Vì sao cứ vào phòng thi là kiến thức “chạy trốn” đâu hết? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 06, 2023
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao cứ vào phòng thi là kiến thức “chạy trốn” đâu hết?

Không phải do bạn chưa ôn kỹ, mà do não quá căng thẳng khi bước vào phòng thi.
Vì sao cứ vào phòng thi là kiến thức “chạy trốn” đâu hết?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn ôn tập rất kỹ cho bài thi của mình, và yên tâm bước chân vào phòng thi. Nhưng ngay giây phút mở đề, mọi kiến thức đã học bỗng trôi tuột phương xa. Dù “vò đầu bứt tai”, bạn vẫn không thể nhớ nổi đáp án.

Với những kỳ thi vấn đáp cũng vậy. Điển hình là thi nói IELTS, dù đã ôn tập hết 40 đề tài, bạn vẫn có thể “đứng như trời trồng” khi giáp mặt giám khảo. Não bạn dường như đóng băng, không thể xử lý bất kỳ thông tin nào bạn đã học trước đó.

Hiện tượng mà dân gian ta hay gọi là “chữ thầy trả thầy” như trên là biểu hiện của performance anxiety. Đây là tâm lý lo lắng, áp lực khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, mà thi cử là ví dụ phổ biến. Nó có thể khiến bạn không làm xong bài, hoặc hiểu sai yêu cầu mà đề bài đưa ra. Vậy vì sao ta lại “rớt não” trong phòng thi, dù trước đó đã ôn tập rất kỹ?

Não lạ lẫm với môi trường căng thẳng

Môi trường ôn tập ở nhà có nhiều điều kiện để chúng ta thấy thoải mái. Bạn có thể vừa học bài, vừa nghe list nhạc yêu thích, vừa nhâm nhi cốc trà hoặc học nhóm cùng bạn bè.

Theo chuyên gia thần kinh Jared Cooney Horvath, đây là thời điểm bạn ở trạng thái nhận thức lạnh (cold cognition) - điều kiện giúp phát huy khả năng tư duy bằng logic và lý trí. Các stress hormones cũng bị “ngăn” lại bởi vùng dưới đồi (hypothalamus), khi xung quanh bạn có những yếu tố giúp bạn xả hơi khi cần thiết.

Tuy nhiên khi bước vào phòng thi, bạn tiếp xúc với một môi trường lạ lẫm, khó đoán và nhiều áp lực. Điều này khiến não rơi vào trạng thái nhận thức nóng (hot cognition) để phản ứng với tình huống căng thẳng, khiến cảm xúc lấn át đi lý trí.

Sự khác biệt này khiến não rơi vào trạng thái đóng băng (freeze state), nhằm “mua” thêm thời gian để suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề và chuẩn bị cho phản ứng tiếp theo. Điều này vô tình khiến việc xử lý các thông tin lưu trữ trước đó bị tạm dừng, khiến bạn quên hết bài đã học.

Não lo lắng trước mối đe dọa

Nhiều nỗi sợ cộp mác “mùa thi” vẫn thường xuyên kéo đến với lứa học trò như sợ điểm kém, sợ bị bố mẹ mắng hay sợ trượt nguyện vọng. Tầm quan trọng của kỳ thi khiến nhiều người coi việc này như một mối đe dọa trong cuộc sống.

Khi mối đe dọa đến gần, vùng dưới đồi sẽ thúc đẩy sản sinh norepinephrine và cortisol. Đây là các hormone giúp não phản ứng với căng thẳng, song cũng gây tác dụng phụ khi “cập bến” vỏ não trước trán (PFC). Cụ thể, chúng làm giảm khả năng xử lý thông tin và hiệu quả giao tiếp, cũng như “xóa sổ” trí nhớ làm việc (working memory) khiến mọi suy nghĩ của bạn biến mất.

Cùng lúc đó, một lượng lớn cortisol di chuyển đến hồi hải mã (hippocampus), “khóa” lại con đường dẫn vào ký ức và thông tin lưu trữ. Từ đó, ta loay hoay mãi trong phòng thi mà chẳng thể chọn được đáp án.

Học nhồi nhét quá nhiều kiến thức

“Nước đến chân mới nhảy” là hiện tượng không còn xa lạ với sĩ tử mùa thi, bởi gần như ai cũng bị chôn vùi trong một khối lượng kiến thức khổng lồ. Và để “nhảy” thành công, chúng ta thường dùng phương pháp ôn nhồi nhét (cram) trong thời gian ngắn ngủi trước khi thi.

28jun2023performanceanxietyintext1jpg
Là học trò, ai cũng từng “nước đến chân mới nhảy” trước kỳ thi.

Đây chính là một lý do dẫn đến hiện tượng “mất não” khi làm đề, mà chỉ có thể ngồi đếm xem tổ tiên mách bảo chọn ý nào. Bởi nhồi quá nhiều thông tin trong thời gian ngắn khiến não bị quá tải, khó truy được những phần kiến thức cụ thể trong đề cương ôn tập.

Làm sao để tránh khủng hoảng tâm lý trong phòng thi?

Lo lắng hay căng thẳng là tâm lý chung của sĩ tử trong những ngày thi cử quan trọng. Thực tế theo định luật Yerkes-Dodson, sự căng thẳng ở mức vừa phải còn có lợi thế nhất định. Nó giúp bạn tỉnh táo và sẵn sàng đối mặt với thử thách, từ đó gia tăng hiệu suất công việc và tốc độ xử lý thông tin trong kỳ thi.

Tuy nhiên khi căng thẳng lên quá cao, nó sẽ mang lại điều ngược lại. Do đó nếu bạn thấy quá căng thẳng vào những ngày “thử lửa”, nên tham khảo các cách sau để giữ cho mình “một cái đầu lạnh” trong phòng thi:

Tránh nhồi nhét vào phút cuối: Dù có thể giúp bạn “trúng tủ” phút chót, cách học này nhìn chung vẫn lợi bất cập hại. Thay vào đó, hãy xem những nội dung giải trí để thả lỏng một chút. Nó cũng bổ sung một liều dopamine giúp não bạn thoải mái trước giờ “chiến đấu”.

Tự tạo môi trường “phòng thi”: Khi được “tôi luyện” từ trước, bạn sẽ quen hơn với môi trường phòng thi. Vì vậy bạn có thể “thiết kế” môi trường ôn luyện ở nhà giống như đi thi thật. Chẳng hạn bạn có thể ngồi trong phòng tĩnh, bấm đồng hồ và làm bài thi viết IELTS trong đúng 60 phút.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Việc liên tục thức khuya khiến não bộ không đủ minh mẫn để “truy hồi” lại kiến thức trong ngày thi. Do đó, các sĩ tử chú ý giữ nhịp sinh hoạt hợp lý, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ để vượt vũ môn với phong độ tốt nhất.

28jun2023performanceanxietyintext2jpg
Nghỉ ngơi, ngủ đủ để thật minh mẫn khi vào phòng thi bạn nhé.

Hít thở sâu: Các bài tập thiền, hít thở sâu sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn trong giây phút khủng hoảng. Hãy hít vào thật chậm và sâu để không khí tràn ngập phổi. Sau đó đếm 6 giây rồi từ từ thở ra cũng với 6 giây.

Động viên bản thân: Vào những giây phút quan trọng, đừng tự trách bản thân nếu lỡ ôn “trượt tủ” hay ôn chưa kỹ. Thay vào đó, nên liên tục trấn an bản thân bằng các câu như “Mình có thể làm được!”, “Mình đã ôn tập rồi!” để vững tâm trở lại khi đang thi. Bởi điều gì đã xảy ra thì không thể thay đổi, nhưng bạn luôn có thể cố gắng hết mình để bảo đảm kết quả thi tốt nhất.