Sinh ra và trưởng thành tại Việt Nam, Chi Nguyễn tới Mỹ theo chương trình cao học của hai trường đại học danh tiếng cùng bang University of Pennsylvania và Pennsylvania State University. Vốn là một nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, Chi theo đọc nhiều nghiên cứu khoa học xã hội và liên tục suy ngẫm về những trải nghiệm của bản thân. Thế rồi chị bắt đầu viết về những chiêm nghiệm này, và blog The Present Writer ra đời.
Chi Nguyễn cũng là một trong những tác giả Việt Nam đầu tiên viết sách về chủ nghĩa tối giản (minimalism). Luận bàn sâu sắc về những vấn đề gần gũi với cuộc sống thường ngày, giọng văn của Chi cô đọng, khiêm tốn và đầy sự thấu hiểu của một người từng trải. Nhờ vậy, Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản và blog The Present Writer chiêu mộ được đông đảo người đọc Việt hướng tới hành trình xây dựng bản thân.
Trên con đường định hình văn hóa Việt Nam hiện đại, chúng tôi cùng ngồi xuống với tác giả trẻ này để bàn luận về chủ nghĩa tối giản và lý do đây là hành trang cần thiết để người Việt sống hạnh phúc hơn.
Chủ nghĩa tối giản là gì?
Chủ nghĩa tối giản có thể hiểu là tư duy sàng lọc những thứ không cần thiết để tập trung vào những thứ thực sự quan trọng. Từ thói quen sinh hoạt, thiết kế thị giác, thời trang, cách quản lý thời gian và các mối quan hệ, chủ nghĩa tối giản hiện hữu ở cả mặt vật chất và phi vật chất.
Ở mặt vật chất, ngôi nhà là nơi bắt đầu của nhiều người theo chủ nghĩa tối giản. Áp dụng tư duy sàng lọc, họ chọn giữ lại những vật cần thiết, giải phóng không gian sống của mình khỏi bộn bề đồ đạc.
Ở mặt phi vật chất, chủ nghĩa tối giản còn hiện hữu trong tâm hồn và khuynh hướng suy nghĩ của con người. Không gian sống tinh giản là bước đệm cho nhiều người tối giản hóa các mặt tinh thần. Họ chọn lọc công việc và các mối quan hệ kỹ lưỡng hơn, từ đó tổ chức cuộc sống hiệu quả hơn.
Vì sao chủ nghĩa tối giản lên ngôi tại những quốc gia giàu có?
Cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu khiến rất nhiều quốc gia trở nên giàu có. Đồ đạc trở nên thừa mứa, và chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Ngành công nghiệp quảng cáo dẫn dắt con người vào một vòng tiêu dùng luẩn quẩn: kiếm tiền, muốn có đồ mới, mua đồ. Vô hình trung, mua sắm tùy hứng trở thành một loại thuốc an thần cho những căng thẳng trong cuộc sống.
Nhưng khi con người đứng giữa quá nhiều lựa chọn và có được vật chất một cách dễ dàng, họ trở nên mất phương hướng. Ngồi giữa đống đồ vô tri vô giác, họ cảm thấy trống rỗng.
Rồi họ nhận ra nhu cầu mua sắm của mình bị chi phối bởi nhiều “thế lực” bên ngoài, như nhà sản xuất, nhà phân phối, người nổi tiếng và quảng cáo. Mất khả năng kiểm soát cuộc sống của mình là một điều đáng sợ. Đây chính là khoảnh khắc nhiều người bắt đầu tìm đến chủ nghĩa tối giản.
Tại sao người Việt nên sống tối giản?
Kinh tế phát triển mở ra ma trận lựa chọn
“Tại Mỹ,” Chi chia sẻ, “để mua được một lọ vitamin là cả một vấn đề.” Siêu thị nơi chị sống mở ra một ma trận lựa chọn với hàng trăm loại vitamin từ vô vàn nhà sản xuất, khiến người tiêu dùng hoang mang không biết nên chọn loại nào. Hậu quả là họ tốn hàng giờ vào việc tra cứu, cân nhắc giữa các lựa chọn vốn không mấy khác nhau.
Ma trận lựa chọn như trên là chuyện thường ngày ở những quốc gia thịnh vượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Na Uy. Người dân nơi đây ý thức được mặt trái của những lựa chọn thừa mứa. Vì vậy, đây cũng chính là nơi chủ nghĩa tối giản phát triển mạnh mẽ nhất.
Một thành công của chủ nghĩa tối giản tại Na Uy là chuỗi siêu thị Rema 1000. Với duy nhất 1000 mặt hàng tại mỗi chi nhánh, Rema 1000 được lòng người dân ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì chỉ bày bán hàng hóa thiết yếu, chất lượng, không ‘tung hỏa mù’ lựa chọn với người tiêu dùng.
Việt Nam chưa đạt đến mức độ phát triển kinh tế như những quốc gia này, nhưng chúng ta đang trên đà tăng trưởng rất nhanh. Một ngày nào đó không xa, một người Việt trung bình sẽ có được ‘vinh dự’ đứng giữa ma trận lựa chọn trong siêu thị như một người Mỹ hiện nay. Và đến lúc đó, chúng ta sẽ cần đến tư duy tối giản để có được những lựa chọn mua sắm thông thái.
“Thói quen xưa cũ: tích trữ đồ đạc
Đi lên từ giai đoạn kinh tế thời hậu chiến khó khăn cùng sự khan hiếm hàng hóa, mua bán bằng tem phiếu đã tạo cho nhiều thế hệ người Việt thói quen tích trữ đồ đạc. Chi nhớ lại, “Chiếc đồng hồ hỏng rồi nhưng có những bác cứ khăng khăng phải giữ lại cái kim, vì ‘bỏ đi phải tội’, hay ‘biết đâu sau này cần’.”
Sau chính sách mở cửa, kinh tế đất nước bước sang trang mới với luồng hàng hóa dồi dào. Điều này tạo nên một lực quán tính với thế hệ người Việt lớn lên trong khó khăn: họ ra sức mua đồ. Cùng với thói quen tích trữ, căn nhà Việt chất đầy đồ cũ, đồ mới, đồ đã hỏng nhưng có thể vẫn dùng, đồ chưa hỏng nhưng không còn dùng… Tất cả tạo nên một không gian sống rối ren, chật hẹp hơn từng ngày.
Tính cả nể của người Việt Nam
Là một xã hội châu Á đề cao tính tập thể hơn tính cá nhân, các mối quan hệ ở Việt Nam có nhiều ràng buộc tâm lý hơn ở những quốc gia phương Tây. Ở đám cưới Việt Nam, gia đình hai họ mời cả vài trăm người, có những người họ hàng xa chính cô dâu, chú rể còn không quen biết, vì sợ họ tự ái khi phát hiện ra mình không được mời. Khi được rủ đi nhậu với bè bạn không mấy thân thiết, đàn ông Việt Nam thường vẫn sẽ đồng ý đi vì “nể”.
Văn hóa cả nể khiến nhiều người tốn thời gian và công sức vào những mối quan hệ gượng ép, vô hình trung lấy đi thời gian dành cho những người thật sự quan trọng với họ. “Những đám cưới toàn gương mặt lạ hay những bữa cơm gia đình thiếu vắng bố vì các cuộc tiệc tùng là hai ví dụ điển hình cho hệ quả của văn hoá cả nể.”
Chủ nghĩa tối giản giúp người Việt ý thức rõ ràng vị thế của những người trong cuộc đời mình, giúp họ nhìn ra đâu là những người mình nên đầu tư thời gian vào. Từ đó, người Việt hiện đại có thể phân bổ năng lượng xã giao của mình một cách công bằng và hiệu quả hơn.
Đọc tiếp phần 2 tại đây.
Xem thêm: