Chủ nghĩa tối giản có thể hiểu là tư duy sàng lọc những thứ không cần thiết để tập trung vào những điều thực sự quan trọng. Lối sống tối giản mở ra nhìn mạch lạc hơn về công việc và cuộc sống. Từ đó, nó giúp ta phát triển một phong cách sinh hoạt lành mạnh, hạnh phúc hơn.
Sống tối giản giúp người thực hành tác động tích cực ngược trở lại môi trường bên ngoài. Trước vấn nạn ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng như hiện nay, những người sống tối giản chính là những người hùng thầm lặng trong công cuộc bảo vệ môi trường.
1. Tái sử dụng thay vì mua mới
Lối sống tối giản thường bắt đầu với việc giảm thiểu đồ tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy, những người theo lối sống này thường trở nên nhạy cảm với sự lãng phí. Chưa cần đến những chiến dịch môi trường, những người sống tối giản đã tái sử dụng theo cách riêng của mình.
Trang Bùi (Tuyên Quang) chia sẻ, “Mình là một người thích đọc sách, đặc biệt là sách về lối sống. Do thực hành lối sống tối giản, mình không muốn mua thêm sách để tránh lãng phí. Mình có đăng lên một nhóm về sống tối giản để trao đổi sách với mọi người, thế là có người chuyển cho mình luôn.”
Hoàng Sơn (Hà Nội) cho biết, “Mình thích sách giấy nhưng cũng lo ngại về ảnh hưởng của ngành công nghiệp giấy lên môi trường. Mình sử dụng Kindle là chính, còn lại chỉ mua sách giấy nếu là sách hình ảnh.”
2. Giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường
Có những đồ vật tưởng chừng như nhỏ bé nhưng nếu tiêu thụ nhiều sẽ tạo thành một khối lượng khổng lồ chất độc hại. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có đến 5000 tỷ túi nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó là được tái chế. Chỉ riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình có khoảng 80 tỷ tấn nhựa thải ra mỗi ngày.
Với tư duy giảm mua, giảm tiêu thụ, lối sống tối giản hạn chế lượng thải ra môi trường.
Tư duy tối giản thường đi kèm với mong muốn tối ưu hoá các đồ dùng xung quanh. Vân Anh (Hà Nội) chia sẻ, “Sống tối giản giúp mình luôn ở trong trạng thái tận dụng các đồ đạc. Ví dụ như khi đi chợ, mình sẽ mang một cái túi vải để có thể đựng được 1001 thứ trên đời, thay vì mỗi món đồ một túi ni lông. Mình cũng khuyên mẹ đi chợ nên mang theo làn và túi tre để đựng và xách đồ dễ hơn.”
3. Ủng hộ sự phát triển của tiêu dùng bền vững
Tiếp nối những cường quốc châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, các đất nước đang phát triển như Việt Nam đang trở thành nạn nhân của chủ nghĩa tiêu dùng. Những mẩu quảng cáo lấp lánh khiến người tiêu dùng tin rằng mua sắm ồ ạt sẽ đem lại hạnh phúc.
Trong khi đó, quá trình tạo ra các sản phẩm mang nặng tính công nghiệp như hiện nay hiếm khi thân thiện với môi trường. Một nghiên cứu của Đại học Yale (*) đã chỉ ra rằng tiêu dùng gây ra 60% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Việc “nhập khẩu” rác thải từ các nước phát triển cũng đang làm tăng cao lượng carbon tại các nước nghèo.
Đa số những người sống tối giản không còn bị cuốn vào vòng xoáy của lối tiêu thụ nhanh. Thay vào đó, họ quan tâm tới độ bền và chất lượng của sản phẩm. Họ tìm hiểu quá trình tạo ra sản phẩm từ yếu tố đầu vào, khâu sản xuất cho tới tiêu dùng chứ không chỉ là bao bì hay giá cả.
Với xu hướng sống tối giản đang thịnh hành, các nhãn hàng cũng phải nhanh chóng thay đổi để phục vụ nhóm đối tượng người dùng hiện đại mới.
4. Tạo ra các thói quen bền vững mới
Tập trung vào những điều quan trọng giúp người sống tối giản hình thành các thói quen lành mạnh. Bên cạnh những giá trị sức khoẻ, những hoạt động thường nhật này lại có tác động tích cực tới môi trường.
Một vài thói quen có thể kể đến như giảm tiêu thụ các sản phẩm từ động vật sẽ hạn chế ô nhiễm từ quá trình sản xuất thịt đỏ. Ngoài ra, khuyến khích mua hàng tại các chợ địa phương cũng góp phần giảm thiểu năng lượng vận chuyển và đóng gói tới siêu thị.
“Khi di chuyển trên một quãng đường ngắn, mình thường chọn cách đi bộ. Đây là cách mình tối giản hoá nhiên liệu dùng cho đi lại. Vừa đi bộ vừa nghe podcast là cách để mình học tiếng Anh và cập nhật kiến thức mỗi ngày.”, Hoàng Minh, một bạn trẻ đang làm Marketing tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
5. Lễ tết bớt rườm rà, lãng phí
Hình ảnh các mùa lễ hội và núi rác thải không còn là những hình ảnh hiếm gặp tại các đô thị hiện nay.
Mùa Trung Thu vừa qua, các tuyến phố quanh Hồ Gươm chìm trong rác thải, cao điểm từ đầu tháng 8 Âm lịch cho tới rằm. Rất nhiều đồ dùng trong các dịp lễ tết là đồ dùng một lần.
Khi bạn sống tối giản, các hình thức tổ chức lễ tiệc cũng trở nên gọn nhẹ hơn. Trên những hội nhóm sống tối giản tràn ngập các tips ăn mừng lễ hội vừa nhẹ nhàng, vừa ‘xanh’, như:
- Cùng nhau nấu ăn thay vì mua đồ ăn, đặt đồ có giấy gói bên ngoài
- Sử dụng ly thuỷ tinh và nói không với ống hút hay cốc giấy
- Không cần mang quà để hạn chế giấy gói, thay vào đó sẽ góp đồ ăn với nhau
- Hạn chế trang trí màu sắc sặc sỡ để dành thời gian vào các trò chơi tương tác
- Khi tham gia các lễ hội lớn, có thể chủ động mang theo một túi đựng rác và đựng nước mua tại lễ hội vào bình cá nhân.
Xuất phát từ tư duy giảm tiêu thụ, lối sống tối giản không chỉ giúp cá nhân có những phong cách sống lành mạnh mới, mà còn tác động tích cực tới môi trường xung quanh. Sống tối giản không phải là đặc quyền của những nước phát triển. Nhìn rộng ra, đây là cách mỗi cá nhân tại mỗi quốc gia có thể phát triển tuỳ vào hoàn làm hướng về mục tiêu chung – giúp cho trái đất xanh và bền vững.
Tham khảo:
(*) Diana Ivanova, Konstantin Stadler, Kjartan Steen-Olsen, Richard Wood, Gibran Vita, Arnold Tukker, Edgar G. Hertwich. (2015). – Environmental Impact Assessment Of Household Consumption. Journal of Industrial Ecology. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jiec.12371
Bài viết được thực hiện bởi Anh Tú.