Vài năm trước, trong một buổi khai vấn về chủ đề "lãnh đạo" với các đồng nghiệp trong công ty, mình đã mô tả bản thân như một hành tinh trong vũ trụ rộng lớn và xem những mối quan hệ xung quanh giống như những thiên thạch. Nếu để chúng bay quá gần thì đến một lúc nào đó sẽ bị hút vào nhau và gây ra những tổn thương lớn cho cả hai.
Bây giờ thì mình nhận ra rằng chính niềm tin này là nguyên nhân cho những vấn đề mình gặp phải trong các mối quan hệ. Mình đã từ bỏ nó và thay vào đó, mình bắt đầu tin rằng mỗi người là một vũ trụ riêng với những quy luật tồn tại khác biệt cần được tôn trọng. Đây là một khoảnh khắc mình gọi là “tiến bộ tự nhận thức” trong hành trình phát triển cá nhân.
Nhìn lại cả hành trình với những khoảnh khắc phá vỡ niềm tin cũ và thiết lập niềm tin mới, mình viết bài viết này với hy vọng có thể mô tả sự phát triển của việc tự nhận thức cá nhân một cách dễ hiểu, để đâu đó giúp bạn tham khảo cho hành trình của riêng mình.
Cấp độ 1: Thế giới tôi phải sống
Hãy tưởng tượng ta là một con bướm.
Khi còn là sâu bướm, ta không nhận ra khả năng bay của mình, thậm chí còn chẳng thể nào biết bản thân có loại năng lực này. Thế giới xung quanh như cây cỏ, lá, hoa, đối với ta chỉ là những thứ để leo lên, trèo xuống, để ăn và ẩn nấp khỏi chim săn mồi.
Giống như tự nhiên có "khung cảnh" (landscape), thì trong xã hội có "khung văn hóa" (culturescape) - nơi chúng ta bị mắc kẹt với những kì vọng, áp lực và giới hạn do xã hội đặt ra.
Ở cấp độ nhận thức này, ta chấp nhận mọi thứ đang xảy ra một cách mặc định, nếu tốt thì là do trời độ, nếu xấu thì do xui rủi. Nói cách khác, chúng ta chỉ thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh xung quanh.
Giây phút con sâu bị chim sẻ bắt được, nó nghĩ rằng tại sao hôm nay con chim lại dậy sớm hơn thường ngày. Giây phút ta thất bại trong một mục tiêu, ta nghĩ rằng do tổ tiên không phù hộ.
Vì cuộc đời ngắn ngủi, nên hãy sớm vượt qua cấp độ này để tìm cách khám phá những khả năng còn tiềm ẩn.
Một phương pháp hiệu quả mình đã thực hành là chia ngày thành các buổi như: sáng, trưa, chiều, tối. Rồi lại tiếp tục chia ra các loại việc phải làm trong mỗi buổi như: đọc sách, viết lách, làm việc, họp,… Cố gắng làm tốt nhất trong mỗi việc đó, từ việc nhỏ nhất như đánh răng, đến việc lớn nhất như hoàn thành một dự án quan trọng.
Khi bắt đầu có ý thức và tập trung trong từng công việc, chúng ta sẽ dần nhận biết được những điểm cần cải tiến và những khả năng mà trước đây mình không nghĩ rằng bản thân có.
Cấp độ 2: Thế giới tôi chọn sống
Đây là giai đoạn mà chúng ta giống như một con sâu bướm mới thoát khỏi kén và còn lạ lẫm với đôi cánh mới mẻ. Tuy nhiên, dần dần, ta bắt đầu nhận ra sức mạnh và khả năng bay của mình. Ta nhận thức được rằng mình có thể vượt qua việc bò lết đi khắp nơi. Đây chính là giai đoạn ta khám phá sức mạnh để tự quyết định cuộc sống mà ta mong muốn.
Trong một ngày sẽ có nhiều sự kiện xảy ra và hơn phân nửa số đó sẽ là những việc không nằm trong kế hoạch, hoặc những điều ta không mong đợi. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp ta luôn có quyền tự do trong việc chọn những gì mình muốn tập trung vào.
Hãy bắt đầu xác định rõ ràng những gì ta muốn trở thành và những gì ta không muốn. Ví dụ, mình muốn trở thành một người đam mê viết lách và không bao giờ để mình rơi vào tình trạng không có ý tưởng để viết. Mình có thể làm điều này bằng cách lưu lại những suy nghĩ về cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu cuộc sống xung quanh hơn.
Đặt ra ranh giới giữa muốn và không muốn sẽ giúp ta dễ đưa ra quyết định hơn khi đứng trước những lời mời cám dỗ như một buổi tiệc tùng ồn ào, hoặc hùa vào cuộc chuyện phiếm nói xấu về người khác.
Cấp độ 3: Thế giới tôi tạo ra (bên trong mình)
Con bướm đã nhận thức được sức mạnh và khả năng bay của mình, nhưng để điều khiển được hướng bay tới những bông hoa thơm mọng, nó cần tập luyện và làm quen với đôi cánh mới. Đây chính là giai đoạn ta cần phá vỡ những giới hạn và tái cấu trúc lại nhiều khía cạnh của bản thân.
Cụ thể hơn, đây là thời điểm ta xây dựng thế giới nội tâm, bắt đầu từ việc thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ về mọi thứ, nhằm tìm ra và phá vỡ những quan niệm, niềm tin cũ không còn phù hợp với mục tiêu mong muốn. Chẳng hạn mình đã phá vỡ niềm tin về "thiên thạch" để học cách tôn trọng và đối xử phù hợp với tất cả mọi người.
Kinh nghiệm của mình là thường dành 15-30 phút mỗi ngày để quan sát lại bản thân, nhìn ra và gọi tên những “niềm tin cốt lõi” (core beliefs) hoặc “mô hình tâm lý” (psychology patterns) đang điều khiển hành vi của mình.
Ngoài ra, mình sẽ đo lường xem chất lượng cuộc sống đang thay đổi thế nào bởi hệ giá trị hiện tại của bản thân, bởi chỉ khi có ghi nhận và đo lường ta mới nhận ra liệu mình có đang tiến bộ hay không.
Chẳng hạn, bạn có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để biết ta đang làm mọi việc hiệu quả hơn? ~ Làm việc hiệu quả hơn nghĩa là cùng kết quả nhưng thời gian ít hơn, hoặc cùng thời gian nhưng kết quả tốt hơn.
Mục đích của việc ghi nhận và đo lường là để chúng ta có thể tập trung sự chú ý của mình có chọn lọc, bởi cuộc sống thay đổi theo cách mà chúng ta phân bổ thời gian. Tư duy này cũng sẽ giúp chúng ta kịp thời thay đổi khi cần thiết.
Cũng lưu ý rằng bạn đừng vội vàng thay đổi niềm tin với chỉ một vài lần không như ý, như bị lừa dối 2-3 lần không có nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ lừa bạn.
Cấp độ 4: Thế giới tôi thay đổi
Cuối cùng, sau khi đã thích nghi với đôi cánh và khả năng bay của mình, con bướm có thể tự do bay tới những khu rừng, những đồng cỏ xa xôi đầy hoa thơm. Nó tự quyết định chọn nơi để sinh sống. Nó tin tưởng và biết ơn mẹ thiên nhiên, một thực thể to lớn đang điều hành sự sống của muôn loài.
Tương tự, khi chúng ta bắt đầu tin vào các yếu tố tâm linh, tin rằng vũ trụ này hoạt động theo những quy luật như nhân quả, vô thường, tập trung, hấp dẫn,... Chúng ta nhận biết được rằng có những thứ cần tuân theo, có những thứ có thể thay đổi, và để phân biệt được những điều này, chúng ta cần trí tuệ.
Khi đã nhận thức rõ về bản thân, ta sẽ nhận ra rằng mình không chỉ là một cá nhân độc lập, mà còn là một phần của toàn bộ vũ trụ. Cảm giác kết nối này đã giúp mình mở lòng hơn, nhận ra giá trị và thấy rằng có thể góp phần nhỏ nào đó thay đổi thế giới xung quanh mình.
Và điều này trở thành động lực để mình tiếp tục viết blog, viết sách hay chia sẻ tất cả những điều này với các bạn.
Suy nghĩ cuối
Mình muốn nhấn mạnh rằng không có cấp độ nào tốt hơn cấp độ nào. Mỗi cấp độ đều mang lại cho ta những trải nghiệm quý báu và giúp ta phát triển. Đừng vội vàng muốn vươn lên cấp độ cao hơn, thay vào đó hãy tận hưởng hành trình và học hỏi từ mỗi cấp độ. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, và mỗi chúng ta đều là những nhà thám hiểm.
Và cũng có thể một lúc nào đó, sự hiểu biết của mình về tự nhận thức bản thân cũng sẽ không còn giống như bài viết này nữa.
Nhưng dù thế nào, cũng chúc bạn và mình có được một hành trình tự nhận thức đầy ý nghĩa.