Hiểu về điện ảnh qua các thuật ngữ thường dùng trong phân tích phim | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Hiểu về điện ảnh qua các thuật ngữ thường dùng trong phân tích phim

Hiểu hơn về các thuật ngữ điện ảnh sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về bộ phim, cũng như những ý đồ mà các đạo diễn gài gắm vào trong tác phẩm của mình.
Hiểu về điện ảnh qua các thuật ngữ thường dùng trong phân tích phim

Nguồn: The Life Aquatic with Steve Zissou (Wes Anderson, 2004)

Khi bàn về cách đọc một tác phẩm điện ảnh, nhà phê bình Rober Ebert đã nói rằng: "Hãy dừng bộ phim lại và nghĩ về nó một lúc."

Nhìn ngắm một cảnh phim có thể gợi lên cảm xúc nhưng sẽ thật khó để hiểu nếu ta thiếu đi những kiến thức cơ bản.

Vậy nên, biết về các thuật ngữ điện ảnh sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về bộ phim, rồi từ đó tự phản chiếu lại những cảm xúc của mình với những tâm tư được lồng ghép của đạo diễn .  

1. Mise-en-scene

Mise-en-scene dịch sát nghĩa theo tiếng Pháp là "dàn dựng sân khấu". Trong phân tích phim, từ này nói về tất cả những yếu tố được xuất hiện trước máy quay bao gồm diễn viên, đạo cụ và ánh sáng. 

Các đạo diễn dùng mise-en-scene để kể câu chuyện và gợi lên cảm xúc của bộ phim. Tất cả thể hiện rõ chỉ trong một khung hình, từ bố cục tới ánh sáng và màu sắc, gây ấn tượng với người xem. 

Mise-en-scene thường xuyên xuất hiện trong những khung hình bận rộn, tỉ mẩn tới từng chi tiết của Wes Anderson. Đặc biệt trong cách đạo diễn này tận dụng màu sắc, bố cục và những cú “whip pan".

Ta “đọc” được nhiều thứ, hiểu về nhân vật chỉ từ một khung hình.

2. Montage

Cũng xuất pháp từ tiếng Pháp, montage nghĩa là “ghép các cảnh quay". Kỹ thuật dựng phim montage dùng những thước phim  sắp xếp và đặt bên cạnh nhau, từ từ hé lộ về nhân vật, xây dựng một bức tranh toàn cảnh. 

Trái với mise-en-scene, câu chuyện được kể trong một khung hình, montage bóc tách từ từ câu chuyện được bồi đắp lên bởi những hình ảnh và cảnh quay.

3. Cinematography

Cinematography bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa "nghệ thuật của hình ảnh chuyển động" hay nói cách khác là kỹ thuật quay phim. Tương tự, cinematographer chịu trách nhiệm tạo ra hình ảnh trong bộ phim qua việc chọn máy quay, ánh sáng cũng như tận dụng các kỹ thuật chuyên môn.

Không đơn thuần chỉ quay lại những gì trước mắt, cinematographer bắt khoảnh khắc, kể lại dụng ý của đạo diễn bằng máy quay, và trao nó tới khán giả qua những khung hình. 

Trong In the mood for love (Wong Kar-wai, 2000), Christopher Doyle và Mark Lee Ping Bin đã truyền đạt câu chuyện của đạo diễn cho người xem khi kể bằng những khung hình không lời thoại.

Với những góc quay trong con hẻm nhỏ của Hồng Kông, những hành lang chật hẹp ám đèn vàng, máy quay bám theo từng bước đi của bà Su, phơi bày nội tâm và cảm xúc của nhân vật cho khán giả.

4. Plothole

Plothole là lỗ hổng trong cốt truyện, đi ngược lại với logic trong bộ phim.

Một khi bạn đã tìm thấy plothole trong phim, bạn không bao giờ có thể xem bộ phim như trước, khi nó có khả năng biến phim trinh thám trở nên ngớ ngẩn, hay phim kinh dị thành phim hài.

thuật ngữ phim
Thay vì làm nhà chỗ thác nước ồn nơi mấy con quái vật không nghe được, tụi tui chọn sống ở một trang trại ồn ào | Nguồn: Bored Panda

Thường thì không có biên kịch nào cố tình tạo ra plothole, chỉ có biên kịch quên mất mình viết gì.

5. Blockbuster và flop

Blockbuster (bom tấn) được dùng nhiều trong lĩnh vực giải trí từ điện ảnh tới sân khấu. Từ này bắt nguồn từ những năm 1940 vào  Thế chiến thứ II, để chỉ những quả bom nổ. Hiện nay, một bộ phim được cho là bom tấn khi đạt được doanh thu 200 triệu USD.

Trái ngược với blockbuster là flop - một bộ phim thất bại. Đồng nghĩa với từ này chính box-office-bom (bom phòng vé). Gọi thân thuộc theo tiếng Việt chính làm “bom xịt". Cho tới hiện nay bom xịt phòng vé của mọi thời đại gọi tên “Mulan" với con số lỗ vốn lên tới 146 triệu USD.

thuật ngữ phim
Nhìn lướt tưởng phim, nhìn kỹ hóa trò đùa | Nguồn: 9GAG

6. New wave 

New wave (La Nouvelle Vague - Làn sóng mới) là một trào lưu phim nghệ thuật bắt nguồn từ Pháp vào những năm 1950. Một nhóm các đạo diễn khởi xướng phong trào này nhằm tôn vinh tư tưởng làm phim khác lạ, mang tính đột phá.

Đặc trưng của Làn sóng mới bác bỏ các quy ước làm phim truyền thống, thay vào đó ủng hộ sự thử nghiệm với những phương thức làm phim mới. Phong trào này đã tạo ra một sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử điện ảnh. Nó sớm lan rộng sang nhiều nước Châu Á như Hồng Kông và Đài Loan, tạo nên những tuyệt phẩm cho nền điện ảnh. 

Các nhà làm phim thời này đã tuân theo “Thuyết Auteur", một khái niệm được tạo ra bởi đạo diễn người Đức Max Reinhardt. Theo thuyết này thì đạo diễn là tác giả, “viết" nên bộ phim mang dấu ấn riêng và thế giới quan của mình, thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh.   

7. Allusion và homage

Alusion (Ám chỉ) là một cách kể chuyện được sử dụng phổ biến trong văn học và điện ảnh. Bằng cách lồng ghép gián tiếp một biểu tượng điện ảnh, văn học, điển tích được nhiều người biết tới, đạo diễn khiến người xem tự liên tưởng về bối cảnh hoặc ý nghĩa đằng sau đó. 

Nhiều đạo diễn thường tái hiện lại một cảnh phim dựa trên tranh cổ điển, tạo chiều sâu cho thước phim.

thuật ngữ phim
The Barque of Dante Painting (Eugène Delacroix, 1822) và The house that Jack built (Lars von Trier, 2008)

Đôi khi một cảnh phim kinh điển cũng được tái hiện, nhằm thể hiện sự tôn trọng của đạo diễn với người đi trước, và đó gọi là "homage". Tuy nhiên, yếu tố này dễ bị đem đi lạm dụng khi chỉ cần sao chép lại tác phẩm nguyên bản và gắn thêm cái mác "nguồn cảm hứng". 

Để biết được một tác phẩm đang sao chép hay bày tỏ sự kính trọng ta có thể xem cách Quentin Tarantino tham chiếu các cảnh phim kinh điển. Trong những cảnh quay này, ta thấy rõ phong cách làm phim của Quentin, nhưng đồng thời nó vẫn gợi ta nhớ đến tác phẩm gốc.  

8. Symbol và motif

Để ám chỉ trong phim ảnh, các đạo diễn thường dùng biểu tượng (symbol).

Biểu tượng là một hình ảnh đi kèm với một lớp ý nghĩa, nhằm gửi gắm một thông điệp cho người xem. Ví dụ như quạ là biểu tượng của cái chết, tiếng quạ kêu trong phim ám chỉ cho sự qua đời của một nhân vật.

Khi một biểu tượng được xuất hiện xuyên suốt trong bộ phim, nó trở thành motif. Motif được định nghĩa như một yếu tố được lặp đi lặp lại nhằm hỗ trợ cho chủ đề (theme) của bộ phim. Nó có thể được thể hiện qua âm nhạc, lời thoại, màu sắc và cả biểu tượng, nhằm giúp câu chuyện dày dặn và kết nối tới khán giả.

Ví dụ như trong bộ phim American Beauty (Sam Mendes,1999), hình ảnh hoa hồng mang biểu tượng của cái đẹp và nhục dục, được lặp đi lặp lại biến thành một motif, nhằm mục đích làm rõ hơn chủ đề của bộ phim: sự tự giải phóng khỏi những ràng buộc. 

9. Director's cut

Director's cut là bản phim được cắt dựng theo ý muốn của đạo diễn mà không có sự can thiệp của studio làm phim. Blade Runner (Ridley Scott, 1982) đã từng ra mắt thất bại cho đến khi bản director's cut được công chiếu, thay đổi hoàn toàn số phận của bộ phim.

Gần đây nhất có câu chuyện của phim Snyder's cut: Justice League. Cả đạo diễn và người hâm mộ đã trải qua nhiều khó khăn để đấu tranh cho bản phim của đạo diễn được ra mắt.