liên quan gì đến lời khuyên về sự cam kết tôi đưa ra trong bài viết. Nhưng có một độc giả email cho tôi rằng tôi đã sai hoàn toàn.

Lý do là bởi gia đình chồng cũ cô tệ thật, và đó cũng là điều khiến cuộc hôn nhân của cô tan vỡ. Thế nên đối với cô, tôi đùa như vậy không chỉ thiếu tôn trọng với mối quan hệ của cô, mà tôi còn chẳng hiểu gì về ảnh hưởng của nhà chồng tới sự cam kết giữa cô với chồng cũ. Do đó, phần còn lại trong bài viết của tôi cũng không đáng đọc nữa.

Đây là một ví dụ điển hình về liên kết cảm xúc. Độc giả có cảm xúc vô cùng tiêu cực về gia đình chồng cũ, và đang đọc một bài viết không có cảm xúc vô cùng tiêu cực về gia đình chồng/vợ. Thế nên đương nhiên với cô, bài viết đó sai bét.

04mar2024jacklucassmithzxq0dvmryiounsplashjpg
Liên kết cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận một sự vật/sự việc. | Nguồn: Unsplash

Và một lần nữa, tôi cho rằng ngụy biện này hay xảy ra trên mạng, vì cái chúng ta đọc được chỉ là những mẩu ý kiến nhỏ trôi nổi trong đại dương mang tên internet. Trên thực tế, thông tin luôn gắn liền với ngữ cảnh. Còn trên mạng thì chẳng có ngữ cảnh nào cả.

Thế nên chúng ta có xu hướng tự gán ngữ cảnh cho bất kỳ thông tin nào ta kiếm được. Và hệ quả là một cuộc “bàn phím chiến” không có hồi kết.