Người Việt có thể áp dụng chủ nghĩa tối giản vào căn nhà, cách chi tiêu, trải nghiệm mạng xã hội và các mối quan hệ đời thực.
Bạn sẽ tiết kiệm được hai tuần rưỡi mỗi năm nếu bạn tối giản hóa trải nghiệm mạng xã hội của mình.
Vận dụng chủ nghĩa tối giản, người Việt Nam nên dũng cảm từ chối một số mối quan hệ xã giao để tập trung vào những người thực sự quan trọng với mình.
Tại Vietcetera, chúng tôi luôn dõi theo những ngòi bút trẻ đang cùng nhau định hình văn hóa Việt Nam mới hạnh phúc và tích cực hơn. The Present Writer Chi Nguyễn là một trong những tác giả như vậy.
Trưởng thành ở Việt Nam và định cư ở Mỹ, Chi hiện đang là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ ngành Giáo dục tại Đại học Bang Pennsylvania. Chị cũng là một trong những tác giả Việt đầu tiên ra sách về chủ nghĩa tối giản dựa trên quá trình nghiên cứu khoa học xã hội và trải nghiệm của riêng mình. Phân tích trải nghiệm sống từ góc nhìn vừa đa chiều, vừa thấu hiểu, những bài viết của Chi là tài liệu giá trị cho người trẻ Việt trên con đường phát triển bản thân.
Ở bài “Tại sao người Việt nên sống tối giản?“, chúng tôi bàn luận với Chi về lý do tư duy tối giản là hành trang cần thiết cho người Việt hiện đại. Lần này, chúng tôi cùng chị đi qua một số cách người Việt có thể áp dụng chủ nghĩa tối giản để tổ chức và sắp xếp cuộc sống hiệu quả hơn.
Tối giản là một định mức cá nhân
Sự tối giản là một hành trình nơi mỗi người trải nghiệm theo một cách khác nhau. Tối giản là một định mức cá nhân trên một phổ rất rộng. Có thể với người này lược bỏ đi nửa tủ quần áo trăm bộ đã là tối giản, người kia lại chỉ cần duy nhất mười bộ trang phục. Có thể người này chỉ cần một cái chảo trong bếp, người kia thích nấu ăn đa dạng nên cần tới sáu cái.
Định mức tối giản của cùng một người có thể thay đổi theo từng thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Chi chia sẻ, khi chưa làm mẹ, chị thường không giữ lại quần áo mình không cần nữa. Nhưng sau khi sinh con đầu lòng, Chi giữ lại quần áo em bé không mặc vừa nữa cho em bé tiếp theo.
Tính cá nhân của chủ nghĩa tối giản là một điều rất tuyệt vời, vì nó khuyến khích mọi người nhìn vào bên trong chính mình, vốn là một trải nghiệm hiếm có trong một thế giới ồn ào. Trên mạng xã hội, những cuộc so đo xem ai mới là một người tối giản “đích thực” vẫn diễn ra rất sôi nổi, nhưng đối với Chi nó không cần thiết.
#1. Cuộc cách mạng trong căn nhà
Theo Chi, khi tiếp xúc với một khái niệm trừu tượng như chủ nghĩa tối giản, chúng ta nên bắt đầu từ những thứ mình cầm, nắm, chạm được. Tuy mỗi người có một hành trình tối giản hóa cuộc sống riêng, Chi khuyến khích mọi người bắt đầu từ đồ đạc trong nhà.
Không gian sống có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sinh hoạt của người ở. Một căn nhà ngăn nắp, chỉn chu phản ánh hoặc khuyến khích tư duy mạch lạc; một căn nhà bừa bộn phản ánh hoặc khuyến khích khuynh hướng suy nghĩ u ám, rối ren. Vì vậy việc thiết kế, phân bổ lại đồ đạc trong nhà sẽ dạy chính người chủ rất nhiều về thói quen sinh hoạt cũng như tính cách của mình.
Sau khi ‘cách mạng hóa’ căn nhà của mình ngăn nắp và khoa học hơn, nhiều người đã rất ngạc nhiên vì diện tích thật sự của căn nhà mình. Và họ cảm thấy nhẹ nhõm, tự do. Cảm xúc này rất quan trọng vì nó giúp bạn ghi nhớ trải nghiệm thực tế, và cho bạn động lực để tiếp tục tối giản hóa các mặt khác của cuộc sống.
#2. ‘Kỹ nghệ’ tiêu tiền
Từ việc dọn dẹp căn nhà, bạn trở nên có ý thức hơn với thói quen mua sắm của bản thân. Bạn nhận ra càng mua nhiều thứ không cần thiết thì căn nhà mình càng nhỏ lại. Nhận thức này phần nào giúp bạn chọn lọc hơn trong việc mua sắm và quản lý tài chính.
Đồ chất lượng tốt, dùng được lâu hay đa công dụng thường có giá bán lẻ cao hơn đồ chất lượng thấp, dễ hỏng hóc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những đồ có giá thành ban đầu thấp hơn có thể phát sinh phí thay thế và sửa chữa nhiều hơn cả những đồ tốt và bền. Vậy nên nếu món đồ đó có tần suất sử dụng cao, như quần áo, điện thoại, nồi cơm điện, hãy ưu tiên những lựa chọn uy tín.
Ngoài những đồ vật thiết yếu, thị trường tiêu dùng ngày nay tấp nập những cơ hội mua sắm tùy hứng: những sản phẩm không cần thiết nhưng rất hấp dẫn do thiết kế đẹp, quảng cáo bền bỉ, hay giá thành thấp. Đứng trước ‘cám dỗ’ tiêu dùng, Chi chia sẻ với chúng tôi mẹo 72 giờ: chị ghi lại món đồ mình muốn mua vào một tờ note và xem lại vào 72 giờ sau đó, tức 3 ngày. Nếu món đồ đó chỉ là một sự ham muốn nhất thời, chị thường sẽ quên mất nó.
#3. Mạng xã hội
Người Việt khá dễ tính trong việc kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta thường giữ liên lạc với cả những người mình không thực sự quen biết, hay những người cho mình nhiều cảm giác tiêu cực như lo lắng hay ganh tị. Thêm vào đó, chúng ta follow quá nhiều nguồn tin dù có đáng tin cậy hay không. Hệ quả là tin hài, tin giật gân và quảng cáo thi nhau tranh giành sự chú ý và quỹ thời gian có hạn của chúng ta.
Bạn luôn có lựa chọn unfriend hoặc unfollow những nguồn thông tin này. Một người trung bình dành hơn 2 giờ/ngày vào mạng xã hội. Nếu bạn sàng lọc lại trải nghiệm mạng xã hội của mình và giảm thời lượng sử dụng xuống 1 giờ/ngày, bạn sẽ tiết kiệm được hai tuần rưỡi mỗi năm để làm những việc ý nghĩa hơn.
#4. Các mối quan hệ đời thực
Áp lực xã hội là lý do rất nhiều người Việt tiếp tục những mối quan hệ ‘bằng mặt nhưng không bằng lòng’. Thay vì để áp lực xã hội chi phối hoàn toàn, bạn có thể xem xét mối quan hệ này có bao nhiêu phần là thực sự yêu quý, có bao nhiêu phần là do mình cả nể và ngại từ chối. Từ đó chúng ta chủ động điều chỉnh mức độ tương tác của mình sao cho phù hợp với tầm quan trọng của mối quan hệ đó.
Ở một xã hội đề cao tính tập thể như Việt Nam, chúng ta cần một liều dũng cảm để đối mặt với những mối quan hệ rườm rà. Chúng ta cần học cách từ chối những buổi nhậu tùy hứng, những bữa tiệc ‘nể’, và cả những đám cưới của những người gần như không quen biết. Chúng ta cũng cần học cách tôn trọng không gian và lựa chọn của người khác để không tự ái khi mình là người không được mời.