Làm thế nào để lấy lại tập trung khi học tập chỉ bằng cách vẽ... linh tinh? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
15 Thg 04, 2024
Chất Lượng Sống

Làm thế nào để lấy lại tập trung khi học tập chỉ bằng cách vẽ... linh tinh?

Những nét vẽ nguệch ngoạc thường được liệt vào danh sách những việc làm “vô tri” mỗi khi buồn chán. Nhưng bạn có biết những nó có thể giúp ta ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả?
Làm thế nào để lấy lại tập trung khi học tập chỉ bằng cách vẽ... linh tinh?

Nguồn: Pexels

Phương pháp vừa học vừa vẽ nguệch ngoạc là gì?

Doodling study method (phương pháp vẽ nguệch ngoạc) là phương pháp ghi nhớ kiến thức bằng cách vừa học vừa vẽ lên giấy. Phương pháp này lấy cảm hứng từ kiểu vẽ doodle - được định nghĩa là hành động vẽ không có mục đích, thực hiện bởi một người đang buồn chán, hoặc đang nghĩ ngợi về chuyện khác.

Để thực hành phương pháp này, đầu tiên bạn cần chuẩn bị một tờ giấy và cây bút, đặt cạnh tài liệu hoặc thiết bị bạn dùng để học tập. Khi bắt đầu học, bạn sẽ dùng tay trái để vẽ những nét nghuệch ngoạc và vừa ghi nhớ những kiến thức vào đầu.

Nguồn gốc của phương pháp ghi nhớ doodle

Việc vẽ nguệch ngoạc từng được coi là dấu hiệu của cảm giác chán chường và mất tập trung. Tuy nhiên, vào năm 1974, nghiên cứu của 2 giáo sư tại trường Đại học York ở Anh lại phát hiện rằng việc vẽ nguệch ngoạc không làm giảm hiệu suất hay mất tập trung khi làm nhiệm vụ chính, chẳng hạn như nghe hay học. Từ đó, việc vẽ nguệch ngoạc dần được quan tâm và nghiên cứu rộng rãi để ứng dụng trong học tập và giảng dạy.

alt
Phương pháp này đang được nhiều người dùng TikTok chia sẻ. Bạn cũng có thể dùng bút thông minh để vẽ lên máy tính bảng để tiết kiệm giấy | Nguồn: TikTok

Nhà tâm lý học Jackie Andrade cũng đã thực hiện một thử nghiệm với 40 người tham gia và yêu cầu họ lắng nghe một đoạn tin nhắn thoại dài 2 phút rưỡi. Một nửa số người được yêu cầu vẽ nguệch ngoạc trong khi lắng nghe, một nửa còn lại chỉ ngồi yên. Kết quả cho thấy những người vẽ nguệch ngoạc có thể nhớ lại được nhiều hơn 29% lượng thông tin của buổi họp so với những người không vẽ.

Tại sao vẽ nguệch ngoạc lại giúp ta tập trung hơn?

Giúp não bộ tỉnh táo: Phương pháp này giúp bạn tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ mà vẫn giữ được sự tập trung cao độ, không bị xao nhãng. Bởi quá trình vẽ nguệch ngoạc sẽ giúp giảm nồng độ cortisol - hormone gây nên sự căng thẳng. Đồng thời, nó giúp điều hoà hạch hạnh nhân, vốn có liên quan đến hệ thống “chiến hoặc chạy”, từ đó giúp não bộ luôn tỉnh táo.

Đưa bản thân vào trạng thái lắng nghe thuần: Jesse Prinz, giáo sư triết học tại Đại học Thành phố New York cho biết, viết nguệch ngoạc giúp người học ở trong trạng thái “lắng nghe thuần” (pure listening).

alt
Khi ở trong trạng thái này, bạn có thể tiếp nhận mọi nội dung đang nghe một cách tối đa, đảm bảo không thiếu hụt thông tin, và đầu óc cũng không đi xa hơn so với những gì được nghe | Nguồn: Unsplash

Giải phóng khả năng sáng tạo: Một lợi ích khác của việc vẽ nguệch ngoạc khi đang học là khả năng giải phóng sự sáng tạo trong tiềm thức. Nghiên cứu của Trung tâm phát triển đời sống tại Mỹ cho thấy việc vẽ nguệch ngoạc giúp bán cầu não trái yên tĩnh hơn, và cho phép bán cầu não phải được kích hoạt. Từ đó, phần trực giác và tự phát của bộ não sẽ mang ta đến những ý tưởng không thể ngờ đến.

Áp dụng phương pháp này khi bạn cần:

Ghi nhớ: Phương pháp vẽ nguệch ngoạc sẽ hiệu quả nhất trong trường hợp bạn cần nạp một lượng kiến thức khổng lồ trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như khi phải học từ vựng tiếng Anh hoặc các môn học cần ghi nhớ nhiều thông tin như Lịch sử, Địa lý... Các kiến thức cũng được lưu trữ lâu hơn trong não bộ, khiến bạn không còn gặp phải tình trạng lúc học thì luộc làu làu nhưng lại quên hết chỉ sau… một giấc ngủ.

Bí ý tưởng: Hãy thử vẽ nguệch ngoạc ra giấy mỗi khi bạn cần sáng tạo, hành động này sẽ góp phần làm “lóe” lên những ý tưởng nào đó và giúp chúng được sắp xếp rõ ràng, cụ thể hơn.

Ngồi nghe "bị động": Phương pháp này cho phép bạn lắng các bài giảng hay podcast có thời lượng lâu, và có thể tiếp thu kiến thức một cách liền mạch hơn.

alt
Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này khi viết biên bản cuộc họp, đặc biệt nếu bạn dễ bị xao nhãng khi phải tập trung lắng nghe người khác quá lâu mà bỏ qua những chi tiết quan trọng.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều phù hợp với phương pháp ghi nhớ này. Nếu bạn đã thử và cảm thấy Doodle không dành cho mình, bạn có thể tham khảo các phương pháp ghi nhớ khác của Vietcetera qua bài viết:

5 Phương pháp ghi nhớ để đạt hiệu quả tốt hơn