Ẩm thực Hà Nội xưa nay vẫn luôn được xem là khó tính bởi rất chọn lọc trong việc tiếp thu những tinh hoa của ẩm thực thế giới. Dù cuộc sống có hối hả và tấp nập đến đâu, dù có vô vàn những thương hiệu nổi tiếng đặt chân đến Hà Nội thì những nét tinh tế trong văn hoá ẩm thực vẫn không bao giờ mất đi.
Những quán ăn có thể nằm sâu trong ngõ nhỏ, quanh năm ngày tháng chỉ bán một món trong một khung giờ nhất định. Ấy vậy mà thực khách vẫn chờ đợi để được ăn. Giữa những tò mò và hứng thú, chúng tôi đã tìm đến Nofoodphobia (Vũ Mỹ Linh), một cô gái Hà Thành hiểu và yêu Hà Nội sâu sắc để cùng trả lời câu hỏi: 24 giờ ở phố cổ ăn gì?
Ẩm thực Hà Nội hài hoà chứ không “chém to kho mặn”
Người Hà Nội không chỉ ăn no, mà phải ăn ngon, ăn vui và thậm chí ăn đẹp. Sự tinh tế không chỉ nằm ở khẩu vị mà còn ở việc lựa chọn khung cảnh ăn uống, cách ăn - món nào đi với món nấy (như phở bò phải ăn với dấm, còn phở gà thì chỉ dùng với chanh), ăn theo thời tiết, mùa nào thức nấy, thậm chí giờ nào thức nấy.
Mùa xuân là mùa của sum họp, đoàn viên nên những hoạt động ăn uống thường gắn liền với những món ngon ngày Tết. Ta có món bún thang chế biến từ thực phẩm thừa sau Tết nhưng được chế biến tỉ mẩn, bày biện công phu với hương vị thanh tao hay bát bún ốc với nước dùng thơm mùi dấm bỗng…
Mùa hè, người Hà Nội chuộng ăn những món ăn thanh nhiệt, có hương vị nhẹ nhàng như nộm bò, cuốn thịt, cháo đậu cà, sứa đỏ hay nước sấu ngâm. Vào mùa thu khi tiết trời mát mẻ, mọi người thường thích la cà phố xá và tìm những món ăn vặt để thưởng thức. Đặc sản mùa thu không chỉ nằm ở bản thân những món ăn như cốm Vòng, chả rươi… mà nằm ở cảm nhận khi thưởng thức chúng giữa không gian phố phường.
Đông đến, với cái thời tiết chuyển lạnh rõ ràng, người Hà Nội thường ưu tiên những món nóng hổi để làm ấm cơ thể như bánh đúc nóng, cháo sườn, gà tần, hay những món ăn vặt như chè bà cốt, bánh trôi tàu,…
Bún thang Hàng Hành
Địa chỉ: 29 Hàng Hành, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm
Giá: 30.000 - 45.000
Sự sáng tạo của người Hà Nội thể hiện khá rõ trong món ăn này. Người bà, người mẹ khéo léo tận dụng những nguyên liệu còn thừa trong ngày Tết để cho ra một món mới vừa ngon, vừa tiết kiệm. Bún thang có nhiều nguyên liệu, mỗi thứ ít một, xếp lại như thang thuốc.
Trong từng nguyên liệu cũng “nhiêu khê” lắm. Bún phải sợi nhỏ, dai. Nước dùng nhất quyết là nước dùng ninh từ xương gà mới thơm. Thịt gà cũng phải xé nhỏ bằng tay chứ không chặt cả miếng như quán phở gà. Trứng phải tráng lớp mỏng rồi thái chỉ.
Ăn bún thang cũng phải lịch sự, thanh nhã, ngồi trên ghế cao và bàn tương ứng chứ không bê cả bát rồi xì xụp bên vỉa hè. Bạn có thể ghé địa chỉ 29 Hàng Hành vì nơi đây đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của một bát bún thang ngon. Ngồi trên tầng 2 ngắm phố phường Hà Nội cũng rất dễ chịu.
Xôi xéo cô Mây
Địa chỉ: 31 Lý Thường Kiệt, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm
Giá: 10.000 - 15.000
Đừng bao giờ ăn xôi xéo trong một nhà hàng. Xôi xéo ngon nhất ở những thúng xôi nép bên vỉa hè góc phố nào đó. Gạo nấu xôi được chọn từ loại gạo dẻo, ăn lúc nóng không bị nhão mà để nguội cũng không bị cứng. Gạo được ngâm qua đêm với nghệ để tạo nên màu vàng bóng, óng ả. Đỗ xanh đồ lên, giã nhuyễn được nắm chặt lại cỡ quả bưởi. Hành khô phi giòn rụm, thơm lừng cùng nước mỡ lúc phi hành.
Xôi xéo cô Mây đã bán hơn 20 năm. Nếu mua mang về, bạn sẽ được cô gói xôi trong lá sen thơm nồng nàn.
Phở bò
Địa chỉ: Nhiều địa chỉ
Giá: 35.000 - 50.000
Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, hay rộng hơn là Việt Nam thì không thể không nhắc đến phở. Nhắc nhiều, quá quen thuộc nên giờ gọi tên sẽ nhiều người cảm thấy nhàm chán. Nhưng thử nghĩ mà xem, mỗi khi đi xa Hà Nội, thứ nhiều người nhớ nhất không phải là một bát phở nóng hổi ư?
Linh thường ăn hàng phở của chị Oanh nằm sâu trong ngõ Thọ Xương mà mẹ Linh đã ăn từ thời bố chị Oanh đứng bán. Thực tế quán phở đã mở 3 đời rồi, ngày đầu quán vốn chỉ là một xe hàng rong. Phở ở đây đặc biệt hơn nhờ có thịt nhừ, nước phở cũng gia giảm vừa ăn, một bát khá đầy đặn mà giá thì bình dân.
Ngoài ra tuỳ thuộc vào khẩu vị hôm đó thèm ăn loại phở bò nào, Linh sẽ lựa chọn các quán phở phù hợp, như phở sốt vang Lý Béo số 4 Hàng Nón, phở bò nước đục 34 Ấu Triệu, phở lõi rùa ở Khôi Hói - 50 Hàng Vải hay hôm nào tiện đường ra sân bay mà muốn ăn sáng thì sẽ qua phở Hồ Lợi - 28 ngõ 209 An Dương Vương.
Bún chả Thìn Béo
Địa chỉ: 29 Nguyễn Khoái, Phường Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng
Giá: 40.000 - 50.000
Bún chả thành phần chính có bún rối, chả nướng và nước chấm, ăn kèm đĩa rau sống tươi mát. Thịt nướng cũng có 2 phần: thịt miếng được lựa chọn từ phần thịt ba chỉ để có độ mềm nhất định, thịt viên thì được vo tròn, tẩm ướp và nướng trên bếp than củi hồng.
Linh hồn của món này nằm ở nước chấm, pha chế dưới bàn tay tài tình theo một công thức gia truyền riêng biệt: nước mắm, đường, dấm, tỏi, ớt, tiêu và đương nhiên lúc phục vụ phải còn ấm nóng. Cái tinh tế của món này là nét vừa đủ trong phần ăn truyền thống, thịt không quá nạc, không quá mỡ, bún cũng chỉ xếp trên cái đĩa con con.
Bún đậu Mã Mây
Địa chỉ: 1 Đông Thái, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm (cạnh số 5 Mã Mây)
Giá: 60.000 - 80.000
Bún đậu ngon là những miếng đậu mơ rán già, bún lá vừa ăn, thêm vài ba miếng chả cốm dẻo thơm và bát mắm tôm được pha vừa vặn, bông xốp. Bún đậu Mã Mây có đậu rán giòn vỏ ngoài, bên trong bông mềm, chả cốm dẻo, thịt chân giò nhiều nạc, ít mỡ. Đây cũng là quán Linh thường xuyên ăn nhất vào mỗi buổi trưa.
Bún ốc cô Huệ
Địa chỉ: 43 Nguyễn Siêu, Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm
Giá: 40.000 - 50.000
Bún ốc thời nay có nhiều khúc biến tấu khác nhau, quán thì thêm vào riêu, đậu phụ, bò, giò… nhưng hàng bún ốc cô Huệ bao năm vẫn giữ được vẻ đẹp của hương vị cổ truyền. Suốt 20 năm, cô vẫn gánh rong khắp phố cổ Hà Nội và 10 năm gần đây, cô mới “an cư lạc nghiệp” tại địa chỉ này.
Bún ốc của cô ngon bởi nồi nước dùng thanh trong, ngọt dịu, chua vị bỗng nếp, dậy hương và cay tê đầu lưỡi. Ốc nhồi to, giòn, ốc con làm sạch sẽ. Mấy năm gần đây cô mới có thêm chả ốc nhưng chả hơi nhiều thịt, gọi thêm 1 - 2 viên ăn cho vui miệng chứ ốc và bún không đã ngon lắm rồi. Ngoài bún ốc nóng cô còn có cả bún ốc nguội cho những ngày nắng nóng oi bức.
Chả cá Thăng Long
Địa chỉ: Biệt thự 6B Đường Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Hoàn Kiếm
Giá: 100.000 - 200.000
Thưởng thức ẩm thực Hà Hội mà không ăn chả cá thì dường như chưa đặt chân đến đất Kinh Kỳ. Món chả cá được làm từ cá lăng chắc thịt, tẩm ướp riềng, nghệ và các loại gia vị rồi nướng trên than hoa cho vàng đều. Nhưng nếu chỉ nướng không thì đâu được gọi là chả cá, khi ăn cá được rán trong chảo mỡ lép bép đang sôi.
Món ăn thực sự ngon còn ở khâu bày biện và các loại đồ ăn kèm, đây mới là thứ khiến ẩm thực Hà Nội cầu kỳ và tinh tế. Để thưởng thức chả cá không thể thiếu thìa là, hành hoa, húng láng, hành chẻ, lạc rang, bún trắng và tất nhiên không thể thiếu một bát mắm tôm thật ngon, vắt chanh rồi đánh bông thật dậy mùi.
Cơm “nhà” Tầm Vị
Địa chỉ: 4B Yên Thế, Phường Văn Miếu, Quận Đống Đa
Giá: 170.000 - 300.000/món
Mùa nào thức nấy, buổi nào món đó, người Hà Nội luôn lựa chọn đồ ăn theo những tiêu chuẩn đó chứ không phải cốt sắm sao cho đầy mâm, no bụng. Mâm cơm hàng ngày cũng cầu kỳ, nhưng là sự cầu kỳ thanh thoát, tao nhã chứ không phải màu mè, nặng về hình thức.
Bạn có thể ghé tiệm cơm “nhà” Tầm Vị hoặc Một Ngày Mới (72 Mã Mây) để thử những món ăn giản dị, quen thuộc nhưng được nấu khéo léo, cẩn thận trong cách lựa chọn nguyên liệu tươi mới mỗi ngày.
Bít tết ông Lợi
Địa chỉ: 51 Hàng Buồm, Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm
Giá: 120.000 - 155.000
Dù bít tết không phải là món ăn xuất phát từ Hà Nội, nhưng nếu là bít tết kiểu người Hà Nội thì bạn có sẵn sàng muốn thử không? Ở đây không chỉ có bít tết, mà còn có chim quay và cua rang muối rất ngon.
Quán ông Lợi nằm sâu trong ngõ nhỏ, mang đậm màu sắc của một ngôi nhà phố cổ Hà Nội. Bít tết ở ông Lợi luôn được bưng ra khi nóng sốt, một đĩa bít tết gồm có một miếng thịt bò bít tết đã được tẩm ướp nhiều sốt và một ít khoai tây chiên. Thịt bò ở đây mềm và đậm đà, ăn nóng nên lại càng ngon. Khoai tây chiên luôn giòn chứ không ỉu mềm như ở nhiều nơi, nếu thích thì có thể thêm một chút tương ớt hay xì dầu để chấm với thịt bò.
Sau bữa tối, nếu vẫn muốn la cà phố xá, bạn có thể tiếp tục đi ăn vặt. Hoặc xập xình hơn là các quán cocktail bar. Một vài địa điểm ăn đêm Nofoodphobia gợi ý cho bạn:
- Bánh cuốn - 28 Hà Trung
- Phở xào - 11 Hàng Buồm
- Cháo sườn sụn - 14 Đồng Xuân
- Phở Huy - 6C Cửa Đông
- Cơm đảo - 2A Tống Duy Tân
Không chỉ có bữa sáng truyền thống hay trà chiều cổ điển, lịch trình 24 giờ ăn uống của một người Việt sinh động hơn bao giờ hết. Bữa sáng có thể bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng, nhưng cũng có những gánh phở truyền thống mở cửa lúc 2 giờ sáng ở phố cổ Hà Nội. Bữa tối cùng gia đình có thể kết thúc vào 8 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài đến đêm khuya.
Hành trình thưởng thức món ăn của người Việt trải dài suốt một ngày và tạo ra vô vàn điểm chạm. Flavors Việt Nam 2023 với chủ đề "24h và những điểm chạm ẩm thực từ Nam ra Bắc" đi vào từng điểm chạm đó, và tìm ra cách để dù là quán vỉa hè hay nhà hàng fine dining - đều là những trải nghiệm đáng nhớ và độc nhất, chỉ có ở Việt Nam, như một cách để tôn vinh và thể hiện tình yêu với văn hóa ẩm thực bản địa.
Đặc biệt cảm ơn Mastercard cùng các nhà tài trợ Tanqueray, Johnnie Walker, Ly Gia Vien, Andros Asia, Lacàph, Oda , Peroni Nastro Azzurro, Duvel Moortgat, New Zealand Trade & Enterprise, Kamereo Vietnam, Penfolds, San Pellegrino, Acqua Panna, KPMG đã đồng hành cùng Flavors Việt Nam 2023.