3 Sai lầm khiến việc tự học thất bại | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

3 Sai lầm khiến việc tự học thất bại

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao ai ai cũng phải đi học thêm chưa? Và vì sao những thủ khoa đại học lại thường chọn phương pháp tự học?
3 Sai lầm khiến việc tự học thất bại

Nguồn: Unsplash

Không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn học sinh các cấp đeo trên vai chiếc cặp sách “khổng lồ" chứa sách vở học từ chính khoá cho tới học thêm, từ sáng sớm tới tối mịt. Bản thân tôi cũng từng trải qua những ngày tháng ăn bữa cơm vội vàng, quay cuồng đi học thêm vài ca một ngày và kiệt sức mỗi khi trở về nhà. Không chỉ tôi mà bố mẹ cũng mệt mỏi vì phải đưa đón tôi đi học từ đầu này tới đầu kia thành phố.

Thời điểm đó, tôi chưa bao giờ tự hỏi vì sao tôi hay các bạn đều phải đi học thêm nhiều như vậy. Nhưng dù lý do là gì, không ai có thể phủ nhận đi học thêm nhiều rất tốn thời gian và dần sinh ra những “căn bệnh" như lười tư duy, lười “động não", ngại mày mò. Học sinh sẽ luôn trong trạng thái chờ được cho cách giải rồi chép vào vở và học thuộc.

Lên cấp 3, tôi quyết định tự học hoàn toàn ngoài giờ học chính khoá. Trước khi đến với những “bí kíp" tự học hiệu quả tại nhà, tôi muốn chia sẻ rằng, nếu tự học đúng cách, bạn hoàn toàn có thể đạt điểm cao trong những kỳ thi đồng thời rèn luyện được cho bản thân những kỹ năng cần thiết để trở thành một ứng viên vượt trội khi bước ra “trường đời" sau này.

alt
Nguồn: Unsplash

Những “kẻ thù" của việc tự học

Giáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ sinh viên Mỹ có số giờ học Toán ít hơn so với sinh viên Việt Nam nhưng sau 4 năm, kiến thức của họ lại trội hơn, một phần do thời gian tự học nhiều hơn. Tuy nhiên, tự học không phải một việc dễ dàng.

Bạn không biết lên kế hoạch

Khi bạn có toàn quyền quyết định bạn học ở đâu, học lúc nào, đó cũng là con dao hai lưỡi. Thời gian tự học của bạn có hiệu quả hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng lên và bám sát kế hoạch của bản thân. Có hai sai lầm lớn nhất trong việc lên kế hoạch:

  • “The planning fallacy" - khi bạn dự đoán thiếu số thời gian thực tế cần để hoàn thành một công việc: bạn đặt “deadline" phải hoàn thành 10 bài tập toán trong 3 tiếng đồng hồ mà quên trừ đi thời gian bạn bị “mất hứng" vì mệt hoặc trên mạng bất chợt có một câu chuyện thú vị gì đó mà bạn không thể bỏ lỡ.
  • “Parkinson's Law" - khi bạn dự đoán thừa số thời gian thực tế cần để hoàn thành một công việc: bạn chỉ cần 20 phút để làm một đề toán trắc nghiệm nhỏ nhưng bạn lại đặt cho bản thân tận 2 tiếng. Chính vì vậy, thay vì tập trung làm bài trong 2 tiếng đó, bạn sẽ “làm một câu - lướt mạng xã hội 15 phút" hoặc “chạy ra chạy vào" nhà bếp kiếm đồ ăn vặt. Khi cho bản thân thêm thời gian, bạn sẽ có xu hướng dùng thời gian đó để nghỉ ngơi hoặc “vẽ" thêm việc để làm.

Bạn nghĩ tự học là học một mình

Vì sao bạn nghĩ rằng trong một tiếng bạn không nghĩ ra đáp án thì ba, bốn tiếng sẽ giúp bạn nghĩ ra?

Khi mới bắt đầu tự học, đã có rất nhiều lần tôi rơi vào tình huống nghĩ mãi không ra đáp án, tìm tài liệu trên mạng thì tìm mãi không ra hoặc bị rơi vào “biển” thông tin. Kết quả là bài toán thì không tìm ra hướng giải quyết còn tinh thần thì… nản.

alt
Nguồn: Unsplash

Rất nhiều người nghĩ rằng tự học là bạn phải tự tìm tòi, tự cố gắng đi tìm câu trả lời, tự hướng dẫn bản thân mà không cần nhờ cậy đến ai. Việc tự nghiên cứu, tìm tòi là không sai nhưng không gì ngăn cấm bạn tìm kiếm cho mình những người đồng hành, những người giúp đỡ mỗi khi bạn gặp khó khăn.

“Mình sẽ lướt điện thoại 5 phút nữa thôi"

Khi ngồi học ở nhà và thiếu người “kèm cặp", điều bạn cần rèn luyện nhất chính là tính kỷ luật. Mỗi chúng ta đều có một cám dỗ riêng biệt, một món ăn ngon, một tin tức “nóng", một bộ phim hay, những cuộc hội thoại rôm rả của bạn bè trên mạng,...

Khi tiếng thông báo tin nhắn trên điện thoại vang lên, bạn nghĩ bạn có thể kiểm soát được thời gian mình cầm điện thoại lên và xem. Nhưng năm, mười, ba mươi phút rồi bạn nhận ra, một ngày của bạn đã trôi qua như vậy. Việc liên tục bị mất tập trung sẽ (lại) khiến bạn nhanh nản chí.

alt
Nguồn: Unsplash

Tự học sao cho hiệu quả?

Tôi không tự nhận mình thành công trong việc tự học vì học là việc cả đời và thú thật là, trong một vài lĩnh vực không phải thế mạnh của bản thân, tôi vẫn gặp ít nhiều khó khăn với việc tự học. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tôi có thể khẳng định, nỗ lực tự thân là điều cần thiết.

Từ vĩ mô tới vi mô

Thay vì đặt mục tiêu hoàn thành 10 bài toán trong 3 tiếng, bạn có thể “xé nhỏ" mục tiêu thành 5 câu trắc nghiệm nhỏ trong 10 phút. Việc chia nhỏ mục tiêu sẽ giúp giảm bớt khả năng “sai số", từ đó giúp bạn có một hình dung tốt hơn về khối lượng công việc mình phải làm.

Khi bắt đầu lên lớp 12, học lực của tôi được đánh giá là chỉ có thể đạt cao nhất là 7 điểm thi Đại học môn Toán. Chính vì vậy, thay vì đặt mục tiêu trong 10 tháng phải đạt 9 điểm, tôi đã chia nhỏ mục tiêu thành 3 tháng phải tăng được 1 điểm so với số điểm cũ. Từ đó, tôi biết được để tăng được 1 điểm đó, tôi cần làm đúng thêm bao nhiêu câu và cần bổ trợ cụ thể những kiến thức gì.

Bạn có thể hỏi

Việc hỏi không sai. Chỉ khi bạn hỏi để người khác chỉ thẳng bạn đáp án, bạn mới sai. Nếu bạn gặp khó khăn với một bài tập khó, bạn hoàn toàn có thể hỏi một người bạn, một người thầy cho gợi ý để bạn tự làm.

alt
Nguồn: Unsplash

Việc tự học có ba cấp độ: (1) tự động não, (2) hỏi bạn bè và (3) hỏi thầy cô. Tôi không phải người quá thông minh và khởi đầu tự học của tôi với môn toán không hề dễ dàng.

Tôi thường tự luyện đề và mỗi khi đến một câu khó, tôi thường dành 1-2 tiếng suy nghĩ hết sức. Sau đó, tôi sẽ gọi điện cho bạn cùng bàn để trao đổi và nếu vẫn không nghĩ ra, tôi sẽ tìm đến cô giáo. Tôi rất biết ơn cô vì những ngày đó, dù tối khuya hay sáng sớm, cô vẫn ân cần giảng bài cho tôi.

Kỷ luật với bản thân

Để có thể vượt qua cám dỗ, bạn cần thừa nhận sự tồn tại của chúng trước. Bạn hãy viết ra danh sách những điều cám dỗ bạn và loại bỏ chúng khỏi môi trường xung quanh. Nếu những thông báo trên điện thoại làm bạn mất tập trung, hãy bỏ điện thoại khỏi tầm mắt trong thời gian học. Nếu bạn luôn nghĩ về đồ ăn vặt, hãy để chúng xa khỏi tầm với và “tự thưởng" sau khi hoàn thành một khoảng thời gian học nhất định.

Dù không có ai quản lý, bạn cũng cần đặt thời gian học tập cố định mỗi ngày, bắt đầu với khối lượng thời gian và công việc vừa phải. Ví dụ, mỗi tối bạn sẽ học Tiếng Anh 3 tiếng từ 7 giờ đến 10 giờ, một tiếng học từ mới, một tiếng ôn tập và một tiếng luyện kỹ năng nghe.

alt
Nguồn: Unsplash

Điều quan trọng nhất, “cần cù không bù thông minh" nhưng chắc chắn nếu bạn không “cần cù", bạn sẽ không đạt kết quả khi tự học. Không chỉ làm hết bài tập trên lớp, bạn cần tự giác tìm thêm bài để làm. Việc tự học cho bạn không gian và thời gian để “tiêu hoá" những kiến thức học từ trên lớp, vậy tại sao bạn không tận dụng triệt để?

Kết

Tôi không đi học thêm và tôi vẫn đỗ Đại học với điểm số cao. Nhưng những gì tôi nhận được không chỉ là một tờ giấy báo trúng tuyển. Suy cho cùng, mục đích cuối cùng của việc học không chỉ để hoàn thành một vài kỳ thi với điểm số cao. Học là để thu nạp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho tương lai của chính bạn.