Ở phần trước, chúng ta đã học cách tự làm việc với bản thân để ra quyết định tìm kiếm dịch vụ trị liệu chuyên nghiệp cũng như thực hành 3 bước xác định nhà trị liệu phù hợp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu tiên.
Để thực sự biết mình có phù hợp với nhà trị liệu đó hay không, chúng ta cần trực tiếp làm việc với người đó và tiếp tục đánh giá mức độ phù hợp. Cụ thể ba bước tiếp theo như sau:
Giai đoạn 2: Lựa chọn và bắt đầu
Bước 1: Liên hệ với nhà trị liệu
Khi tìm được nhà trị liệu tiềm năng, hãy liên hệ với họ trước khi chính thức bắt đầu để thống nhất rõ ràng về chi phí, hình thức làm việc, địa chỉ, thời gian. Nếu đang gặp khó khăn tài chính, bạn cũng có thể hỏi xem nhà trị liệu có các hình thức hỗ trợ chi phí hay không, cũng như cách thức tiếp cận sự hỗ trợ này.
Ngoài ra, một số nhà trị liệu cũng có thể sẽ ký hợp đồng/thỏa thuận đồng ý trị liệu trước khi bắt đầu để có sự thống nhất rõ ràng nhất, từ đó bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên.
Bước 2: Thử buổi đầu tiên và đánh giá
Trị liệu hiệu quả đòi hỏi sự sẵn lòng trung thực và dễ bị tổn thương, vì vậy điều quan trọng là bạn phải cảm thấy an toàn và thoải mái với nhà trị liệu của mình.
Sẽ không có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá nhà trị liệu đó có hợp với bạn không, vì mỗi người một khác. Vì vậy, mình gợi ý một số câu hỏi để người đọc tự đánh giá sau khi trải nghiệm dịch vụ ở một vài buổi đầu:
- Nhà trị liệu của bạn có khiến bạn cảm thấy an toàn, không bị phán xét hay đánh giá không?
- Nhà trị liệu của bạn có bất kỳ điều gì khiến bạn cảm thấy bị đe dọa, tăng thêm sự bất an?
- Nhà trị liệu của bạn có áp đặt suy nghĩ, ngắt lời hay làm điều gì khiến bạn cảm thấy không được lắng nghe?
- Nhà trị liệu của bạn có hướng bạn hiểu thêm về vấn đề, về bản thân, để từ đó biết cách tự mình đối diện, xử lý chúng?
- Bạn có cảm thấy nhà trị liệu của bạn tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc của bạn và tin tưởng vào khả năng xử lý vấn đề của bạn (thay vì coi bạn là người yếu đuối hoặc phụ thuộc)?
- Bạn có cảm nhận được bất kỳ lợi ích gì sau các phiên trị liệu đầu tiên? Lưu ý rằng "lợi ích" ở đây không nhất thiết phải là sự thay đổi hay không còn thấy đau khổ. Nó có thể chỉ đơn thuần là bạn cảm thấy có được một người lắng nghe, quan tâm tới mình.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc trị liệu tâm lý đôi khi có thể khiến nhiều cảm xúc bên trong bạn trào dâng. Vì vậy, quá trình trị liệu có thể khiến bạn bị thách thức, khó chịu hay bối rối. Bởi có thể đây là lần đầu bạn đối diện với những vấn đề đã bị kìm nén và che dấu từ rất lâu.
Vì vậy, cảm giác lo lắng, bối rối, đặc biệt đối với những thân chủ chưa từng trị liệu là điều phổ biến. Bởi vậy dù có xuất hiện cảm xúc khó chịu trong quá trình trị liệu, bạn không nên chỉ dùng tiêu chí này để loại nhà trị liệu.
Bước 3: Rời đi nếu không phù hợp với nhà trị liệu
Cảm nhận bản thân có hợp với nhà trị liệu hiện tại hay không đôi khi mang tính chủ quan. Vì vậy sau một khoảng thời gian làm việc, nếu bạn nhận thấy mình lấn cấn với một vài điều ở nhà trị liệu, trước tiên thử nói chuyện thẳng thắn với họ để cùng thảo luận cách giải quyết.
Sẽ rất hữu ích cho cả hai khi nắm được những điểm cần lưu ý khi làm việc với nhau. Bên cạnh đó, đôi khi phản ứng của nhà trị liệu với các câu hỏi của bạn cũng là yếu tố giúp quyết định bản thân có phù hợp với người này không.
Trong trường hợp bạn cảm thấy tình hình không có tiến triển, bạn hoàn toàn có quyền rời đi. Khi đó, bạn cũng có thể nhờ nhà trị liệu hiện tại gợi ý một vài nhà trị liệu họ cảm thấy uy tín và phù hợp với bạn.
Tuy nhiên nếu đã làm việc cùng nhiều nhà trị liệu, và ở mỗi người bạn đều thấy có đặc điểm khiến bạn thấy bất an, đây có thể là một khó khăn khác bạn cần tìm hiểu thêm. Trong trường hợp này, mình gợi ý bạn hãy trao đổi thêm với nhà trị liệu hiện tại.
Kết luận
Trong bối cảnh sức khỏe tinh thần đang là ngành công nghiệp tỷ đô, ta dễ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” nếu không cẩn thận. Việc tìm nhà trị liệu phù hợp có thể khó khăn và phức tạp trong giai đoạn đầu, nhưng đó là điều cần thiết để quá trình làm việc thuận lợi hơn, không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Vì vậy nếu bạn cảm thấy khó khăn, đừng ngại trong việc nhờ cậy sự giúp đỡ từ những người xung quanh để tìm một nhà trị liệu chuyên nghiệp và uy tín. Các bài viết sắp tới cũng sẽ liệt kê một vài đặc điểm khiến một nhà trị liệu dù đáp ứng các tiêu chí trên vẫn có thể là "cờ đỏ".