Trải nghiệm xem phim không khác gì một hành trình. Và theo triết gia Mỹ Kendall Walton, màn bạc chính là cánh cửa dẫn lối để mỗi người xem được sống trong một thực tại khác.
Vì lẽ đó, mỗi chúng ta lại có những trải nghiệm rất khác nhau sau khi đã hoàn thành chuyến phiêu lưu của riêng mình. Xem phim xong, chúng ta có thể có nhiều câu chuyện để kể và nhiều kiến thức để sẻ chia. Nhưng cũng có thể chúng ta chỉ đúc kết được mọi thứ qua một vài tính từ đơn âm như “được”, “chán”, “ổn”, “tạm”.
Ở một mức độ nào đó, cảm thụ tác phẩm điện ảnh trong bối cảnh văn hoá Việt Nam cũng giống cách chúng ta từng được dạy cảm thụ tác phẩm văn học thời còn trên ghế nhà trường. Nhưng khác với lối giáo dục “cầm tay chỉ việc” khiến nhiều học sinh chán nản với môn văn, cảm thụ điện ảnh là một chân trời hoàn toàn mới.
Chúng ta đến với một lĩnh vực đã bị xem là “giải trí” quá lâu đến mức không có một giáo trình chuyên môn nào dạy cho chúng ta cách để hiểu một tác phẩm điện ảnh bài bản nhất. Và đây là một điều tốt, bởi tất cả chúng ta đều có cơ hội để tiếp xúc với một tâm thế thật tươi mới và không thành kiến. Bài viết này cũng tương tự: một tập hợp những bí quyết mang tính cá nhân không hơn không kém.
Nếu xem phim là một chuyến phiêu lưu, thì việc trau dồi hiểu biết cũng giống như việc bạn mang theo cuốc xẻng, dao rựa để khám phá thế giới mới này. Chúng ta sẽ khai phá những khái niệm nền tảng bên dưới một tác phẩm điện ảnh, cũng như dồn trọng tâm về những vốn văn hoá của mỗi cá nhân. Để đúc kết được những góc nhìn nguyên bản nhất nhưng vẫn có cơ sở dựa trên các lý thuyết điện ảnh được giới nghiên cứu phê bình - lý luận công nhận.
1. Nắm những mức độ cảm thụ khác nhau
Khi xem phim xong, tôi có xu hướng quan sát cách các khán giả xung quanh mình sẽ bàn những vấn đề gì xoay quanh bộ phim để có thể phân loại những mức độ cảm thụ khác nhau. Mỗi mức độ sẽ có một bộ những câu hỏi và nhận định thường thấy.
Khán giả đại chúng, những người xem phim ảnh là một phương tiện giải trí thuần tuý thì sẽ có xu hướng đánh giá những thành tố cơ bản của phim. Họ sẽ nói về câu chuyện phim và kết thúc. Họ nói rằng phim có câu chuyện hay hay dở, dễ đoán hay khó đoán và kết thúc có làm họ thoả mãn không. Đây gọi là sự đánh giá về “story” (câu chuyện) và “plot” (cốt truyện). Họ cũng sẽ rất dễ bàn luận về những nhân vật trong phim (characters) và thể loại phim (genre).
Ở mức độ cảm thụ này, người xem sẽ dễ nói về cảm xúc của họ nhiều hơn là bàn luận khách quan về phim, và các yếu tố trên là những yếu tố dễ đề cập nhất do ít nhiều đó cũng là những yếu tố thu hút họ từ đầu để đưa ra quyết định xem phim.
Sâu sắc hơn một tí là những khán giả không chỉ xem phim là phương tiện giải trí mà còn là một bộ môn nghệ thuật. Vì vậy ngoài quan tâm đến cảm xúc cá nhân, họ cũng thử tìm lời giải cho từng quyết định của nhà làm phim cũng như tìm hiểu từng thành tố chuyên môn hơn.
Đối với họ, xem phim như một dạng hành trình tìm kiếm ý nghĩa cho những gì được thể hiện trên màn ảnh. Họ chú ý đến quay phim (cinematography), bố cục (composition), dựng cảnh (mise-en-scene), dựng phim, âm thanh, âm nhạc và tính kết nối (continuity). Họ cũng có xu hướng trân trọng những nét duy mỹ của bộ phim và hiểu rằng “câu chuyện” có thể được truyền tải bằng nhiều hình thức khác nhau.
Và cuối cùng là những khán giả không chỉ có niềm đam mê về phim ảnh mà còn quan tâm đến các vấn đề văn hoá, xã hội và chính trị khác. Phim ảnh là một sản phẩm truyền thông, và mọi thứ hiện hữu trong phim ảnh đều không nằm ngoài phạm vi những lý thuyết truyền thông. Đối với những khán giả này, họ tìm được mối quan hệ giữa phim và các vấn đề đương đại mà thế giới đang quan tâm.
Họ quan tâm đến các diễn ngôn (discourse) và luôn tìm cách gọi tên các sự vật, hiện tượng để hiểu cách mà phim ảnh đã cấu thành nên nhận thức của con người về thế giới. Đa số những khán giả có mức độ cảm thụ này sẽ nghĩ về truyền thông và phim ảnh mỗi ngày ở mức độ tư duy và có xu hướng trở thành những cây bút phê bình.
Việc hiểu những mức độ cảm thụ khác nhau không những giúp bạn xác định được mình thuộc nhóm khán giả nào mà còn giúp bạn hiểu hơn những thành tố nào kích thích bạn trong quá trình xem phim. Không những thế, việc này còn góp phần tạo nên những cộng đồng người xem có sự tương thích với nhau về cảm thụ, cùng chia sẻ quan điểm, góc nhìn để cùng nâng cao trải nghiệm xem phim.
2. Bật chế độ critical thinking và xem phim như một “nhà phê bình”
“Phê bình” trong tiếng Việt thường dễ bị nhầm sang “chê bai”. Vậy nên rất nhiều người sẽ có cái nhìn tiêu cực khi nghe đến ba chữ “nhà phê bình”.
Thực tế thì “phê bình phim” nhẹ nhàng hơn chúng ta nghĩ, bởi phê bình có nhiều cấp độ, và ngay cả một người viết review phim cũng có thể được xem là phê bình. Phê bình tác phẩm điện ảnh chưa bao giờ mang ý nghĩa chỉ trích, soi mói hay tìm lỗi, mà cần được hiểu đúng là việc xem xét tác phẩm đó dưới lăng kính học thuật để phân tích, diễn giải dựa trên các hệ thống lý thuyết, khái niệm hay bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội.
Khi xem phim như một “nhà phê bình”, nghĩa là bạn dùng tư duy phản biện và có sự chủ động trong suy nghĩ. Bắt đầu tư duy phản biện, với tôi đơn giản nhất (nhưng cũng khó thực hiện nhất) đó là bắt đầu hỏi bản thân: “Vì sao bộ phim lại làm theo hướng này mà không làm theo hướng tôi mong muốn?”.
Với khán giả đại chúng, phim “hay” hay “dở” thật ra được định nghĩa rất dễ. Một bộ phim không theo những gì khán giả mong muốn thường sẽ bị đánh giá là “dở”.
Nhưng với những ai muốn tiếp xúc sâu sắc với phim ảnh hơn, chúng ta sẽ dần nhận ra rằng bản chất của “hay và dở” đều có những lý giải thú vị. Đặt ra những câu hỏi như “thế nào là một bộ phim hay và một bộ phim dở”, “vì sao bộ phim lại có màu sắc này?”, “vì sao bài hát này lại vang lên ở đây?”, “vì sao kết thúc phim lại kì lạ như vậy?”, “vì sao phim này được quá nhiều người khen?” là động lực đầu tiên để kích thích chúng ta theo đuổi tri thức và tìm câu trả lời cho chính bản thân mình.
3. Trau dồi vốn văn hoá
Khi đứng trước một tác phẩm trừu tượng của Picasso, sẽ có người trầm trồ ngắm nghía nó, nhưng cũng sẽ có những người hoàn toàn không hiểu giá trị của những tác phẩm đó bởi họ chẳng nắm bắt được ý nghĩa của bức tranh. Theo nhà xã hội học Pierre Bourdieu, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do hai người xem tranh đó có hai “vốn văn hoá” khác nhau.
Bourdieu nổi tiếng với những nghiên cứu của ông về thẩm mỹ cá nhân và lựa chọn của con người trong việc trải nghiệm các hình thức văn hoá, giải trí. Ông đặt những câu hỏi như: một người uống loại rượu cao cấp liệu có phải chỉ là do người đó có sẵn vốn kinh tế (economic capital) hay thật sự là do vốn văn hoá (cultural capital) của họ tác động nên?
Với Bourdieu, vốn văn hoá là yếu tố quan trọng thúc đẩy hành vi của chúng ta trong quá trình giao tiếp xã hội. Vốn văn hoá không bất biến mà luôn khả biến. Tức môi trường xung quanh chúng ta sẽ tác động đến sự mở rộng của vốn này và từ đó tác động đến nhận thức lẫn hành vi của chúng ta.
Tôi nhớ lại kỷ niệm năm 2018 của mình khi tham dự Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, tôi đã được xem những thước phim gần như định nghĩa lại những gì tôi hiểu về điện ảnh. Lúc đó còn non, tôi chỉ mãi tập trung vào điện ảnh Mỹ mà quên mất điện ảnh quốc tế. Rotterdam là một cú huých để tôi hiểu mình đang bị thiếu vốn văn hoá đến mức nào. Có những thước phim trừu tượng đến mức khi ra khỏi rạp tôi vẫn không hiểu mình vừa xem gì. Cũng có những thước phim táo bạo đến mức tôi cảm giác chỉ có mỗi mình mình đang đỏ mặt trong khán phòng, xung quanh những phóng viên kỳ cựu khác.
Vì lẽ đó, từ kinh nghiệm của tôi, để tăng khả năng cảm thụ về phim ảnh thì rất cần tự làm giàu vốn văn hoá. Có những thước phim dễ xem, dễ cảm nhưng cũng sẽ có lúc bạn gặp phải những thước phim mang tính thách thức những gì mà bạn hiểu về cuộc sống từ trước.
Ví dụ, một người không hiểu về kỳ thị sắc tộc và tính đại diện của những nhóm thiểu số trên truyền thông phương Tây sẽ cần một thời gian để nắm được tinh thần của những Black Panther, Crazy Rich Asians hay In The Heights. Những vấn đề về giới tính, nữ quyền trong Little Women, Call Me By Your Name,... cũng tương tự vậy.
Tuy vậy, không biết về điều gì đó là chuyện quá bình thường. Chúng ta biết thêm những điều mới mỗi ngày, và phim ảnh cũng là một trong nhiều nguồn để ta học hỏi.
Những phim kể trên vẫn khá dễ cảm thụ. Còn có những phim nặng tính nghệ thuật hơn và không thể chỉ cảm thụ qua các thành tố cốt truyện, nhân vật, hay thể loại được. Đây là những bộ phim cần trực giác để hiểu. Và như David Lynch, bậc thầy của những bộ phim trừu tượng đã từng nói: “Trực giác chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến thức, và cảm xúc.”
4. Đọc những bài viết về phim từ những chuyên gia và những nhà phê bình
Bí quyết cuối cùng nghe tưởng đơn giản và hơi thừa, nhưng với tôi lại khá khó với nhiều khán giả, bởi văn hoá đọc của chúng ta đang dần dà bị lép vế trước những hình thức đón nhận thông tin khác tiết kiệm thời gian hơn và sinh động hơn.
Tôi gọi trải nghiệm đọc các bài viết về phim là trải nghiệm “thăm lại phim”. Vì qua ngôn từ của người viết, chúng ta lần nữa đắm mình vào thế giới của những thước phim. Nếu việc đọc tăng khả năng tiếp nhận và thẩm thấu ngôn ngữ của chúng ta thì nó cũng sẽ làm tăng khả năng cảm thụ phim của chúng ta, bởi ở mức độ nào đó bản chất từng bộ phim cũng sở hữu ngôn ngữ: ngôn ngữ chúng ta nghe được và ngôn ngữ chúng ta hiểu được, ngôn ngữ bên trong tư duy của chúng ta mỗi khi chúng ta xem một bộ phim.
Bên cạnh đó, cá nhân tôi nghĩ, không có điều gì dạy cho chúng ta tốt hơn là những người đi trước. Như đã nói từ đầu, cảm thụ chưa bao giờ là một năng lực thiên bẩm mà là một thứ được cấu thành nên dựa vào những yếu tố văn hoá xã hội xung quanh chúng ta. Vì thế, hãy để cảm thụ được hình thành nhờ vào sự học hỏi của bản thân và nhờ vào sự định hướng của những người đi trước.
Chắc chắn sẽ có người hỏi tôi rằng: nếu vậy, trong cảm thụ có tính nguyên bản thực sự không? Và liệu việc “học hỏi”, “tham khảo” này có khiến chúng ta trở thành một bản sao không?
Với tôi, cảm thụ phim ảnh luôn cần những khung sườn chung (framework), và việc học hỏi những người đi trước là cách chúng ta hiểu cách hoạt động của những khung sườn đó. Phần còn lại, bản ngã, tính cách và những vốn văn hoá của chúng ta sẽ tự lên tiếng.
Việc một bài viết khen ngợi góc máy nghiêng của phim điện ảnh Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy và bạn cũng là người khen ngợi góc máy đó trong bài viết của mình không biến bạn trở thành một người sao chép ý tưởng, bởi góc máy nghiêng đó là một đặc sản của phim mà ai cũng nhận ra trong những “framework” chúng ta hay dùng để cảm thụ phim. Nhưng cách bạn hiểu về những góc máy nghiêng đó, gọi tên nó, diễn giải nó và cảm thụ nó trong mối quan hệ với các thành tố khác của phim sẽ tạo nên nét riêng của bạn.
Kết
Trên tất cả, cảm thụ chưa bao giờ là một khái niệm nằm ở “bộ phim” và “tác phẩm”, mà nó nằm ở bạn, người đang trên hành trình khám phá thế giới bên kia khung hình. Chắc chắn sẽ rất nhiều người nghĩ rằng tăng khả năng cảm thụ là tăng cơ hội hiểu sâu hơn về một bộ phim mà các bạn xem. Nhưng mục đích cuối cùng của cảm thụ, với tôi, là hình thành nên một mối dây, một mạng lưới liên kết trải nghiệm sống của từng cá nhân với thế giới. Phim là một phần nhỏ trong số đó. Tăng khả năng cảm thụ điện ảnh, cuối cùng, cũng là tăng cảm thụ của chúng ta về cuộc sống và thế giới.
Và một điều ngoài lề tôi cũng nghĩ ta cần phải đề cập nhẹ, xem các video tóm tắt phim trong 5, 10 phút không làm tăng khả năng cảm thụ phim của chúng ta. Đó là một dạng trải nghiệm thứ cấp chóng quên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thông tin hằng ngày, dễ xem, dễ đi vào dĩ vãng.