Thế giới mà chúng ta đang sống đã từng mất khoảng 64 năm để khiến cho người ta dần quen với các hoạt động sản xuất hàng loạt thép, dầu, điện. Nhưng nó lại chỉ cần 37 năm để chứng kiến sự lan truyền hoạt động sử dụng máy tính và Internet trong mọi mặt đời sống, trước khi AI bước chân vào cuộc chơi.
Rõ ràng, thế giới đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt. Sự thay đổi liên tục này không chỉ có những tác động ở tầm vĩ mô, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, thói quen, lối sống của từng cá nhân trong xã hội. Xung đột và khác biệt giữa các thế hệ đã không sâu sắc đến như vậy cách đây 500 năm.
Sự biến động không ngừng của thế giới đã khiến cho khoảng cách giữa các thế hệ bị kéo giãn. Bố mẹ chúng ta chưa kịp hiểu hết các công năng của máy tính thì điện thoại thông minh và AI đã ra đời. Điều này dẫn đến những khác biệt rõ rệt trong quan niệm và lối sống giữa người trẻ và bố mẹ, mặc dù hai thế hệ không cách nhau quá xa.
Trong mắt bố mẹ, chúng ta là những người sống lệch múi giờ
Thời bố mẹ, hoạt động nào cũng diễn ra sớm và trong một khung thời gian cụ thể. Trừ những công việc đặc thù, hầu hết mọi người thời đó đều làm việc theo giờ hành chính. Vì vậy, việc thức dậy lúc 6 giờ, hoặc thậm chí sớm hơn, là điều rất bình thường. Mặc dù dậy sớm là một điều rất khó khăn, nhưng bố mẹ chúng ta lại có một mốc thời gian cố định trong ngày để nghỉ ngơi, và hiếm khi phải làm thêm ngoài giờ.
So với bố mẹ, chúng ta sống và làm việc trong một khung thời gian trễ nải hơn, thoáng hơn. “Thời gian đầu đi làm, bố mẹ mình rất ngạc nhiên vì đã 8 giờ hơn rồi mà mình vẫn ung dung ở nhà.” — Minh Tuấn, 25 tuổi chia sẻ.
Tuy nhiên, khung giờ làm việc của thế hệ trẻ lại kém ổn định hơn nhiều. Chúng ta có thể không cần phải đi làm vào sáng sớm, nhưng thời gian cố định để nghỉ ngơi lại ít hơn so với bố mẹ ngày xưa. Đối với chúng ta, mang công việc về nhà và cắm cúi làm đến khuya là điều hết sức bình thường.
Trong mắt bố mẹ, chúng ta đang dần lãng quên cơm nhà
Hiểu được tâm lý đề cao sự tiện lợi và mức giá lợi nhất có thể của giới trẻ, xã hội hiện đại đưa đến những loại hình dịch vụ mới mẻ chưa từng có ở thời bố mẹ, điển hình là dịch vụ giao thức ăn tận nơi.
Đối với bố mẹ, cơm nhà là một phần quan trọng của đời sống, và không có thức ăn ở đâu bì được với cơm nhà. Chính vì vậy mà họ thường có thói quen dậy sớm nấu ăn và mang cơm theo khi đi làm, hoặc về nhà ăn cơm vào giờ nghỉ trưa.
“Hồi còn là sinh viên mới xa nhà, mình vẫn còn siêng nấu nướng lắm. Dần dần lịch học dày hơn, số lần mình tự nấu ít lại. Tới bây giờ đã đi làm rồi thì hầu như chỉ đặt đồ ăn bên ngoài để tiết kiệm thời gian, vì mỗi lần nấu cho ba bữa từ khâu chuẩn bị tới dọn rửa phải tốn ít nhất một tiếng.” — Huyền Trân, 24 tuổi.
Trong khoảng gần một năm nay, thị trường ứng dụng giao đồ ăn vẫn không ngừng cạnh tranh khốc liệt về tốc độ giao hàng và “cơn mưa” khuyến mãi. Đồng thời, các thương hiệu liên tục làm mới bằng những chương trình độc nhất chỉ có trên nền tảng của mình. Những tiện ích rõ rệt đó lại càng khuyến khích thế hệ trẻ tìm đến những dịch vụ giao hàng này, mặc dù vẫn hiểu được ý nghĩa của những bữa cơm nhà.
Trong mắt bố mẹ, sự ổn định lâu dài không nằm trong danh sách ưu tiên của chúng ta
Ở thời bố mẹ, đất nước đang trong thời kỳ vực dậy và phát triển kinh tế, vì thế được ăn no mặc ấm đã là một điều may mắn. Vô hình trung, thế hệ phụ huynh của chúng ta hầu như đều có chung một mục tiêu, đó là sự ổn định. Họ làm việc cật lực chỉ để có căn nhà của riêng mình, xây dựng tổ ấm từ sớm, và tiết kiệm từng chút để lo cho tương lai. Sống mãi mãi ở một nơi không phải là điều nhàm chán với họ. Ngược lại, được định cư vĩnh viễn ở một chỗ là đặc ân to lớn.
Khác với bố mẹ, thế hệ trẻ đã quen được nuôi nấng, dạy dỗ trong điều kiện đầy đủ vật chất. Vì thế, sự ổn định gia đình chưa phải là mối ưu tư của chúng ta. Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến ước mơ, sự nghiệp, hoài bão của mình. Nhờ có nền tảng vững chắc từ gia đình, chúng ta được khuyến khích bay nhảy và khai phá những chân trời mới lạ. Vì lý do này, người trẻ hiện đại tạm thời gác lại mục tiêu nhà cao cửa rộng và cảm thấy ổn với việc thuê chung cư hay nhà trọ.
Đồng thời, bởi khả năng tài chính còn chưa ổn định nên thế hệ trẻ chưa sẵn lòng cho việc sở hữu những tài sản lớn như nhà cửa và xe hơi, bởi vì sở hữu đồng nghĩa với chịu những chi phí phát sinh, chẳng hạn như bảo dưỡng và bảo trì.
Thay vào đó, họ tìm đến những dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng sản phẩm sẵn có mà không cần chịu gánh nặng sở hữu. Từ đó, “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) trở thành bước đi thông minh hơn cho người trẻ. Một trong số các minh chứng cho sự dịch chuyển này là xu thế nở rộ của các không gian làm việc chung (co-working space) trong vài năm trở lại đây.
Trong mắt bố mẹ, chúng ta không đoái hoài đến việc lập gia đình
Như đã đề cập ở trên, thế hệ trẻ vẫn đang ở giai đoạn chưa ổn định. Điều này không chỉ đúng với khía cạnh tài chính, mà còn kéo theo cả tình trạng trì hoãn chuyện lập gia đình, thậm chí xa hơn là có con. Người trẻ cho rằng việc kết hôn vẫn có thể chờ thêm mấy năm nữa, khi cả hai đã ổn định công việc, và quan trọng hơn cả là tìm được người phù hợp với mình.
“Lúc còn đi học thì không cho mình yêu đương, vừa mới ra trường đã đòi bế cháu. Mà sinh viên mới ra trường bây giờ làm gì có ai nghĩ đến chuyện cưới xin. Thời bây giờ là phải củng cố tài chính trước đã, không thì khổ lắm!” – Minh An, 25 tuổi.
Thế hệ chúng ta không sốt ruột quá về việc “tại sao sống 20 năm cuộc đời rồi mà còn chưa có người yêu”. Chúng ta quan trọng vấn đề đồng điệu tâm hồn giữa hai bên hơn, trong khi bố mẹ thì không yêu cầu nhiều như thế. Trong mắt họ, kết hôn là việc ai cũng phải làm trong đời và chỉ cần đối phương đàng hoàng, tử tế, môn đăng hộ đối là đủ.
Trong mắt bố mẹ, chúng ta sống thờ ơ với mọi người
Thế hệ trẻ chưa bao giờ thôi ngạc nhiên và thán phục khi thấy bố mẹ có thể nhớ hết tên, vai vế của từng người hai bên dòng họ nội ngoại, thậm chí có là họ hàng xa chăng nữa. Người trẻ chúng ta có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những mối quan hệ bên ngoài chẳng hạn như bạn bè, hội nhóm cùng sở thích, thậm chí là những vấn đề xã hội. Nhờ sự phát triển của công nghệ mà người trẻ còn có thể kết nối với những người sống ở múi giờ khác, hay theo dõi sát sao những sự kiện xảy ra ở bán cầu bên kia.
Bố mẹ chúng ta thì khác, vòng tròn quan tâm của họ hẹp hơn, hầu như chỉ gói gọn ở công việc, gia đình và những người xung quanh như hàng xóm láng giềng. Vì thế, trong mắt bố mẹ, chúng ta là những người sống thờ ơ, tệ hơn nữa là lạnh nhạt với gia đình họ hàng. Nhiều bậc phụ huynh còn nghĩ con cái mình chỉ “lo chuyện bao đồng”.
Đồng thời, điều kiện sống ở đô thị cũng khiến người trẻ ít quan tâm nhiều đến hàng xóm. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là giờ giấc mỗi người mỗi khác, không có nhiều thời gian để gặp gỡ bên ngoài. Ngoài ra, ở các thành phố lớn, người dân đa số chuyển đến từ các vùng miền khác nhau, do đó không có nhiều mối liên hệ ràng buộc như ở các thành phố nhỏ hay vùng quê.
“Sống ở chung cư hiện tại gần một năm rồi mà ngoài chú bảo vệ ra mình không biết ai cả. Mẹ mình chỉ thỉnh thoảng tới thăm con, vậy mà còn quen thuộc hàng xóm hơn mình. Mẹ mình nói nên làm quen trước, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, sau này cần nhờ vả gì cũng tiện. Thật ra mình thấy cần gì thì đã có các dịch vụ cấp tốc rồi.” — Ngọc Thảo, 23 tuổi. Đây cũng là một trong số lý do khiến thế hệ trẻ dễ dàng sống theo kiểu “cửa đóng then cài” hơn.
Những khác biệt trong lối sống và thói quen giữa các thế hệ là nguồn cơn của nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Tất cả đều xuất phát từ việc bố mẹ không thể hiểu nổi con cái, và con cái cũng không thể thông cảm cho bố mẹ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, xung đột gia đình sẽ phần nào thúc đẩy các thế hệ cố gắng tìm hiểu nhau hơn, xem hai bên đang suy nghĩ gì dưới góc độ và trải nghiệm của bản thân, và vì sao lại hành xử như vậy.
Gia đình không phải là nơi để nói lý lẽ, ai đúng, ai sai. Dù có khác biệt đến đâu, nhiều hiểu lầm đến đâu, cũng không gì có thể thay thế được gia đình.
Bài viết này được thực hiện bởi Uyên Nguyễn.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.