4 Thuật ngữ về LGBTQ+ giúp bạn đỡ khó xử khi muốn đặt câu hỏi | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

4 Thuật ngữ về LGBTQ+ giúp bạn đỡ khó xử khi muốn đặt câu hỏi

Nắm các thuật ngữ để không rơi vào những tình trạng khó xử cũng là một cách để bạn ủng hộ cộng đồng LGBTQ+.
4 Thuật ngữ về LGBTQ+ giúp bạn đỡ khó xử khi muốn đặt câu hỏi

Nguồn: Unsplash

Cộng đồng LGBTQ+ bao gồm các bản dạng giới và xu hướng tính dục khác nhau, không giới hạn trong bất kì khuôn khổ nào. Do đó, các thuật ngữ về LGBTQ+ cũng vô cùng đa dạng. Hiểu thêm về các thuật ngữ này sẽ giúp chúng ta có góc nhìn và cách tiếp cận đúng đắn và tinh tế hơn với chủ đề cũng như khi muốn trò chuyện hoặc đặt câu hỏi với những người thuộc cộng đồng.

Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về 4 thuật ngữ đặc biệt về LGBTQ+ dưới đây.

1. Deadname: Tên khai sinh của người chuyển giới

Deadname nhằm chỉ tên khai sinh của một người chuyển giới trước khi họ chuyển sang thân phận mới. Sau khi thay đổi danh xưng và tên gọi, tên cũ của người chuyển giới sẽ được gọi là deadname (theo Verywell Mind).

Về cơ bản, tên gọi luôn là điều gắn liền với bản dạng giới của một ai đó. Do đó, khi một người chuyển giới quyết định sống đúng với bản thân và thay đổi tên, đồng nghĩa rằng họ đang muốn tạo dựng nên một cuộc sống nơi họ có thể được gọi bằng một danh xưng phù hợp với bản dạng giới của chính mình.

alt
Nguồn: Unsplash

Điều bạn có thể làm: Khi giao tiếp, chúng ta nên gọi những người chuyển giới bằng tên mà chính họ tự giới thiệu. Nếu họ không chủ động nhắc đến hoặc chia sẻ về cái tên cũ, việc lặp đi lặp lại hoặc gọi họ bằng deadname sẽ dễ tạo cảm giác không thoải mái và thiếu tôn trọng đến người đối diện.

2. Gender dysphoria: Rối loạn định dạng giới/bức bối giới/phiền muộn giới

Rối loạn định dạng giới còn gọi là bức bối giới hoặc phiền muộn giới (Gender dysphoria) được định nghĩa là trạng thái tâm lý mà một người gặp phải khi giới tính sinh học (được xác định khi sinh ra) không trùng khớp với bản dạng giới (nhận thức của một người về giới tính của bản thân). Điều này gây ra sự bức bối, bất mãn và phiền muộn về mặt tâm lý do sự mâu thuẫn nội tâm giữa giới tính sinh học và nhận thức về giới tính.

Rối loạn định dạng giới là tình trạng thường gặp đối với các cá nhân chưa quyết định được liệu mình có thuộc cộng đồng LGBTQ+ hay không, và từ đó thôi thúc họ khám phá bản dạng giới của mình. Họ có thể không lựa chọn giới tính mình được sinh ra, nhưng có quyền được chọn bản dạng giới phù hợp để có thể theo đuổi cuộc sống mơ ước.

alt
Vì vậy, việc thoát khỏi những hoài nghi về bản thân và chọn sống đúng với chính mình là hành động dũng cảm và xứng đáng được tôn trọng | Nguồn: Unsplash

Đây là một hiện tượng dễ xảy ra khi ai đó chưa thể xác định được chính xác “Mình là ai?”. Là người đồng hành, bạn có thể động viên người bạn của mình rằng, việc thể hiện bản thân là chưa bao giờ sai, và bất cứ ai cũng có quyền được nói lên tiếng nói của chính mình.

Điều bạn có thể làm: Nếu việc này vượt khỏi giới hạn có thể cho lời khuyên của bạn, hãy gợi ý họ đến tham vấn cùng các chuyên gia tâm lý. Khi từng rào cản tâm lý được tháo gỡ, họ sẽ cảm thấy tự tin và thấu hiểu chính mình nhiều hơn.

Bên cạnh đó, hãy luôn bên cạnh ủng hộ và tôn trọng suy nghĩ của họ, bởi sự động viên của những người xung quanh sẽ mang đến dũng khí cho những ai đang bối rối đến gần hơn với khao khát sống đúng với bản thân.

3. Misgendering: Nhầm lẫn giới tính

Nhầm lẫn giới tính (misgendering) là hành động gọi hoặc ám chỉ một người bằng đại từ hoặc danh xưng không đúng với bản dạng giới của họ (theo Harvard Medical School). Ví dụ, khi giao tiếp với một người chuyển giới nữ, bạn gọi họ bằng “anh” thay vì “chị”.

Trong một số trường hợp, sự nhầm lẫn này đến từ sự bối rối khi không biết chọn dùng danh xưng phù hợp đối với người trong cộng đồng LGBTQ+. Điển hình như những người phi nhị nguyên giới (non-binary gender) thường chọn đại từ xưng hô trung tính như “họ” (they) - một cách gọi không quá phổ biến - nên sẽ dễ bị nhầm lẫn hơn.

Mặc dù phần lớn sự nhầm lẫn giới tính xảy ra vì vô tình, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cố tình nhầm lẫn giới tính với hàm ý phân biệt và miệt thị đối với những người thuộc LGBTQ+.

Điều bạn có thể làm: Để tránh mắc phải sự nhầm lẫn này, khi gặp một người bạn chưa quen biết, thay vì đưa ra phỏng đoán về giới tính dựa trên ngoại hình, bạn có thể hỏi người đối diện về danh xưng họ muốn được gọi.

Ở chiều ngược lại, nếu bạn thuộc cộng đồng LGBTQ+, bạn có thể giới thiệu danh xưng của mình để người khác tiện xưng hô, thông qua mô tả trên các trang mạng xã hội, hoặc chủ động đề cập trước khi được hỏi. Điều này sẽ giúp hạn chế những tình huống không thoải mái khi trò chuyện giữa hai bên.

4. Ally: Đồng minh dị tính

Đồng minh dị tính (ally) được dùng để chỉ những người không thuộc cộng đồng LGBTQ+, nhưng vẫn dành sự ủng hộ và sẵn sàng lên tiếng trước những bất công và vấn đề nổi cộm ở trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng được gọi là đồng minh (ally) của nhau, chẳng hạn như những người đồng tính nam có thể là ally của những người bisexual hay hoặc chuyển giới (theo Harvard Business Review).

alt
Nguồn: Unsplash

Mỗi người chúng ta đều có thể là một đồng minh dị tính để đồng hành cùng các bạn trong cộng đồng và lên tiếng khi có bất bình đẳng xảy ra. Sự đóng góp của mỗi đồng minh sẽ tạo nên nguồn sức mạnh lớn lao để ủng hộ tinh thần cho cộng đồng LGBTQ+, giúp các bạn có một không gian thoải mái hơn để thể hiện bản thân và nhận được sự tôn trọng và các quyền lợi tương tự những người dị tính.